Bệnh nhân khốn khổ vì bệnh viện thiếu vật tư y tế và hư máy chụp chiếu

Từ ngày 1 Tháng Ba 2023, bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, hạn chế các ca mổ theo lịch khiến nhiều người bệnh ở tỉnh phải ngậm ngùi quay về – Ảnh: VietnamNet

Từ Hà Nội đến Sài Gòn, bệnh nhân đến chữa trị tại các bệnh viện công đang khốn khổ vì lịch mổ bị dời, máy chụp chiếu bị hư.

Ngày 3 Tháng Ba 2023, trong phiên họp thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. 

Trong khi chờ đợi có sự thay đổi, loạt bài về sự khốn khổ của bệnh nhân đang chữa trị tại các bệnh viện công ngày 4 Tháng Ba 2023 của Tuổi Trẻ khắc họa rõ nét tình trạng tồi tệ của ngành y tế Việt Nam. 

Tại bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), tình trạng người nhà bệnh nhân phải ra ngoài tìm mua từng cái kim luồn đưa vào cho bác sĩ chuẩn bị ca phẫu thuật đã kéo dài vài tháng nay. Bà H. đang nuôi chồng bị ung thư dạ dày tại đây nói với phóng viên phải xuống cổng bệnh viện nhận phần cơm từ thiện để bớt được đồng nào hay đồng đó, dành tiền đi mua kim luồn đưa cho bác sĩ sắp phẫu thuật cho chồng. 

Hai mẹ con bà L. từ Lào Cai xuống Hà Nội để làm các xét nghiệm sau khi bệnh viện tỉnh nghi bà mẹ bị ung thư phổi, than thở: Tôi mất 4 ngày để chờ chụp chiếu, lấy mẫu xét nghiệm, phải trả tiền trọ 150,000đồng/đêm, tưởng chỉ một ngày là xong mà lâu tốn kém quá. 

Tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hàng ngàn bệnh nhân đến khám mỗi ngày nhưng chỉ còn một máy chụp cộng hưởng từ còn hoạt động, hoạt động đến 20-21 giờ đêm cũng chỉ chụp được tối đa 180 bệnh nhân/ngày. Ông K. (56 tuổi) ngán ngẩm cho hay ông đang điều trị tắc nghẽn phổi, bác sĩ thông báo 13h30 xuống chụp mà ngồi chờ đến 16 giờ vẫn chưa được gọi tên. 

Bệnh nhân và người nhà đứng xếp hàng chật kín trước khu D bệnh viện Chợ Rẫy để chờ lên xe đến bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế (quận Tân Phú) chụp MRI, CT-Scan… vào sáng 3 Tháng Ba – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), những bệnh nhân đã được lên lịch mổ giờ tiếp tục phải chờ, vì ngày 1 Tháng Ba bệnh viện thông báo ngưng mổ theo lịch mà chỉ mổ cấp cứu. Khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình của bệnh viện này trước đó mỗi ngày mổ 40-45 bệnh nhân, nay chỉ mổ được 20 ca. Ông Hòa đưa mẹ từ Hải Phòng đến bệnh viện than bác sĩ hẹn mổ cho mẹ ông ngày 27 Tháng Hai, sau đó dời lại 3 Tháng Ba mà quá trưa ngày 3 Tháng Ba vẫn chưa được gọi tên. 

Bệnh viện công ở Sài Gòn cũng rơi vào thảm cảnh tương tự, khiến các bệnh nhân phải chạy từ nơi này sang nơi kia chụp chiếu, mất thời gian, tốn tiền thuê nhà trọ, ăn uống, đã bệnh càng bệnh thêm. Đêm 2 Tháng Ba và ngày 3 Tháng Ba, bệnh nhân có chỉ định CT Scan, MRI ở bệnh viện Chợ Rẫy phải chen chúc chờ đợi xe của công ty bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế (quận Tân Phú) đến đón đến bệnh viện này chụp chiếu, khi có phim lại quay trở về Chợ Rẫy xếp hàng chờ bác sĩ đọc kết quả và chỉ định chữa tiếp. 

Đêm ngày 2 Tháng Ba, vợ chồng ông L.V.Q. (53 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) kể với phóng viên sẽ phải tìm nhà trọ ngủ tạm để sáng sớm qua bệnh viện để bác sĩ đọc kết quả. Hơn hai tuần nay, cẳng chân của ông Q. bị teo tóp, từ 5:30 sáng 2 Tháng Ba, hai vợ chồng ông có mặt tại bệnh viện Chợ Rẫy thì số thứ tự ông bốc được đã trên 800. Chờ mãi mới được khám, rồi sau đó phải chờ lên xe đến bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế chụp chiếu. Có bảo hiểm y tế thì bệnh nhân chụp chiếu tại bệnh viện này vẫn được chi trả như tại bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng nếu không có phải trả giá dịch vụ cao hơn. Thật là khổ.  

