Ăn tiệc cá chình, chủ lẫn khách đều bị ngộ độc

Cá Chình chế biến nướng và nấu chuối, đậu hũ đang là món khoái khẩu của dân Hà Nội – Ảnh: Người Đưa Tin

Chủ nhà Hà Nội mời khách Việt Trì đến nhà hàng ăn cá chình nướng và nấu chuối, đậu, ai dè sau khi tiệc tan, cả chủ lẫn khách đều nhập viện vì ngộ độc.

Bữa tiệc có chín người thì tám người phải nhập viện vì tiêu chảy và yếu liệt nhiều phần cơ thể, tê lưỡi, cứng hàm, một người còn lại thì chỉ tê bì khuôn mặt nên điều trị tại nhà. Trong số đó, ba người nặng nhất phải điều trị ở Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội; còn năm người điều trị ở bệnh viện đa khoa Việt Trì

Trao đổi với VietNamNet, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, cho biết, cả ba bệnh nhân vào viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, bỏng rát, yếu cơ, đau mỏi người, tê lưỡi, cứng hàm.

Trong số đó có chủ nhà là bà Đ.T.L. (49 tuổi, ngụ Phúc Thọ, Hà Nội), bà kể với VietnamNet trưa 14 Tháng Bảy cả nhà bà và mấy vị khách từ Việt Trì ra nhà hàng ăn món cá chình nướng và nấu chuối xanh với đậu hũ (món khoái khẩu của dân Hà Nội) thì đến tối 14 Tháng Bảy, cả chủ lẫn khách đều nhập viện: Ba bệnh nhân ở Hà Nội và năm bệnh nhân ở Việt Trì.

Sau ba ngày điều trị, đến ngày 17 Tháng Bảy, cả ba bệnh nhân vẫn mệt mỏi, cử động chân tay khó khăn.

Nói về nguyên nhân gây ngộ độc khi ăn cá chình, bác sĩ Nguyên giải thích: “Ngộ độc cá biển là thường xuyên nhất trong các loại hải sản, có thể xảy đến khi ăn nhiều loại cá sống ở rạn san hô như: Cá chình, cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá vược, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược, cá mập (gan cá)…Ngộ độc cá biển là do tảo sinh ra độc tố ciguatera, và đây lại là nguồn thức ăn của cá, lâu dần tích tụ độc chất trong cá. Hiện, có tới hàng trăm loài cá có chứa độc tố ciguatera.

Tảo này cá ăn không độc nhưng vào cơ thể người lại gây độc. Độc tố này ít gây triệu chứng tiêu hóa mà chủ yếu gây triệu chứng thần kinh trước, sau đó bệnh nhân đau bụng, tiêu chảy, loạn nhịp tim, rối loạn cảm giác, đau mỏi, tê bì khắp người, yếu cơ hoặc liệt cơ”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khám lại cho bệnh nhân ngộ độc cá chình tại bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: Tuổi Trẻ

Bác sĩ Nguyên còn cho biết thêm ngộ độc ciguatera khó phòng tránh vì độc tố không mùi, không vị, không phá huỷ bởi nhiệt độ đông lạnh, không xác định được bằng mắt thường. Cách duy nhất để phòng bệnh là không nên ăn quá nhiều cá chình và các loại cá sống ở rặng san hô, đặc biệt tránh ăn nội tạng cá.

Ông còn cảnh báo có những người bị triệu chứng ngộ độc cá chình dai dẳng, thậm chí nhiều tháng sau bệnh nhân vẫn còn dấu hiệu rối loạn cảm giác, ngứa ngáy, khiến đời sống đảo lộn, dẫn tới rối loạn tâm lý và trầm cảm. Mặc dù tỷ lệ tử vong do ngộ độc ciguatera ít gặp, tuy nhiên tử vong có thể xảy ra nếu bệnh nhân suy hô hấp, liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.

Báo Giao Thông không viết tắt tên các bệnh nhân mà cho biết luôn bà Đoàn Thị Là (chủ nhà Hà Nội) nhớ lại, sau bữa cơm trưa ngày 14 Tháng Bảy, đến 16 giờ chiều, bà Là thấy người lúc nóng, lúc lạnh, hoa mắt, chóng mặt, ngứa toàn thân, hai quai hàm mỏi, tê lưỡi.

Chồng bà Là và một người họ hàng cùng dự tiệc cá chình cũng có biểu hiện tương tự nên cả ba nhanh chóng vào cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Phúc Thọ, sau đó tình trạng bệnh không thuyên giảm nên bệnh viện Phúc Thọ đã chuyển cả ba đến Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai.

Nằm cạnh giường bà Là là bà Nguyễn Thị Nhàn (48 tuổi, ngụ Phúc Thọ, Hà Nội), họ hàng với bà Là chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi ăn loại cá này. Chừng sau ăn bốn tiếng, tôi có cảm giác mệt mỏi, yếu cơ chân và có tiêu chảy. Ban đầu người nhà còn cho rằng không cần đi viện, nhưng tình trạng yếu tay, yếu chân nặng hơn, người tê bì nên tôi phải nhập viện cấp cứu”.

Con cá chình bông gây ngộ độc cho ba người ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa – Ảnh: Người nhà cung cấp cho bệnh viện Khánh Hòa

Tuổi Trẻ ngày 6 Tháng Mười Mội 2020 dẫn nguồn tin từ lãnh đạo bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết có bốn người ở huyện Vạn Ninh bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn cá chình bông kho nước dừa, trong số đó ba người đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh, một người nặng nhất là Phạm Minh Đạt (26 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang) điều trị tại bệnh viện.

Đạt đã mua 4kg cá chình bông ở chợ gần nhà, chia một nửa cho người thân tại thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). Số còn lại, Đạt làm món cá chình kho nước dừa và gọi một người bạn đến thưởng thức. Cuối cùng cả Đạt lẫn ba người thân tại thị trấn Vạn Giã đều phải nhập viện khi bị ói mửa, tiêu chảy, tay chân tê cứng.

Đạt bị nặng nhất vì ăn bộ ruột cá Chình. Theo các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, trong ruột cá chình có hàm lượng kim loại nặng cao, các loại thức ăn trong ruột của cá chình chưa được làm sạch nên độc tố vẫn còn đã khiến người dùng bị ngộ độc.

Ngoài ra, cá chình biển thường ăn tảo đỏ benthic dinoflagelltes, hoặc rong biển ở tầng đáy và các rạn san hô. Giống tảo này có chứa chất cigutera rất độc, thấm vào máu và các thớ thịt cá, hoặc còn tồn đọng ở thành ruột, dễ gây ngộ độc cho người.

Nói chung, dân Việt cứ có gì ăn nấy và thường “ăn theo xu hướng” nên tình trạng ngộ độc thực phẩm sẽ còn dài dài.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: