Thông tin đồn đoán Bí Thư Thành Ủy TP.Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đang bị Bộ Công An CSVN “sờ gáy” do trước đó cấu kết với cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc tiến hành cuộc đảo chính nhưng… bất thành.
Năm 2025 sẽ là một năm hết sức căng thẳng, xuất hiện nhiều biến động trong chính trường Việt Nam, hàng triệu đảng viên CSVN sống trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng hoặc rối loạn cảm xúc đứng ngồi không yên. Bởi lẽ, trước đại hội đảng lần thứ 14 diễn ra vào Tháng Giêng 2026, trong năm tới, CSVN tiến hành tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, tổ chức lại nhân sự các cấp từ địa phương cho đến Trung Ương, mà theo Phó Thủ Tướng Nguyễn Hòa Bình, sẽ có khoảng 100,000 cán bộ, công chức và viên chức bị ảnh hưởng.
Đây chính nguồn cơn của mọi đồn đoán về chính sự Việt Nam ở thời điểm hiện tại. CSVN cũng thừa nhận một sự thật rằng, ở vài địa phương của Việt Nam đang xuất hiện tình trạng đảng viên đương chức đương quyền có biểu hiện chờ sắp xếp, sợ va chạm, né tránh trách nhiệm, làm các hoạt động “đánh bóng” tên tuổi hoặc nghiêm trọng hơn là nói xấu, công kích lẫn nhau nhằm “hạ” người này, “nâng” người kia.
Ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành Ủy Đà Nẵng là một trong những trường hợp đang bị những đồn đoán bủa vây, xuất hiện từ các trang mạng xã hội, sau đó lan truyền ra cộng đồng người dân.
Những lời đồn đoán xâu kết chuỗi các sự kiện theo trình tự thời gian và không gian, địa điểm. Khởi đầu là vào ngày 6 Tháng Mười, 2017, Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị cách chức, liên quan đến bằng cấp và việc nhận quà biếu là xe hơi, hai căn nhà từ trùm mafia bất động sản Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).
Việc các quan chức CSVN sử dụng bằng cấp giả để hợp thức hóa con đường quan chức, hay nhận quà cáp, nhận hối lộ từ các doanh nghiệp xưa nay không là chuyện lạ, giờ lại rùm beng đối với ông Anh.
Sự kiện này cũng là mở đầu thời kỳ rối ren trong bộ máy lãnh đạo chủ chốt tại Đà Nẵng. Phan Văn Anh Vũ bị Bộ Công An tống giam, kéo theo hàng loạt quan chức từ cấp thấp cho đến cao, từ lãnh đạo các sở-ngành cho đến các cựu lãnh đạo chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng lãnh án tù với sai phạm chủ yếu liên quan tham nhũng đất đai.
Ngay sau khi ông Anh bị cách chức, ông Trương Quang Nghĩa, bộ trưởng Bộ Giao Thông & Vận Tải được “điều” về Đà Nẵng để dàn xếp nhân sự, ổn định tình hình. Nhưng hơn ba năm nắm quyền tại Đà Nẵng, ông Nghĩa đã không để lại dấu ấn gì.
Tháng Mười, 2019, ông Nguyễn Văn Quảng, phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao được điều động có mặt tại Đà Nẵng giữ chức phó bí thư Thành Ủy để “kẹp nách” bên ông Nghĩa. Một năm sau, tại đai hội đảng, ông Quảng được “đặt” vào ghế bí thư Thành Ủy, thay ông Nghĩa.
Điều đáng nói là, trong khoảng thời gian từ năm 2016 cho đến tháng Một năm 2023, thời điểm ông Nguyễn Xuân Phúc với cương vị thủ tướng Chính Phủ và tiếp đến là chủ tịch nước đã xuất hiện tại Đà Nẵng cũng như làm việc với lãnh đạo chủ chốt của địa phương này với tần suất bất thường, nhiều hơn những người tiền nhiệm như cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hay cựu Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang, Trương Tấn Sang.
Điều gì khiến ông Phúc đặc biệt quan tâm đến thành phố sông Hàn này? Không ít ý kiến của giới quan sát cho rằng, ông Phúc đã tranh thủ lúc Đà Nẵng rối ren, tạo ảnh hưởng, gia tăng thực lực. Ông Phúc có tham vọng ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư, kế tục ông Nguyễn Phú Trọng, chứ không dừng ở vị trí thủ tướng.
Tháng Chín năm 2018, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời vì “bệnh lạ.” Hai tháng sau, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm chủ tịch nước. Ông Trọng vừa nắm quyền Đảng vừa nắm quyền Nhà Nước, “một đít hai ghế,” quyền lực tột đỉnh. Nhiều lãnh đạo thèm khát được như ông Trọng, trong đó có ông Phúc.
Nhìn ông Trọng, tham vọng của ông Phúc càng bùng cháy mạnh mẽ. Hơn bao giờ hết, ông Phúc muốn quyền lực của mình chí ít được như ông Trọng hoặc phải hơn. Nhưng để làm được điều này, ông Phúc thừa biết rõ với chiếc ghế thủ tướng mà đường đường chính chính đi thì khó có thể làm nên chuyện, nhất là khi ông Trọng đang ở thời điểm vừa có quyền lực tột đỉnh lại vừa có uy tín rất cao trong giới chóp bu CSVN.
Phải thực hiện một cuộc “đảo chính” thì mới may ra có cơ hội, đầu tiên ông Phúc biến Đà Nẵng thành thành trì, là “sân sau” phục vụ cho mưu đồ của mình giống như cha con cựu Thủ Tướng Dũng làm ở Kiên Giang. Nguyễn Văn Quảng chính là “con cờ” mà ông Phúc tích cực đưa về Đà Nẵng để làm việc cho Phúc, kèm lời hứa hẹn khi đại sự thành công sẽ cho Quảng ngồi vào chiếc ghế viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao, thành viên ban bí thư Trung Ương Đảng.
Ông Quảng sinh năm 1969, tuổi đời còn đủ để hoạn lộ tiến xa, bay cao và có lý do để chấp nhận theo và phục vụ cho tham vọng của ông Phúc. Mấy tháng sau khi ông Quảng làm bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, ông Phúc được bầu làm chủ tịch nước, coi như tham vọng đã thành công một nửa.
Kinh tế thành phố Đà Nẵng từ thời ông Nguyễn Xuân Anh cho đến ông Nguyễn Văn Quảng hiện tại tăng trưởng chậm, có lúc chững lại, có hàng ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản. Còn có thông tin từ nội bộ cầm quyền Đà Nẵng tiết lộ rằng, kể từ khi ông Quảng nắm quyền đã thực hiện đường lối làm tê liệt kinh tế Đà Nẵng như không ký, không duyệt hoặc không tích cực tháo gỡ những khó khăn,vướng mắc các dự án lớn. Ông Quảng còn trắng trợn chuyển giao quyền lợi, các hợp đồng làm ăn lớn tại Đà Nẵng cho các doanh nghiệp “sân sau” của gia đình Nguyễn Xuân Phúc, những doanh nhân nào phản kháng sẽ bị gán ghép tội và loại trừ. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính phục vụ bất chính cho cá nhân và gia đình ông Phúc.
Tuy nhiên, âm mưu đảo chính của Phúc-Quảng sớm bị phát giác và ngăn chặn, đứng đầu là cặp bài trùng Nguyễn Phú Trọng-Tô Lâm.
Ngày 17 Tháng Giêng, 2023, Trung Ương Đảng CSVN tước hết chức vụ của ông Nguyễn Xuân Phúc như: ủy viên Bộ Chính Trị, ủy viên Trung Ương Đảng, chủ tịch hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021–2026. Ông Phúc cũng bị Quốc Hội miễn nhiệm chức chủ tịch nước. Âm mưu “đảo chính” của Phúc đến đây kết thúc một cách thảm hại.
Âm mưu, toan tính thất bại, Phúc rớt đài, Quảng run sợ. Bộ Công An giờ đây tập trung thu thập tất cả bằng chứng để khởi tố, tống giam Quảng. Số phận người lãnh đạo đảng của thành phố lớn Đà Nẵng – Nguyễn Văn Quảng sẽ “được” về hưu sớm cùng với ông Phúc, hay vào “nhà đá” ngồi “bóc lịch?”