Trung tâm thương mại Parkson một thời đình đám ở Sài Gòn mới nộp đơn phá sản, rút khỏi Việt Nam cuối Tháng Tư 2023, cho thấy ngành bán lẻ bắt đầu khó khăn khi phải gồng tiền thuê mặt bằng quá cao mà doanh thu thì thấp vì vắng khách.
Chuỗi bán lẻ Parkson thời hoàng kim có tổng cộng 10 trung tâm, khi nộp đơn phá sản chỉ còn duy nhất Parkson Saigon Tourist Plaza (Lê Thánh Tôn, góc Đồng Khởi, quận 1). Phá sản, chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam, chuỗi bán lẻ của công ty Parkson Retail Asia (PRA) – được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore với hơn 67% thuộc sở hữu của Tập đoàn Parkson Holdings Bhd (Malaysia), vẫn còn vướng hợp đồng thuê mặt bằng với Saigon Tourist (tổng công ty du lịch Sài Gòn) thời hạn đến năm 2030, chưa rõ sẽ giải quyết ra sao.
Hiện nay, tại mặt bằng Parkson Saigon Tourist Plaza, chỉ còn hai cửa hàng lớn của các công ty Nhật Bản là Uniqlo, Muji có đông khách ghé thăm, các cửa hàng còn lại, khách đi qua thậm chí không dừng chân.
Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ PRA cho biết chi nhánh Parkson Vietnam Co Ltd đã nộp đơn lên tòa án thành phố (Sài Gòn), bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện từ ngày 28 Tháng Tư 2023.
Trong thông báo mới đây, Parkson Holdings cho biết Parkson Vietnam đang trải qua giai đoạn thua lỗ, vì không được hỗ trợ về mặt bằng, khó khăn về thuế đất, môi trường kinh doanh không thuận lợi.
Năm tài chính 2022, Parkson ghi nhận mức lỗ trước thuế là 2 triệu 300 ngàn đôla Singapore.
Sau khi đánh giá tình hình, Parkson quyết định việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam là không khả thi về mặt thương mại. Do đó, Parkson xác định việc nộp đơn phá sản là giải pháp tốt nhất để bảo vệ lợi ích. Rời Việt Nam, PRA chỉ còn các trung tâm thương mại ở Malaysia và Trung Quốc.
Bên cạnh Parkson thúc thủ rút lui, Bitexco (Hải Triều, quận 1) sau hơn 10 năm mở cửa cũng đang đóng cửa làm mới, hy vọng có khách thuê mặt bằng và kéo được khách đến mua sắm; Diamond Plaza (Lê Duẩn-Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Văn Chiêm, quận 1) mới đại trùng tu hồi năm 2022 để tiếp tục tồn tại.
Diamond Plaza có 5 tầng làm shopping mall, vị trí đẹp, thời hoàng kim từ năm 2000 – 2010 là nơi khách sang và giới trẻ nhà giàu lui tới thường xuyên để mua sắm, ăn uống và giải trí. Từ khi có sự xuất hiện của Vincom Center Đồng Khởi (2010) và Takashimaya Saigon Centre (2016) đến nay thì mỗi năm khách mỗi vắng, chỉ còn quán cà phê Highland mở cửa đàng trước tòa nhà là đông khách.
Tuổi Trẻ ngày 13 Tháng Năm 2023 cho biết, báo cáo thị trường quý I/2023 của Savills Việt Nam cho thấy công suất thuê mặt bằng bán lẻ toàn thị trường đạt 92% (?), ổn định theo quý và giảm nhẹ -0,4 điểm phần trăm theo năm.
Một trong những xu hướng đáng chú ý là khách thuê tiếp tục bỏ trống và không gia hạn thêm hợp đồng tại các trung tâm thương mại ở các quận xa (ngoài quận 1), do vị trí thuê không tốt, khách vắng, chính sách marketing và quản lý không hiệu quả từ chủ đầu tư. Theo thống kê của Savills, diện tích bị bỏ trống của ngành hàng ăn uống chiếm 30%, ngành hàng thời trang chiếm 21%, ngành vui chơi giải trí chiếm 20% và ngành giáo dục chiếm 6%.
Tuy nhiên, không chỉ các trung tâm thương mại ở xa quận 1 mới vắng khách và bị bỏ trống vì thiếu khách thuê, khảo sát của Tuổi Trẻ ngày 9 Tháng Tư 2023 cho thấy rất nhiều mặt bằng có vị trí đẹp ở Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi… cũng đóng cửa vì không có khách thuê.
Tuổi Trẻ nhận định: “Sức mua giảm sút, chi phí mặt bằng ngốn hết lợi nhuận nên không ít doanh nghiệp phải ‘tháo chạy’ khỏi các mặt bằng cho thuê ở TP.HCM”. Tiêu biểu là đường Hai Bà Trưng quận 1, từ chợ Tân Định đến tượng đài Trần Hưng Đạo có đến 30 mặt bằng đóng cửa, treo biển cho thuê, trong đó khoảng 1/3 mặt bằng đã để trống hơn một năm nay, còn lại là các mặt bằng cho thuê bị “tháo chạy” từ cuối năm ngoái.
Phân nửa các mặt bằng để trống này từng là nơi kinh doanh của các thương hiệu lớn trong ngành thời trang, ẩm thực, cửa hàng tiện lợi và mỹ phẩm…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một thương hiệu thời trang nội địa cho biết do giá mặt bằng tăng cao, còn doanh số lại kém, buộc thương hiệu này phải đóng cửa, chuyển sang bán online.
Ngay cả vị trí vàng như đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi…cũng nhiều nơi bị đóng cửa, treo bảng cho thuê. Tuổi Trẻ thống kê đường Nguyễn Huệ có 5 mặt bằng, Lê Lợi có 20, Hồ Tùng Mậu có 6. Khảo sát gần 20 mặt bằng tại đường Lê Lợi (quận 1), phần lớn giá rao cho thuê các căn nhà đều trên 200 triệu đồng/tháng ($8,520), thậm chí có căn rao cho thuê đến 600 triệu đồng/tháng ($25,560).
Ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nói với Tuổi Trẻ, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ vẫn có nhưng do giá chào thuê quá cao – tăng 30-40% so với trước dịch, thậm chí tăng gấp đôi, nên chả ai dám thuê.
Cùng nhận định, ông Lê Hữu Nghĩa, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố (Sài Gòn) cũng cho rằng mặt bằng để trống nhiều, thậm chí kéo dài cả năm, do giá thuê quá cao.