Kể từ Tháng Ba 2024, Cảnh Sát New Zealand đã chính thức có văn bản gửi tới Đại Sứ Quán và Bộ Ngoại Giao Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết, đồng thời đề nghị sự hỗ trợ trong việc xử lý hai nhân viên an ninh Việt Nam. Hai cá nhân này bị cáo buộc có hành vi tấn công tình dục đối với hai nữ công dân New Zealand trước chuyến thăm của Thủ Tướng Phạm Minh Chính.
Phần đông người dân Việt Nam, vốn bị kiểm duyệt và ngăn chặn thông tin từ chính phủ và an ninh, vẫn chưa hay biết về sự việc nghiêm trọng và đáng xấu hổ này.
Nhục quốc thể, xảy ra đến hai lần!
Việc ông Lại Đắc Tuấn, một thượng tá, sĩ quan cận vệ, bị bắt giữ và trục xuất vì hành vi tấn công tình dục phụ nữ trong chuyến công du của Chủ Tịch Nước Lương Cường tại Chile, tựa như một “quả bom thối” làm rúng động dư luận, vẫn chưa kịp lắng xuống. Ngay sau đó, “quả bom” thứ hai lại bất ngờ phát nổ.
Vụ việc “Hai quan chức an ninh Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục hai nữ phục vụ ở New Zealand trước chuyến thăm của Thủ Tướng Phạm Minh Chính” âm ỉ gây xôn xao dư luận trong nhiều tháng, nhưng chỉ đến ngày 12 Tháng Mười Một vừa qua mới được phanh phui rộng rãi trước công chúng. Mặc dù sự việc đã xảy ra từ chín tháng trước, song mức độ nghiêm trọng của vụ việc tại New Zealand lại vượt xa so với vụ việc tại Chile.
Hành vi của các quan chức an ninh Việt Nam tại New Zealand không đơn thuần chỉ là hành động bột phát của cá nhân mà dường như là một sự thông đồng và gài bẫy của quan chức và chủ nhà hàng. Mức độ phạm tội cũng nghiêm trọng hơn bội phần. Sau bữa tiệc, họ đã ngon ngọt dụ dỗ các nữ nhân viên phục vụ đi hát Karaoke, chuốc rượu mạnh, trong khi đó, chủ nhà hàng đã cố tình lừa dối các nhân viên, viện dẫn “văn hóa Việt Nam” để ép họ phải uống rượu. Khi các cô gái trẻ, men rượu đã ngấm, không còn làm chủ được hành vi, họ đã ra tay xâm phạm cơ thể, gây ra những tổn thương thể xác và tinh thần không thể nào xóa nhòa. Các nạn nhân đã phải cầu viện đến bệnh viện và dũng cảm tố cáo sự việc với cảnh sát.
Cụ thể, ông Giang Đỗ, chủ quán bar Saigon on Willis, là người đã mời hai viên chức này sử dụng phòng karaoke kín đáo, sau khi họ dùng bữa. Theo lời kể của nạn nhân Alison Cook, một sinh viên luật từ Mỹ, đến học tại Đại học Victoria và đã làm việc tại quán bar của ông Giang Đỗ ba tháng, chính ông Giang Đỗ đã gọi riêng và nhắc nhở cô Cook rằng nếu được mời đồ uống, cô sẽ “phải nhận vì theo văn hóa Việt Nam, từ chối đồ uống của người khác là bất lịch sự”. Phải chăng một trong những ly rượu đầu tiên được mời, mà cô Cook không thể từ chối vì “vấn đề văn hóa Việt Nam” như đã được căn dặn trước, đã bị bỏ thuốc mê vào đó? Có lẽ đây là một cái bẫy được giăng sẵn, “mưu hèn kế bẩn” nhằm đạt được mục đích đê hèn.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, các nghi phạm đã nhanh chân rời khỏi New Zealand. Tuy nhiên, do không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, cảnh sát New Zealand không thể tiến hành thủ tục dẫn độ.
Hai vụ quan chức Việt Nam tấn công tình dục ở ngoại quốc trở thành những “vết nhơ khó gột” trên hình ảnh của nhà nước CSVN. Đúng ra, thời điểm này, chính phủ cần phải có hành động quyết liệt, thậm chí có thể khởi tố hình sự để chứng minh rằng đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh,” và khẳng định tính liêm chính và uy tín của chế độ. Thế nhưng, mọi thứ lại bị ém nhẹm, mọi thông tin đều bị bưng bít tại Việt Nam. Nếu như các cơ quan có trách nhiệm ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc, ý thức được về nỗi nhục quốc thể mà nó gây ra, thì có thể đã ngăn chặn được sự việc ô nhục tại Chile.
