Mấy ngày trước, mạng xã hội chia sẻ nhau đoạn clip ngắn trích từ camera an ninh của một cửa hàng ở thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Một người đàn ông hai tay cầm hai con dao lao vào chém tới tấp một công an và một dân phòng trong một trạng thái bị kích thích cực độ.
Anh ta không sợ ngay cả khi tay công an rút súng, lên đạn, nhắm thẳng người anh ta bóp cò. Súng không nổ do kẹt đạn và anh ta lăn xả vào chém tới tấp tay dân phòng ngã dưới đất và tiếp tục lao vào chém tay công an. Thậm chí, khi bị rơi dao, anh ta đi tìm vũ khí khác, quay trở lại rượt đuổi những viên chức trốn chạy trước sự hung hãn và liều lĩnh của anh ta.
Lúc đầu, ai xem qua clip cũng nghĩ rằng anh ta là một tội phạm đặc biệt nguy hiểm và chống trả lại công an khi bị đuổi bắt. Khi đọc kỹ tin tức thì biết anh ta chỉ là một người bán khóm (trái dứa) rong. Tên của anh ta là Danh Dương, 37 tuổi. Anh ta phẫn uất như thế là bởi vì bị chửi mắng và bị công an, trật tự đô thị nhiều lần thu cân và hàng hóa. Sau khi chém người xong, anh ta về nhà và tự đâm vào bụng nhưng không chết. Ngay sau đó, Danh Dương bị bắt và bị khởi tố tội giết người. Với hệ thống tư pháp Việt Nam hiện tại, việc kết tội một người dân đen như Danh Dương hẳn rất nhanh chóng với một cái án nặng để răn đe đám dân đen khỏi nổi loạn.
Tôi cứ nhìn tấm ảnh Danh Dương và nghĩ về người đàn ông này. Có thể anh ta là một người Khmer bởi cái tên rất đặc trưng. Những người Khmer nổi tiếng hiền lành nhưng cục tính, họ có thể phản ứng rất quyết liệt và liều lĩnh khi bị áp bức hay bị sỉ nhục. Anh ấy hẳn là một người lương thiện, chịu thương chịu khó với công việc buôn bán vất vả, chứ không làm việc ác như đám giang hồ, đầu trâu mặt ngựa cho vay nặng lãi, thu tiền bảo kê.
May mắn cho anh ta là hôm đó, súng của tay công an bị kẹt đạn; nếu không, ở khoảng cách đó, khẩu K59 đã có thể giết chết anh ta tức khắc. Rồi đây, anh ta chắc phải chịu đựng những trận đòn thù và có thể là cái án tù chung thân. Đằng sau chiếc xe bán khóm và người thanh niên Danh Dương đó, có thể còn cả một bầy con nhỏ. Một gia đình sẽ tan nát, bị vùi dập như cánh bèo trước dòng nước lũ.
Tôi có quen một cậu bé chạy xe ba gác bán rau củ quả rong ở gần nhà. Quê cậu ấy ở Vĩnh Long, trông sáng trai, cao ráo, có chiếc răng khểnh, gương mặt bầu bĩnh và nụ cười thường trực rất dễ thương. Cậu ấy bán hàng giá phải chăng và luôn khuyến mại nên đông khách. Khi đi bán hàng, cậu ấy mang theo một con cún nhỏ màu vàng, hiếu động. Khi nào nghỉ tay lúc vắng khách, người và chó quấn quýt nhau rất tình cảm.
Một hôm, dân phòng và công an phường đuổi, tịch thu hàng hóa của cậu (chuyện này cũng đã diễn ra nhiều lần rồi). Bỗng nhiên lần này, con chó nhỏ lao vào cắn vào chân một viên trật tự khu phố. Vết cắn chẳng là gì bởi nó chỉ là con chó giống Bắc Kinh lai, nặng chừng 5 kg. Thế nhưng, đám dân phòng tức giận lao vào, dùng dùi cui đập chết con chó. Cậu bán rau cố sức che đỡ, cầu xin tha cho con chó, cũng bị đám dân phòng lôi ra đập cho nhừ tử. Sau một hồi hỗn loạn, cái xe ba gác bị kéo về phường, cậu bé bị còng tay vứt lên xe tải như một tội phạm và bị giam tới chiều. Nhìn thấy mọi chuyện, tôi lao ra ngăn cản đám người hung ác, kêu họ dừng tay nhưng bị gạt ra và đe dọa “không phải việc của mày”.
Chiều tối, cậu bán rau mới được thả về, chiếc xe ba gác bị giữ lại cùng toàn bộ hàng hóa. Cậu ấy bị đánh tím đen hết cả hai bên đùi bởi những chiếc dùi cui cao su, không thể đi lại bình thường. Những cú đấm vào mỏ ác, vào lưng khiến sau đó, khi trở về nhà trọ, cậu ấy nằm liệt giường tới năm ngày. Anh chị em ở trọ đem cháo đổ vô miệng cũng ói hết ra. May là có sức trẻ, cậu ấy cũng dần hồi phục. Kể từ đó, cậu ấy thành một người khác, lầm lỳ, không cười nói với ai. Không còn xe rau, cậu đi phụ hồ để gửi tiền về cho mẹ ở quê phụ nuôi mấy đứa em nhỏ.
Tôi ở gần chỗ cậu ấy trọ, thường ngày mua rau của cậu. Sau bữa cậu bị đám dân phòng đánh, tôi ghé thăm, đem ít quà bánh, quần áo cũ cho cậu. Tôi không rõ tên cậu là gì, chỉ thấy mọi người gọi là Sáu. Một tối, tôi qua phòng Sáu chơi, tình cờ thấy nó đang mài một con dao quắm dài, loại dao của người dân tộc làm nương rẫy. Tôi hỏi:
-“Sáu, sao đêm hôm lại mang dao ra mài làm gì thế con?”
Nó ậm ừ, rồi dựa lưng vô tường nói, “Con hận mấy thằng dân phòng, tụi nó khiến con đến đường cùng. Vốn liếng con mua cái xe rau phải vay lãi ngày. Giờ bọn giang hồ dí con quá, con không có tiền trả. Tất cả là do bọn chó đẻ đó, tại con không chịu đóng tiền bảo kê nên chúng nó đuổi không cho con bán. Chúng nó ác quá, còn đánh chết con Mon của con, con tính chém mấy thằng đó. Rồi mấy bữa nữa, con theo tàu hút cát ở quê. Con không ở đây nữa”.
Trong cái ánh sáng lờ mờ của phòng trọ, tôi thấy mặt Sáu đanh lại, sự căm hận trong mắt nó như lửa. Tôi lặng đi một hồi rồi khuyên “Con làm vậy, rồi chúng nó sẽ theo tìm con đến cùng. Con có chuyện gì thì má con và mấy sắp nhỏ làm sao sống nổi”.
Nó lặng im, nước mắt vòng quanh. Mấy bữa sau, Sáu qua chào tôi rồi về quê. Kể từ đó, tôi mất liên lạc với nó. Bẵng đi hai năm dịch giã, bữa trước, tôi gặp được một đứa bạn nó, hỏi thăm về Sáu, thì được biết nó đi theo ghe hút cát làm ở dưới quê. Một hôm đi nhậu về bị công an giao thông dí nên té ngã chết. Tôi nghe như có một bàn tay băng giá bóp lấy tim mình, nghẹn thở.
Câu chuyện của Sáu ám ảnh tôi rất lâu. Tôi nhớ về một cậu bé dễ mến, chịu thương chịu khó, cha mất sớm phải bỏ học để bươn chải giúp má nuôi em từ sớm. Cậu bé có nụ cười thật đẹp. Nó đã khóc rất nhiều không phải bị đám dân phòng đánh đập mà bởi vì thương con chó mà nó yêu quí. Nó mới có 18 tuổi. Ở cái xã hội này, có bao nhiêu đứa trẻ như Sáu? Bao nhiêu người như Danh Dương? Ở cái xứ mà đám lãnh đạo đất nước bảo là đất nước đáng sống, là thiên đường XHCN, biết bao nhiêu người dân lương thiện, hiền lành, có số phận không thể bất hạnh hơn?
Mới đây đọc báo, nghe chuyện một thanh niên mới 26 tuổi, tên Nguyễn Tấn Dương, ở Bình Phước, vì bị đám công an xã nghi trộm dây điện, kéo về đồn công an đánh chết. Vợ cậu ấy tìm được thi thể chồng trong trạm y tế nhờ dò theo tín hiệu điện thoại. Tình trạng thi thể tím đen hai bên đùi và mạng sườn khi người nhà chụp hình Nguyễn Tấn Dương và đăng lên mạng xã hội khiến tôi nhớ đến những vết thương của Sáu bị đánh sau khi ở đồn công an phường trở về. Những vết thương do dùi cui cao su đánh ở vùng dưới thắt lưng và hai bên đùi, ống quyển để lại những dấu vết đặc trưng.
Ở đất nước “đáng sống” này, năm nào cũng nhiều người sau khi bị công an “mời làm việc” và cuối cùng chết như thế. Đứa cháu tôi từng đi lính nghĩa vụ về kể có một đứa bạn trong doanh trại bị đại đội trưởng cho đám “đại bàng” lính cũ đánh chết, gia đình bị xã hội đen tới dọa dẫm đủ thứ nếu làm to chuyện. Họ sau đó phải chấp nhận số tiền 50 triệu bồi thường để im lặng. Trong một xã hội mà mạng người dân bị coi như cỏ rác, bị chà đạp và đối xử như thú vật như thế, rồi bao giờ đến lúc bùng lên ngọn lửa hận thù?
Đã có một “mùa xuân Ảrập” giận dữ, quét qua hầu hết các quốc gia Ả Rập, thiêu cháy những chế độ độc tài vào năm 2010. Bắt đầu chỉ từ ngọn lửa Mohamed Bouazizi. Người đàn ông đó cũng là một người bán hàng rong. Do quá phẫn uất khi bị đám cảnh sát cấm buôn bán, cùng đường sinh nhai, anh đã tự thiêu trên đường phố. Hình ảnh “ngọn lửa Bouazizi” đã lan truyền nhanh như một đám cháy rừng, thổi bùng lên những cuộc biểu tình lớn nhỏ trên đất nước Tunisia, rồi đến Algerie, Jordan, Ai Cập, Yemen…
Đến cuối năm 2011, có ba chính phủ bị lật đổ. Tổng thống độc tài Hosni Mubarak, người cai trị Ai Cập trong 30 năm đã phải từ chức. Tổng thống Tunisia, Zine El Abidine Ben Ali, phải chạy trốn sang Saudi Arabia. Vua Jordan phải thay một thủ tướng và nội các mới. Còn ở Libya, Tổng thống Muammar Gaddafi đã bị lực lượng dân quân nổi dậy giết chết một cách thảm khốc.
Tất cả diễn ra như một chân lý “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Ở Việt Nam, đã có quá nhiều trường hợp dân oan tự thiêu, treo cổ, nhảy lầu bởi phẫn uất trước áp bức, bất công mà nhà cầm quyền gây ra cho họ. Biết bao nhiêu người dân bị bức tới bước đường cùng và phải lựa chọn con đường chống trả bằng bạo lực như Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến… Tuy nhiên, vẫn chưa có một “mùa xuân” hay “ngọn gió” nào xảy ra.
Trừ phản ứng của một số cá nhân bị dồn vào đường cùng, chưa có phản kháng tập thể nào đáng kể từ người dân để nhà cầm quyền phải nhìn nhận những tội ác và sự tàn bạo mà họ gây ra và thay đổi cách hành xử tử tế và có lương tâm hơn với người dân. Nhưng không ai có thể biết được, có thể một lúc nào đó thì “giọt nước tràn ly” và sự căm giận của người dân bùng nổ. Lúc đó sẽ là một cuộc tắm máu. Hỡi đám lãnh đạo cộng sản vô lương, hãy dừng bàn tay tàn độc, hãy chấm dứt những chính sách vô nhân tính trước khi quá muộn.
Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đó. Kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm. “Chính quyền được sinh ra từ họng súng” nhưng không thể chế nào có thể tồn tại muôn năm khi giẫm trên thân xác người dân và nhởn nhơ trên sự lầm than của dân chúng.