Trong khi các tân cử nhân, kỹ sư ra trường bị thất nghiệp thì nhu cầu thị trường lao động những nghề đơn giản lại ngày càng tăng, cho thấy bức tranh tương phản đầy nghịch lý của Việt Nam…
Dân Trí ngày 6 Tháng Sáu đăng câu chuyện của hai bác sĩ và một nha sĩ mới ra trường, đang làm việc tại một bệnh viện công. Câu chuyện đầu tiên của Ngân, một nữ bác sĩ 27 tuổi, làm việc ở một bệnh viện công tại tỉnh với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng.
Khi lập gia đình và có con nhỏ, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng bác sĩ tròm trèm trên 10 triệu đồng không đủ sống, nên Ngân phải làm thêm bằng cách bán hàng online và buổi chiều sau giờ làm ở bệnh viện, cô phải tất tả đi giao hàng cho khách.
Để có thể vào làm tại khoa Tai-Mũi-Họng tại bệnh viện tỉnh, Ngân học sáu năm ở trường y, sau đó có 12 tháng thực tập, sáu tháng “học định hướng” và ba tháng học nội soi Tai – Mũi – Họng. Công việc hằng ngày của Ngân là luân phiên làm tại phòng khám Tai – Mũi – Họng và khu điều trị nội trú.
Ngân kể với Dân Trí: “Theo quy định, ca sáng của chúng tôi bắt đầu từ 7h – 11h; ca chiều từ 13h30 – 16h30. Tuy nhiên, trong thực tế gần như ngày nào tôi và đồng nghiệp cũng kết thúc ca sáng lúc đồng hồ điểm 12h và ca chiều lúc 18 – 19h. Những hôm có ca mổ cấp cứu, chuyện về nhà khi trời đã tối là điều bình thường”.
Sau một tuần, nữ bác sĩ trẻ này phải trực xuyên đêm 24/24 giờ một lần. Thế mà tổng thu nhập chỉ được 5.7 triệu đồng/tháng ($242).
Nếu tháng nào có làm thêm một số việc chuyên môn thì nhiều nhất cũng chỉ thêm được 500,000 đồng ($21). Ngân liệt kê: Vì chưa có điều kiện để học chuyên khoa I lấy chứng chỉ hành nghề chuyên khoa, nên trong các ca phẫu thuật, tôi chỉ có thể đảm nhận vị trí phụ mổ. Khâu một cái tai đã bị rách nát của bệnh nhân mất ba tiếng, Ngân chỉ nhận 30,000 đồng ($1.28); còn các ca đại phẫu ba tiếng cũng chỉ được cao nhất 90,000 đồng ($3.8), nếu ở vị trí phụ 1, còn người ở vị trí phụ 2 không có tiền.
Nếu học lên bác sĩ chuyên khoa I được đứng mổ chính, thù lao chỉ tăng thêm 30 – 40%, từ 130,000 – 140,000 đồng ($5.5-$5.9).
Để chồng có điều kiện tiếp tục học lên chuyên khoa I trong hai năm, Ngân phải gồng thêm việc. Cô bác sĩ phải thức dậy từ sáng sớm để đăng bài bán hàng, đến trưa lại xem tin nhắn của khách để lên đơn, đến chiều ở bệnh viện về là vội đi ship hàng, còn khuya thì lọ mọ đóng hàng, trả lời tin nhắn của khách.
Hoàng, một nha sĩ làm việc tại khoa Răng – Hàm – Mặt của một bệnh viện tuyến tỉnh, cũng khó khăn tương tự Ngân, vì mức lương cũng chỉ 6 triệu đồng/tháng ($255), mà riêng tiền tã của con mỗi tháng đã hết 2 triệu đồng ($85).
Ngoài giờ làm ở bệnh viện, Hoàng làm thêm đủ nghề, từ khám ngoài giờ theo “đặt hàng” của các phòng khám tư trên địa bàn cho đến bán hàng online. Trung bình mỗi ngày, nha sĩ Hoàng làm việc không dưới 15 tiếng, chưa kể thời gian học tập, nghiên cứu.
Mới đây, Hoàng nhận được đề nghị vào làm việc tại một bệnh viện tư nhân trong tỉnh với mức lương cao hơn cả tổng thu nhập “chân trong, chân ngoài” hiện tại, thế nhưng vị bác sĩ này lại lưỡng lự, vì cho rằng bệnh viện công vẫn là môi trường tốt nhất để nâng cao chuyên môn, khi được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân và nhiều ca bệnh khó, bệnh nặng.
Tháng Bảy 2022, Công đoàn Y tế Việt Nam có báo cáo gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc và tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Trong tám nguyên nhân dẫn đến hơn 9,000 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021 đến sáu tháng đầu năm 2022 thì thu nhập thấp là nguyên nhân chính.
Dân Trí ngày 6 Tháng Sáu đưa ra so sánh: Người giúp việc nhà và giữ em bé (bảo mẫu) có thể nhận được mức lương đến 60 triệu đồng ($2,554), bèo nhất cũng 8-10 triệu đồng/tháng ($340-$425); còn cử nhân, kỹ sư, kể cả người tốt nghiệp bằng giỏi không tìm được việc làm, nếu có thì chỉ nhận được mức lương “bèo” 3-4 triệu đồng/tháng ($127 – $170) tưởng như không liên quan đến nhau, nhưng lại phản ảnh bức tranh thị trường lao động “thừa thầy, thiếu thợ” của Việt Nam!
Năm 2022, tại Sài Gòn có gần 150,000 người mất việc nhận trợ cấp thất nghiệp thì đông nhất là lao động phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ, với gần 83,000 người, kế đó là người có trình độ đại học và sau đại học, với 45,000 người (chiếm hơn 31%).
Trong khi đó, số mất việc có bằng chứng chỉ nghề sơ cấp chỉ có 2,869 người (chiếm tỷ lệ 1.96%); chứng chỉ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 6,816 người (chiếm tỷ lệ 4.66%); trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8,218 người (chiếm tỷ lệ 5.62%).
Khảo sát nhu cầu lao động năm 2022 tại Sài Gòn cho thấy công ty chỉ cần 20.19% nhân lực có trình độ đại học trở lên, trong khi cần 65.5% nhân lực trình độ nghề! Thế nhưng, điều trái ngoe là thị trường lao động lại có đến 78.86% người tìm việc làm có trình độ đại học trở lên, còn số người trình độ nghề đi tìm việc chỉ có 18.68%!
Năm 2023, cử nhân đại học tiếp tục… xuống giá! Theo dự báo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi), nhu cầu nhân lực quý II/2023 tại thành phố là 67,000 – 73,000. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm gần 87% nhưng việc làm dành cho trình độ đại học chỉ chiếm hơn 20%, còn lại hơn 67% là cần người có tay nghề!
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố, cho hay một trong những khó khăn mà nhiều công ty đang gặp phải là thiếu lao động có trình độ đáp ứng được các yêu cầu, không phải là bằng cấp đại học, mà là kỹ năng làm việc phù hợp. Trong khi nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên ở các đô thị lớn như thành phố chỉ cần 15 – 20%, tỷ lệ ở các tỉnh còn thấp hơn… thì nguồn cung lao động trình độ đại học lại quá cao, hậu quả là nhiều sinh viên ra trường không có việc làm.
Nói về giá thuê người giúp việc chỉ có ngày càng tăng chứ không giảm (trước 50,000 – 60,000 đồng/giờ, nay thấp nhất cũng 80,000 – trên 100,000 đồng/giờ, trong khi sinh viên làm thêm bằng phụ giúp quán chỉ nhận 20,000 đồng/giờ), còn cử nhân lại thất nghiệp, một chuyên viên nhân sự tại Sài Gòn nhận định: Tính chất, giá trị và cả tầm nhìn trong tương lai của hai công việc là khác nhau, so sánh là khập khiễng, tuy nhiên, điều này phản ảnh thị trường lao động vận hành theo quy luật cung – cầu chứ không dựa vào bằng cấp.
Một thực tế cần nhìn nhận, bằng đại học không phù hợp với năng lực có khi… trở thành cái khổ, khi đa số cô cậu cử nhân không chịu “hạ mình” để làm những việc mà họ cho là không xứng đáng!
Có một thực tế là ngày càng có nhiều công ty môi giới người giúp việc nhà, bằng cách tuyển dụng lao động và đào tạo họ các kỹ năng dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc trẻ em và người già… sau đó môi giới họ đến những gia đình có nhu cầu. Theo một đơn vị tuyển dụng, mỗi năm dân Sài Gòn cần thêm khoảng 10,000 giúp việc nhà toàn thời gian. Những người biết tiếng Anh, tiếng Pháp… giúp việc cho người ngoại quốc có thể nhận được 30 triệu đồng/tháng ($1,277), chưa kể được gia chủ xem như người nhà và đưa đi nghỉ mát hằng năm ở trong và ngoài nước.
Nhìn xung quanh khu phố tôi ở, có những phụ nữ nhận giúp việc nhà theo giờ, nếu siêng năng thì hằng tháng họ nhận được 15 triệu – 20 triệu đồng/tháng ($638 – $851) là bình thường, chưa kể những “phúc lợi” khác từ gia chủ khi họ làm tốt. Vì thế, không có gì lạ khi nữ sinh viên hay nhân viên văn phòng hiện nay cũng chọn việc làm thêm là giúp việc nhà theo giờ.