54 năm bên nhau của đôi vợ chồng lượm ve chai ở sông Hồng, Hà Nội

Lối đi ra “túp lều lý tưởng” của vợ chồng ông Thành-bà Thủy, sự khó nghèo giữa lòng Hà Nội không ngăn cản ông bà có hạnh phúc – Ảnh: Tiền Phong

Chuyện tình của họ thật đẹp nhưng đượm buồn vì sự nghèo khổ và lãng quên của xã hội, dù chả ai than van.

Tiền Phong ngày 31 Tháng Ba 2023 kể về cuộc sống của đôi vợ chồng U90, ông Nguyễn Văn Thành (88 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (86 tuổi), sống trong căn nhà phao khoảng 10m2 (107 square feet) dựng tạm trên sông Hồng, đoạn dưới chân cầu Long Biên.

Khi đến tìm vợ chồng ông bà, phóng viên mô tả lời chỉ dẫn của một người trông đền ở cửa sông: “Ở đây có nhiều ông Thành lắm, Thành Tám, Thành sẹo rồi ông Thành điếc, cháu hỏi ông Thành nào, nếu hỏi ông Thành yêu vợ thì cứ bè nào nhỏ, cũ, nát nhất, góc sông nhé!”.

Trong túp lều của họ chỉ có chút ánh sáng từ cái bình ắc-quy cũ, ông nói mắt bà bị đục thủy tinh thể, không có tiền chữa nên đã không còn nhìn thấy đường. Còn bà bảo ông bị lãng tai, giờ bà còn nói to được, sợ mai mốt bà không còn nói to được nữa thì ông sẽ không hiểu bà nói gì. Họ cùng hoàn cảnh mồ côi cha mẹ từ bé, không có ai cưu mang, phải tự kiếm sống.

Năm hơn 10 tuổi, ông đã phải sống lang thang và ai sai gì làm nấy, miễn có cơm ăn. Đầu năm 1969, ông từ Thanh Hóa đến Hà Nội, cũng lang thang khắp nơi kiếm việc. Họ tìm thấy nhau ngày 26 Tháng Chín 1969 ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội, khi ông Thành 34 và bà Thủy 32. Đó là khoảnh khắc ông không bao giờ quên. Ông còn xăm ngày tháng ông bà gặp nhau lên tay, sợ rằng về già lẩm cẩm không nhớ nổi cái ngày quan trọng đó.

“Ông ấy có thể sống thiếu tôi nhưng tôi không thể sống không có ông ấy” – bà Thủy nghẹn ngào nói – Ảnh: Tiền Phong

Ông kể:  “Khi đó tôi và bà ấy đều không có gì, giống nhau là cả hai cùng có một bộ quần áo rách. Thấy bà ấy đang quét gạo rơi vãi ở đằng sau nhà ga để gom lại nấu ăn, tôi ra hỏi thăm. Bà ấy bảo gia đình không còn ai, bố mẹ chết sớm nên đi xin ăn, xin mãi cũng không được nên ra đây quét mấy hạt gạo rơi để về nấu ăn. Tôi đứng một lúc rồi liền bảo bà về ở với mình, sau ốm đau cũng có người này người kia, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”. Phản ứng của bà Thủy lúc đó thế nào?

“Lúc đầu nghe ông ấy nói vậy, tôi cũng ngần ngại, phần vì không biết ông ấy có thật lòng hay không, phần lại nghĩ thân mình còn chưa xong, sao lo nổi ai nữa. Nhưng khi nhìn ánh mắt ông ấy, tôi thấy có sự chân thành nên tin tưởng đồng ý. Thế rồi “hai đứa” dắt tay nhau về thổi lửa nấu cơm chung”, bà Thủy nhớ lại, kể với Tiền Phong mà đôi mắt như rướm lệ.

Họ sống chung không cưới hỏi, không giấy tờ và cũng không có con, thế mà 54 năm qua, đôi vợ chồng lúc nào cũng bên nhau, dù phải trôi giạt nhiều nơi, bữa đói bữa no, không có nhà cửa ổn định.

Từ ngày về sống ở bến sông, nhờ bơi giỏi, ông Thành đã vớt được hàng trăm thi thể bị chết đuối trên sông Hồng và bàn giao cho nhà cầm quyền địa phương hay gia đình lo hậu sự, được mọi người đặt biệt danh là “kẻ cướp cơm của Hà Bá”.

Cả ông lẫn bà đều bảo nhờ ơn trời, dù dầm mưa dãi nắng, cuộc sống cực khổ nhưng ông bà không bị ốm đau, không phải vào bệnh viện, nếu không thì họ cũng chả có tiền chữa trị. Chỉ khổ là từ khi bà bị đục thủy tinh thể rồi bị mù, ông Thành sợ vợ đi lại vấp ngã nên giành làm toàn bộ mọi việc trong nhà từ giặt đồ đến nấu ăn.

Trước đó, ngày 20 Tháng Sáu năm 2019, khi làm phóng sự ảnh về cuộc sống của ông Thành và bà Thủy, VOV kể lại mỗi khi rời khỏi nhà phao để nhặt phế liệu, ông phải đóng kín hết cửa vì sợ bà loạng choạng rồi lại ngã xuống sông. Hai vợ chồng ông Thành có sở thích là hút thuốc lào, khi thấy vợ muốn hút thuốc cho thư giãn, ông Thành liền châm lửa giúp vợ vì gió ở sông thổi vào rất mạnh.

Ông Thành xăm lên tay ngày tháng hai ông bà gặp nhau vì sợ rằng khi về già mình sẽ quên mất cái ngày quan trọng ấy – Ảnh: Tiền Phong

50 năm bên nhau, họ chưa bao giờ cãi nhau hay giận dỗi dù cuộc sống luôn thiếu thốn. Ông Thành còn nhận xét: “Tôi cũng không hiểu bọn trẻ sao giờ chúng cưới nhau, có nhà cửa tiện nghi đầy đủ, rồi có con cái với nhau nhưng chỉ được một thời gian là lại ly thân, ly hôn”.

Từ lúc ấy, bà Thủy đã trải lòng với phóng viên VOV:  “Ông ấy có thể sống thiếu tôi nhưng tôi không thể sống không có ông ấy. Tôi chỉ mong ông trời thương cho ông Thành luôn mạnh khỏe, còn tôi ra đi trước thì tôi mới an lòng”.

Tuổi Trẻ ngày 8 Tháng Tư 2015 đã làm một phóng sự về làng nổi bên chân cầu Long Biên, cách trung tâm Hà Nội chưa đến 2km (1.2 miles), nơi có 26 gia đình (gần 100 người) sống trên nhà phao bập bềnh trên sông Hồng, trong đó có gia đình ông Thành, bà Thủy. Thời gian đó bà Thủy chưa bị mù, vẫn mò mẫm ven mé sông Hồng dưới gầm cầu Long Biên để gom từng mảnh ván, củi trôi giạt hay chai lọ có thể bán được. Phóng viên chứng kiến cảnh ông Thành đứng trên bè luôn quát bà lên bè kẻo cảm lạnh, nhưng bà cứ cố mò, cho đến khi đôi bàn tay tái buốt, không cử động được mới chịu lên bờ ngồi nhóm lửa. Tuổi Trẻ mô tả: “Nếu trời nắng ráo, bà Thủy chỉ cần kê hai viên đá, lắp hai thanh sắt trên bờ sông là đã có chỗ để đun nấu, còn khi trời quá lạnh hoặc mưa, ông Thành đóng cọc phủ một tấm bạt lên trên để làm bếp. Củi ướt, nền đất ẩm cộng với gió lạnh, bà Thủy nhóm mãi nhưng bếp lửa không cháy, đôi vai người già run lên bần bật…”.

Năm 2011, sau thời gian trôi giạt nhiều nơi mà vẫn không có chỗ ở ổn định, ông bà tìm đến bãi giữa sông Hồng dưới gầm cầu Long Biên và dựng một chiếc phao nổi trên mặt nước, che chắn bằng đủ thứ vật liệu kiếm được để tránh mưa nắng. Hàng ngày, bà lượm mót ve chai, phế liệu, còn ông ai thuê gì làm nấy. Khi cả hai ông bà đều không còn đủ sức, thì ông chuyển qua đi lượm ve chai, còn bà quanh quẩn mé sông lo cơm nước.

Từ cuối năm 2014, biết câu chuyện của ông bà, nhiều người tìm đến thăm và làm cho ông bà chiếc bè mới thay chiếc bè cũ sắp mục nát. Còn thiếu gì thì ông bà đi nhặt thêm vỏ thùng, thanh gỗ rồi mang về đóng dần. Gió dưới mặt sông Hồng thốc lên lạnh buốt, nước lên làm chiếc bè tròng trành như muốn đổ nhưng bà Thủy lại cười vẻ hài lòng: “Lạnh đã có củi, mưa đã có bè”.

Thương vợ bị mù, ông Thành nhận lấy mọi công việc trong nhà từ giặt đồ, phơi đồ – Ảnh: Tiền Phong

Ngoài gia đình ông Thành bà Thủy, làng nổi có vài gia đình sống từ 25 năm trước. Họ bảo lúc đầu làng nổi có 30 gia đình nhưng đã có bốn gia đình chuyển lên phố, còn họ vẫn ở đây vì đỡ được khoản tiền thuê nhà. Cư dân ở đây có quê để nhớ nhưng không thể về vì nếu về phải “ăn nhờ ở đậu” mặc cảm với bà con xóm giềng, còn ở đây, ai thuê gì họ làm nấy, rảnh thì đi lượm ve chai. Trên bờ sông cạnh chiếc bè của mình, mỗi gia đình đều dựng một chiếc lều nhỏ khoảng 1m2 (12.9 square feet) che chắn rất kỹ, là nơi tích trữ phế liệu và rác mà họ lượm được. Điều đáng buồn là chưa có đứa trẻ nào ở làng nổi học lên được trung học, vì đa số trẻ không có giấy khai sanh, chỉ theo học lớp tình thương biết đọc biết viết là nghỉ học, đi làm phụ bố mẹ.

Cuối bài, Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lê Đăng Lễ, Phó chủ tịch Ủy ban phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP.Hà Nội phân trần rằng “Mọi chế độ hỗ trợ người dân đều phải làm theo chính sách. Dân sống trên bè không có hộ khẩu ở phường, phường không quản lý, không có cơ chế nên không thể hỗ trợ dân được. Ví dụ, không thể giúp họ vay vốn để làm ăn…”.

Vợ chồng ông Thành bà Thủy nếu sống ở Sài Gòn có lẽ đã khác, vì ít ra bà cũng được tài trợ suất mổ mắt miễn phí, không đến nỗi bị mù.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: