Xem bản tin thời sự video của Vnexpress trưa 9 Tháng Hai 2023 ghi cảnh bảy chàng trai Sài Gòn tình nguyện vớt rác trên các dòng kênh hôi thối ngập ngụa rác, vừa thán phục tinh thần yêu môi trường của các chàng trai, vừa đau lòng.
Nhóm của họ mang tên Sài Gòn Xanh, tập hợp những thanh niên thanh nữ trên dưới 30 tuổi, với nghề nghiệp khác nhau: Chạy xe ôm, nhân viên phục vụ, sinh viên…. dưới sự chỉ huy của Nguyễn Lương Ngọc, 27 tuổi, trưởng nhóm, biệt danh là Shin. Trong ba tháng nay, mỗi tuần ba lần, cả nhóm lại chia nhau dọn dẹp ở những địa điểm khác nhau, mỗi lần từ 6:30 – 10 giờ. Có buổi ít thì vớt được 10 bao rác, buổi nhiều thì vài chục bao, bao nào cũng to vật vã. Nhìn hình ảnh trong video thấy các chàng trai trầm mình trong dòng nước đen, dùng thau nhựa vớt rác, có khi phải dùng cây dài khều rác lềnh bềnh, quện vào nhau cả nùi vừa hãi, lại vừa thương.
Shin bộc lộ với báo Tuổi Trẻ: Nhóm Sài Gòn Xanh được truyền cảm hứng từ nhóm Padawara ở bên Indonesia, cũng chuyên đi vớt rác ở các đô thị. Tiêu chí của nhóm là “Không ngại bẩn, không ngại khó”, và có trang bị đầy đủ đồ bảo hộ mỗi lần đi dọn rác, tuy nhiên điều các bạn nản nhất là vừa làm sạch rác xong thì không bao lâu sau chỗ đó lại… đầy rác, dù có bảng cấm đổ rác!
Trước khi dọn rác ở đâu, các bạn cũng chia nhau ra đi khảo sát, sau đó mới liên lạc với nhà cầm quyền địa phương trợ giúp thêm người, thêm công cụ, trong đó phải có xe lấy rác. Cứ làm sạch xong dòng kênh ở quận này thì các bạn lại đi tiếp quận khác để khảo sát.
Các bạn trong nhóm bộc bạch: Ngán nhất là mực nước dưới kênh quá sâu, nước tràn qua đồ bảo hộ thì chẳng ai dám xuống; làm xong thấy dòng kênh sạch thì thấy vui; chỉ sợ nhất dòng kênh sạch rồi, người ta lại tiếp tục vứt rác xuống.
Sau ba tháng, nhóm đã làm thay đổi diện mạo phần nào của kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), rạch Nhiêu Tâm (Bình Thạnh), kênh Gia Định (hay còn gọi kênh Nước Đen, quận 12), rạch dưới chân cầu sắt An Phú Đông (quận Gò Vấp), kênh Ba Bò (TP.Thủ Đức)….
Thông điệp của nhóm Sài Gòn Xanh là chỉ cần mọi người có ý thức không vứt rác bừa bãi, cùng chung tay dọn dẹp nơi mình sống là đã trở thành thành viên của nhóm rồi.
Rác trên các dòng kênh hôi thối ở Sài Gòn có từ các lọ/chai nhựa, bọc xốp, hộp xốp… đến những thứ cồng kềnh như bàn ghế, nệm, trong đó nguy hiểm nhất là xác động vật chết, kim tiêm, mảnh sành lẫn vào. Thương nhất là tâm sự của Shin: Tụi em biết chắc là có rủi ro, thứ nhất là kim tiêm, thứ hai nước thối gồm xác thú chết, hóa chất, chứa nhiều vi khuẩn, dính vào da gây viêm da, ngứa da và nổi mẩn…
Hôm 8 Tháng Hai 2023, Thành Đoàn thành phố (cánh tay nối dài của đảng cộng sản để kiểm soát thanh thiếu niên, ngồi không hô hào miệng và sống bằng tiền ngân sách) đã tặng bằng khen cho nhóm Sài Gòn Xanh vì đã nỗ lực thay áo mới cho những dòng kênh bị ô nhiễm tại Sài Gòn. Một “quan” Thành Đoàn đã nói những lời “có cánh” sau: “Chúng tôi thật sự cảm kích hành động đẹp của các bạn, có thể mọi người đều thấy đấy nhưng không phải ai cũng có thể xắn tay áo lên để làm. Việc làm của các bạn giúp lan tỏa những điều tốt đẹp và nâng cao ý thức của mọi người hơn” và sau đó nhắn nhủ (hay chỉ thị?): “Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ nghiêm túc duy trì hoạt động này, trong thời gian tới nếu cần hỗ trợ việc móc nối với địa phương, chúng tôi sẵn sàng. Mong các bạn sẽ giữ an toàn cho bản thân”.
Ngoài bằng khen ra, chẳng thấy báo Tuổi Trẻ đề cập đến việc Thành Đoàn có tài trợ hiện vật hay hiện kim để giúp nhóm Sài Gòn Xanh duy trì hoạt động này trong tương lai hay không?!
Trong bài “TP.HCM bị bủa vây bởi những dòng kênh rác”, Thanh Niên ngày 21 Tháng Năm 2020 đã viết: “Khoảng 2,000 km đường sông, kênh, rạch phủ kín toàn địa bàn được xem là tài nguyên quý giá của TP.HCM nhưng lại đang trở thành nguồn ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới đời sống người dân thành phố”.
Trong số đó, con rạch ô nhiễm nhất thành phố là rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) có dự án làm sạch được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đã 20 năm trôi qua vẫn nằm trên giấy do mức đầu tư quá lớn, khó kêu gọi các nhà đầu tư.
Thanh Niên dẫn lời bà H.T.K.Thu (70 tuổi) sống ở rạch Xuyên Tâm đã gần 50 năm cho biết trước đây dòng kênh rất sạch, xanh trong, người dân còn dùng nước sông để sinh hoạt, trồng rau. Tuy nhiên, từ khi dân cư đến ở đông, cứ tiện tay đổ cơm thừa canh cặn, hộp xốp, túi nylon xuống ngay phía dưới, nên rạch Xuyên Tâm ngày càng ô nhiễm.
Bài viết mới nhất của Tuổi Trẻ ngày 17 Tháng Mười Hai 2022 đã đặt vấn đề “Để kênh nước đen không còn đen: Cần chế tài hành vi xả rác”, trong đó đề nghị “Cần phạt thật nặng hành vi xả rác xuống kênh”… thế nhưng ai đi phạt, phạt bao nhiêu…. thì không thấy nói!?
Than ôi, toàn đánh trống bỏ dùi, còn gánh nặng của xã hội chia cho người tình nguyện!