Ba anh em ruột bị ngộ độc vì ăn chả lụa kẹp bánh mì bán dạo

Một trong ba thiếu niên bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì kẹp chả lụa bán dạo do người dì mua cho. (ảnh: Bệnh viện)

Ba anh em ruột (từ 10 – 14 tuổi) cùng bị ngộ độc botulium sau khi ăn bánh mì kẹp chả lụa bán dạo, phải dùng thuốc giải độc có giá $8,000/lọ!

Ngày 16 Tháng Năm 2023, báo Dân Trí dẫn nguồn tin từ bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa phối hợp với bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1, Sài Gòn) điều trị cho ba thiếu niên bị ngộ độc botulinum nặng.

Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 13 Tháng Năm 2023, ba anh em ruột là N.V.H (14 tuổi), N.V.Đ (13 tuổi) và N.T.X (10 tuổi, cùng ngụ TP. Thủ Đức) có ăn bánh mì kẹp chả lụa do người dì mua từ người bán dạo. Sau khi ăn khoảng 12-18 tiếng sau, cả 4 người đều bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần, sau đó xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau người. Riêng ba thiếu niên có biểu hiện bị yếu cơ dần dần.

Khi đưa ba thiếu niên vào bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 14 Tháng Năm, cả ba đều mệt lả. Cậu bé Đ. có biểu hiện sụp mi, yếu hai chân, đến ngày 15 Tháng Năm thì bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy. Hai thiếu niên còn lại cũng có biểu hiện sụp mi, yếu chân vào chiều ngày 14 Tháng Năm, đến sáng ngày 15 Tháng Năm thì sụp mi mắt, yếu dần tứ chi, sức cơ khoảng 4/5.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mời khẩn bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy sang trợ giúp, vì nghi ngờ ba thiếu niên bị ngộ độc botulinum. Khoảng 15 giờ ngày 15 Tháng Năm, kết quả hội chẩn của hai bệnh viện thống nhất nghi ngờ ba bệnh nhân nhiễm độc botulinum do ăn chả lụa và kết quả xét nghiệm đã phù hợp với chẩn đoán trên.

Qua hội chẩn và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ xác định cả ba thiếu niên đều bị ngộ độc botulinum. (ảnh: Bệnh viện)

Theo bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, ngộ độc botulinum là bệnh gây liệt cơ tuy hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, gây ra bởi một chất độc thần kinh, sản xuất chủ yếu bởi vi khuẩn Clostridium botulinum và đôi khi bởi những dòng vi khuẩn Clostridium butyricum và Clostridium baratii.

Con người có thể bị nhiễm độc botulium qua thực phẩm chứa độc tố hoặc nha bào của vi khuẩn; qua vết thương nhiễm khuẩn Clostridium botulinum; hoặc xảy ra đối với nhân viên y tế sử dụng quá liều độc tố botulinum (thường dùng trong khoa thẩm mỹ). Tất cả các dạng ngộ độc botulinum đều có thể tử vong và được xem là tình trạng cấp cứu.

Do hiểu được mối nguy của ngộ độc botulinum là nếu điều trị muộn sẽ dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp phải thở máy từ 3-6 tháng, bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ với bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam để chuyển gấp hai lọ BAT (có giá nhập cảng $8,000/lọ) về Sài Gòn.

May mắn, bệnh viện Bắc Quảng Nam còn lại hai lọ thuốc sau đợt điều trị chùm ca bệnh ngộ độc botulinum của nhiều người dân do ăn cá chép muối ủ chua hồi Tháng Ba 2023, nên đã chuyển gấp bằng đường hàng không vào Sài Gòn, đến bệnh viện Nhi Đồng 2 lúc 1 giờ sáng ngày 16 Tháng Năm.

Sau một giờ truyền thuốc giải độc, cả ba thiếu niên đều ổn định, không bị sốc thuốc.

Đánh giá sơ bộ tình trạng ba thiếu niên, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Thuận, khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp tham gia trợ giúp Nhi Đồng 2, đã chia sẻ với Dân Trí: Đến trưa ngày 16 Tháng Năm, tình trạng ba thiếu niên đều ổn. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe ba bệnh nhân sau mỗi 4 tiếng.

Không rõ tại sao các bệnh viện ở Sài Gòn đều không có loại thuốc giải độc này dự phòng trong khoa dược, phải cầu cứu bệnh viện Bắc Quảng Nam? Câu trả lời có trong bài báo của Dân Trí ngày 19 Tháng Ba 2023: hồi Tháng Ba 2023, chính các bác sĩ hồi sức, chống độc của bệnh viện Chợ Rẫy đã mang năm lọ thuốc BAT ra Quảng Nam để phối hợp với bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam chữa trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum sau khi ăn món cá chép muối ủ chua. Sau đó, ba bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất trong số 9 người bị ngộ độc đang được chữa trị, đã được truyền ba lọ thuốc này để giải độc, vì thế còn dư hai  lọ BAT.

Trong bài báo này, Dân Trí cũng cập nhật tình hình sức khỏe của ba bệnh nhân này có cải thiện rõ rệt sau khi được truyền thuốc giải BAT, tiên lượng hồi phục.

Không rõ là với giá thuốc BAT đắt như vậy thì ba người dân ở Quảng Nam và ba thiếu niên ở Sài Gòn có phải trả tiền điều trị hay không? Truyền thông trong nước không đề cập và cũng không nói đến tình trạng ngộ độc của người dì ra sao.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: