Khoảng 11h30, ngày 31 Tháng Mười Hai năm 2022, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m).
Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành. Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ.
Tính cho đến khuya ngày 2 Tháng Giêng năm 2023, bé Nam đã phải ở dưới hố sâu 35 mét 60 tiếng đồng hồ.
Hiện chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã phải nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng Công binh Quân khu 9.
Tiến trình cứu nạn bé Hạo Nam
Sau khi nhận được tin báo từ ba em đi cùng bé Hạo Nam, lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp có mặt tại hiện trường.
Việc làm đầu tiên của họ là bơm oxy thường xuyên xuống hố và truyền nước uống để bé Nam cầm cự.
Phương án cứu nạn chính là khoan cọc nhồi, rồi đưa cọc bê tông và bé Nam lên. Đến hơn 0 giờ ngày 2 Tháng Giêng, công tác khoan cọc nhồi sắp hoàn tất. Lực lượng cứu hộ đang tiến hành ghép các lá sắt để cố định và giữ vững phần đất xung quanh để chuẩn bị có thể nhổ cọc bê tông mà cháu bé rơi vào.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, người ta thấy rằng việc khoan cọc nhồi cứu hộ có thể làm lệch mố cọc bê tông mà bé bị mắc kẹt. Việc áp dụng khoan xoắn ốc để cố định đất tốt hơn tránh cọc bê tông bị xô lệch, dẫn đến trường hợp bị gãy mối nối cọc bê tông, nguy hiểm cho bé Hạo Nam.
Do đó, việc cứu hộ chuyển sang phương án thận trọng, chắc chắn vì sợ nguy cơ gãy mối nối cọc, gây nguy hiểm cho bé.
Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, phương án hiện tại là dùng ống thép cỡ lớn khoảng 1.5m để bọc xung quanh cọc bê tông nơi cháu bé mắc kẹt. Sau đó dùng phương tiện kỹ thuật để hút lớp bùn đất ở giữa ống thép và cọc bê tông, sau đó sẽ kéo cọc lên.
Chiều ngày 2 Tháng Giêng, ông Lê Hoàng Bảo – Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay đã xói cột được 31/36m. Theo kế hoạch đêm nay quyết tâm làm để hạ được 5 m đất cứng còn lại, đồng thời đưa cột bê tông bé trai bị rơi lên bờ.
Ông Bảo hy vọng sẽ hoàn thành giải cứu bé Nam trước sáng ngày 3 Tháng Giêng.
Ngoài lực lượng Công binh Quân khu 9, nhóm tình nguyện của anh Trần Hoàng Hải (từ Sài Gòn xuống hiện trường) mang theo thiết bị công nghệ cao dùng để quét thân nhiệt, hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân.
Theo anh Hải đây là loại camera nhiệt hồng ngoại, dùng để quét thân nhiệt, chuyên dùng để dò tìm các vật thể, đồ vật hoặc con người bằng nhiệt. Sau khi dùng máy quét, nếu phát hiện ra được vị trí của nạn nhân, sẽ hỗ trợ cho lực lượng tìm kiếm xác định được các phương án phù hợp để tiến hành cứu hộ.
Lúc này, các bình oxy được đưa đến hiện trường để nạp liên tục vào miệng hố bằng máy bơm cùng dây truyền khí dài khoảng 40 m. Mỗi bình khí dùng trong khoảng một tiếng, sau 18 giờ cứu hộ đã thay gần 20 bình loại 10 kg. Bình oxy được vận chuyển liên tục vào hiện trường.
Sinh mạng bé Hạo Nam giờ như một sợ chỉ mong manh. Ngoài phải chạy đua với thời gian, lực lượng cứu nạn còn phải rất thận trong, vì chỉ cần sơ sẩy một chút sẽ nhận một hậu quả rất xấu.
Ai là người phải chịu trách nhiệm?
Dự án cầu Rọc Sen do Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Liên danh công ty Công trình cầu phà TP HCM và công ty Thương mại Dịch vụ Vận tải xây dựng giao thông T&T. Công trình đã được thi công khoảng sáu tháng.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC Tiếng Việt:
“Theo nguyên tắc thì phân chia trách nhiệm như sau. Chủ đầu tư công trình phải chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề xảy ra tại công trình của mình.
“Công ty xây dựng, thi công cũng có phần trách nhiệm về giữ an toàn, nếu họ không đảm bảo mà để xảy ra sự việc thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đến mức độ hình sự.
“Còn về mức độ dân sự thì chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm chính để bồi thường, nếu xảy ra sự cố làm tổn hại đến sức khỏe, sinh mạng đến tài sản của người khác. Và sau đó thì hai bên, chủ đầu tư và công ty xây dựng sẽ giải quyết với nhau, bồi hoàn cho nhau.”
Trả lời báo Thanh Niên, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp tránh đề cập đến trách nhiệm trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này. Ông nói:
“Công trình có biển báo cảnh báo nguy hiểm, vòng bằng dây. Đơn vị thi công có đuổi các cháu ra, tuy nhiên khi anh em nghỉ trưa thì mấy cháu quay lại là ngoài mong muốn của tất cả. Qua đây, chúng tôi phải chấn chỉnh việc đảm bảo an toàn thi công công trình.
“Bên cạnh đó là trách nhiệm người dân quản lý con em của mình. Tôi khẳng định việc xảy ra tai nạn là không ngờ, đau lòng. Chúng tôi phải tập trung phương tiện, thiết bị và nhân lực để cứu hộ đây là việc đầu tiên. Còn trách nhiệm sai phạm các bên liên quan ra sao sẽ xử lý tiếp.”
Có thể, ông Bảo muốn giảm nhẹ “tội” cho Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, và cho… chính ông, khi muốn kéo gia đình bé Hạo Nam vào “tròng trách nhiệm” qua lời phát biểu “nước đôi” này.
Dư luận đồng ý với ông “tai nạn là không ngờ, và đau lòng”, là “không ai muốn”, nhưng không vì thế mà bỏ qua trách nhiệm của chủ đầu tư trong vụ tai nạn này.