Dâm ô, nếp sống bình thường của một bộ phận quan chức
Thực trạng sinh hoạt, lối sống của một bộ phận quan chức CSVN, dường như việc xâm phạm tình dục phụ nữ trở thành một điều bình thường, một trò giải trí, “thú vui tao nhã” của một số kẻ có quyền lực. Việc bao che, dung dưỡng cho các quan chức vi phạm cũng là một điều bình thường, “mắt nhắm mắt mở” cho qua.
Mặc dù Đảng CSVN luôn đề cao đạo đức cách mạng của cán bộ, hàng năm đều phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng càng học, lối sống trụy lạc, dâm ô lại càng trở nên phổ biến. Dù đã cố gắng được che đậy bởi “tiền và quyền lực,” nhưng “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra,” những vết nhơ, vết bẩn ấy vẫn bắn tung tóe, vấy bẩn lên các khẩu hiệu giáo điều.
Nghiêm trọng hơn nữa, những chuyện xấu xa này lại xảy ra ngay trong môi trường giáo dục, nơi mà truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn được đề cao. Không chỉ một lần, những bí mật về chuyện nữ giáo viên phải đi tiếp bia, mời rượu cho quan chức cấp trên bị phơi bày trước công luận, gây rúng động dư luận và tạo nên những làn sóng phẫn nộ.
Năm 2016, dư luận từng dậy sóng trước việc UBND Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ra văn bản điều động 21 nữ giáo viên trẻ làm lễ tân, buộc các cô đi tiếp khách trong các buổi tiệc tùng ở các nhà hàng, karaoke. Thậm chí, nhiều giáo viên đã bị sàm sỡ, nhiều gia đình giáo viên lục đục, nhiều giáo viên uất ức vì danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm, giá trị đạo đức nghề nghiệp bị tổn thương. Đáng phẫn nộ hơn, trưởng phòng giáo dục thị xã lại thản nhiên cho rằng: “Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống.” Lời bao biện này như “đổ thêm dầu vào lửa” của cơn phẫn nộ của dư luận xã hội.
Năm 2022, nữ hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông thường xuyên chỉ đạo một số giáo viên đi uống rượu, tiếp khách trong các buổi tiệc tại các đơn vị như: Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên; Đồn Biên Phòng 11, 12; Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ; Chi Cục Hải Quan Cửa Khẩu Bu P’Răng; Công An tỉnh trong và ngoài giờ hành chính, thậm chí cả vào những ngày nghỉ cuối tuần, thứ Bảy và Chủ Nhật. Không dừng lại ở đó, bản thân hiệu trưởng còn có mối quan hệ bất chính với một chủ tịch UBND xã.
Còn ở Hà Giang, từ Tháng Bảy 2008 đến tháng 8 năm 2009, Hiệu Trưởng Sầm Đức Xương có sáu lần mua dâm học sinh Hằng, ba lần mua dâm học sinh Thúy và sáu lần mua dâm với những học sinh khác, trong đó có ba em chưa thành niên (từ 16 đến dưới 18 tuổi), ba học sinh khác là trẻ em (từ 13 đến dưới 16 tuổi). Xương vừa dùng tiền, vừa dùng quyền lực để ép buộc các nữ sinh phải bán dâm, đổi lại các nữ sinh này sẽ được Xương nâng đỡ trong học tập.
Xương lôi kéo, tác động, biến hai em Hằng và Thúy từ nạn nhân thành tội phạm môi giới mại dâm, đẩy các em vào con đường tội lỗi. Tội ác tày trời như vậy nhưng Xương chỉ bị xử phạt chín năm tù, một mức án quá nhẹ nhàng so với những gì mà hắn đã gây ra.
Ba ngành tố tụng cùng ‘nhắm mắt làm ngơ’
Sự dung túng cho những kẻ “yêu râu xanh” không chỉ dừng lại ở vụ việc Sầm Đức Xương. Năm 2018, dư luận cả nước rúng động trước vụ án tại Thái Bình, khi một thượng tá, phó phòng Công An tỉnh, cùng ba đồng phạm thay nhau cưỡng hiếp một nữ sinh chưa đầy 16 tuổi suốt hai ngày đêm. Điều đáng phẫn nộ là Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Thành phố Thái Bình lại khởi tố vụ án với tội danh “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi,” một tội danh nhẹ hơn rất nhiều so với tội ác mà chúng đã gây ra. Làn sóng phẫn nộ dâng cao trong xã hội, nhiều người lên tiếng tố cáo đây là hành động cố tình bao che cho tội phạm.
Quyết định khởi tố này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ dư luận, bởi lẽ yếu tố then chốt để phân biệt giữa tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và tội danh mà cơ quan chức năng áp dụng, chính là sự tự nguyện của bị hại. Liệu có ai có thể tin rằng một nữ sinh 14 tuổi lại “tự nguyện” quan hệ tình dục với ba người đàn ông, và “đồng ý” để một kẻ khác sàm sỡ trong cùng một thời gian ngắn?
Rõ ràng, hành vi của bốn bị can không chỉ để lại sang chấn tâm lý nặng nề cho nữ sinh T.M và gia đình em, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội. Việc khởi tố với tội danh nhẹ nhàng là hoàn toàn không thỏa đáng, bởi nhóm tội phạm đã lên kế hoạch và hành động một cách bài bản: chúng chuốc rượu say nạn nhân, thuê khách sạn, rồi thay nhau hãm hiếp cô gái trẻ. Tất cả những điều này cho thấy sự bao che và coi thường pháp luật của những người thực thi công lý.
Bất chấp sự thật rõ ràng, phớt lờ làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận, Tòa Án Nhân Dân Thành phố Thái Bình vẫn đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án với tội danh ban đầu. Hành động “nhắm mắt làm ngơ” trước tội ác của cả ba cơ quan tố tụng – Công An, Viện Kiểm Sát và Tòa Án – khiến dư luận sục sôi. Trước tình hình đó, Quốc Hội buộc phải vào cuộc, thành lập đoàn giám sát, Phó Chủ Tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu chấp thuận đề xuất rút hồ sơ vụ án để xem xét lại.
Hội nhà văn phong chức cho kẻ bị tố hiếp dâm
Nhiều người chưa quên vụ Hội Nhà Văn Việt Nam bị cáo buộc bao che cho ông Lương Ngọc An, phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ, khi ông này bị hai phụ nữ tố cáo có hành vi hiếp dâm. Nhà thơ Dạ Thảo Phương (hiện đang sinh sống ở nước ngoài) công khai tố cáo ông An về hành vi cưỡng hiếp và vu cáo bà trong một thời gian dài. Bà còn công bố bản photocopy tường trình của ông Nguyễn Lê Tâm và nhiều nhân chứng khác trong báo Văn Nghệ, những người đã chứng kiến cảnh ông An chồm lên người bà và bóp cổ bà. Theo lời kể của bà, hậu quả của hành vi hiếp dâm đã khiến bà mang thai và sau đó bị sảy thai. Bên cạnh đó, nhà văn Bùi Mai Hạnh cũng lên tiếng trên trang Facebook cá nhân, tiết lộ việc bà đã từng bị ông An tấn công tình dục không thành.
Nếu những lời tố cáo này là sự thật, thì hành vi của ông An phải bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, ngày 8 Tháng Mười Hai vừa qua, ông Lương Ngọc An được Hội Nhà văn “bổ nhiệm” vào chức vụ Phó Tổng biên tập tạp chí Nhà Văn và Cuộc Sống, một cơ quan trực thuộc Hội này.
Quyết định này của Hội Nhà văn đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ giới trí thức và văn nghệ sĩ. Tiến Sĩ Dương Tú lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ trên bài viết “trách nhiệm giải trình của Hội Nhà Văn Việt Nam.” Ông nhấn mạnh, trước những cáo buộc của nhà thơ Dạ Thảo Phương về hành vi cưỡng hiếp của ông Lương Ngọc An, Hội Nhà Văn cần phải giải trình rõ ràng về quyết định “điều động” ông An giữ chức vụ mới. Dư luận có quyền được biết liệu quyết định này có phù hợp với tôn chỉ, mục đích xây dựng một nền văn học Việt Nam “nhân văn” hay không. Việc bổ nhiệm một người đang bị tố cáo hiếp dâm vào vị trí lãnh đạo là làm trái điều lệ Hội Nhà Văn Việt Nam.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Hoàng Tuấn Công không chỉ phản ứng bằng lời nói mà bằng cả hành động. Trước đó, ông đã nhận lời mời của nhà văn Phạm Xuân Nguyên viết bài cho mục “Vấn đề hôm nay” trên báo Văn Nghệ. Tuy nhiên, khi biết tin ông Lương Ngọc An được bổ nhiệm chức vụ mới mà không hề bị kỷ luật, ông đã cảm thấy “ghê sợ,” quyết định xin lỗi và từ chối gửi bài như đã hẹn.
Bất chấp sự phẫn nộ của dư luận, chủ tịch Hội Nhà Văn vẫn chọn cách im lặng. Tội phạm Lương Ngọc An vẫn ngang nhiên được “phục chức,” thậm chí có thể được thăng tiến lên vị trí tổng biên tập.
Bao che cho quan chức phạm tội hiếp dâm phải chăng đã trở thành “truyền thống” của CSVN!