VietnamNet ngày 4 Tháng Ba 2023 cũng tường thuật tình cảnh khốn khổ của bệnh nhân tại Hà Nội. Hai tuần trước, con trai ông Phương (quận Hà Đông, Hà Nội) bị gãy tay, khi vào bệnh viện đa khoa Hà Đông cấp cứu, bệnh viện không có bột để bó tay cho bé, gia đình phải chạy đi mua bột ở chính quầy thuốc của bệnh viện để bác sĩ thực hiện! 

Trước tết, một thanh niên tên N.M.T, 18 tuổi, quê Cẩm Thủy, Thanh Hóa, bị tai nạn giao thông, đã mổ lần 1 ở bệnh viện Việt Đức. Chiều 3 Tháng Ba, đến tái khám ở khoa Phẫu thuật thần kinh 1 của bệnh viện Việt Đức, anh N.M.T. hy vọng được mổ luôn lần 2, tuy nhiên bác sĩ khuyên anh nên về nhà chờ điện thoại vì “không biết đến khi nào mới mổ được”. Rất nhiều bệnh nhân chờ mổ phải quay về nhà như anh T. vì bệnh viện Việt Đức đang phải chia bệnh nhân làm ba nhóm: Nhóm một là bệnh nhân cấp cứu không thể trì hoãn phẫu thuật; nhóm hai là bệnh nhân nặng cần mổ càng sớm càng tốt; nhóm ba là bệnh nhân có thể trì hoãn được, bác sĩ kê đơn thuốc uống, chờ ngày được mổ.

Vợ chồng ông L.V.Q. (53 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) rời khỏi nhà lúc 2:30 ngày 2 Tháng Ba, đến bệnh viện Chợ Rẫy lúc 5:30 nhưng đến nửa đêm vẫn chưa xong vì bác sĩ hẹn ông Q. có mặt tại bệnh viện Chợ Rẫy lúc 8 giờ ngày 3 Tháng Ba để đọc kết quả – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tại bệnh viện Bạch Mai, việc thiếu máy CT Scan, MRI khiến nhiều bệnh nhân phải hẹn 4-5 ngày mới được chụp, hoặc được chuyển đến nơi khác, khiến một bác sĩ không muốn nêu tên chua xót cho rằng họ đang “tay không bắt giặc”. Vị bác sĩ này than: “Một chẩn đoán không có xét nghiệm thì độ chính xác sẽ thấp đi. Bác sĩ phải tự bơi, thay vì có xét nghiệm hay các biện pháp cận lâm sàng khác hỗ trợ thì nay phải “tay không bắt giặc”. Thuốc cũng vậy, không có thuốc tốt thì thay bằng thuốc khác, hiệu quả thấp đi. Hiểu nôm na là “không có gạo thì đành đào củ chuối ăn”.

Một cơ chế quái quỷ, khiến cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều khổ. 

Bàn về vấn đề này hôm 3 Tháng Ba, bạn đọc Chóe ta thán: “Hết vật tư thuốc men chữa bệnh mà chờ ba bộ nghiên cứu thống nhất bệnh viện mới có vật tư thì xong phim rồi!”. Bạn đọc Tuấn Trần kể câu chuyện của gia đình với sự bức bối: “Bệnh nhân nhồi máu cơ tim vào khoa can thiệp tim mạch bệnh viện Nhân dân 115 (Sài Gòn) cấp cứu, thân nhân bệnh nhân phải ký cam kết tự chịu chi phí xét nghiệm mẫu máu. Hoặc tự đem mẫu máu, đóng phí gửi bệnh viện tư nhân định lượng men tim để bác sĩ có căn cứ kết luận, chỉ định can thiệp mạch vành hay không. Lý do được giải thích: Bệnh viện hết hóa chất xét nghiệm”.

Bạn đọc Vinh đặt ra nhiều câu hỏi: “Tại sao các bệnh viện tư nhân vẫn hoạt động bình thường mà bệnh viện công hàng đầu lại bế tắc như vậy? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho người dân khi vì chờ đợi mà lỡ mất cơ hội chữa bệnh? Ai thấu cho sự đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bệnh khi bệnh viện phải dùng loại dao mổ “rạch 3 lần mới đứt”? Người bình thường xoay vòng vòng như vậy đã mệt nói gì người bệnh, lắm điều trần ai, lắm nỗi đoạn trường ai thấu đây?”.

Cuối cùng, bạn đọc Thiên đặt vấn đề: “Nếu thông tư đưa ra không phù hợp với thực tế, gây khó khăn thì tổ chức phê duyệt thông tư phải nhanh chóng tìm hiểu có nên tiếp tục hay bỏ. Không nên lấy sinh mạng của người bệnh đi chờ đợi thông tư!”.

Sự phẫn nộ của bạn đọc là đúng, nhưng “sinh mạng của người bệnh” dường như chỉ là cái bóng vô hình trong sự vô cảm của quan chức Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: