Cái kết của “Dr. Ruồi”: Nhân quả báo ứng hay là màn chặt chém phe nhóm?

Vợ chồng Trần Quí Thanh thời hoàng kim (VNE)

Thông tin nổi bật gây chú ý nhất ở Việt Nam những ngày qua là việc ông Trần Quí Thanh, người sáng lập và Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát cùng hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị khởi tố, bắt giam bởi cơ quan Cảnh sát điều tra C01. Dư luận tỏ vẻ vui mừng về sự việc này, cho rằng đó là “nhân quả báo ứng”, “Trời có mắt…

Dường như một số đại gia Việt Nam có chung đặc điểm là có những cách thức làm giàu không mấy sạch sẽ, gây nhiều tai tiếng, nên khi sa cơ, họ bị dân chúng lấy đó làm câu chuyện để dè bỉu. Tâm lý chung của đám đông là ủng hộ việc “công lý” được thực thi và kẻ ác bị trừng phạt. Tuy nhiên, ở đây làm gì có “công lý”! Chẳng qua thì “con nào nuôi béo thì cũng đến lúc phải thịt”. Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp có giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng, là đại gia thực sự trong lĩnh vực sản xuất nước ngọt với việc chiếm hơn 22% thị phần nước giải khát đóng chai nội địa, doanh số hàng triệu triệu đôla mỗi năm.

Ông chủ Tân Hiệp Phát, Trần Quí Thanh, còn có biệt danh “Dr. Ruồi”, sau vụ việc đẩy anh Võ Văn Minh – người phát hiện sản phẩm của Tân Hiệp Phát có ruồi – rơi vòng lao lý và chịu mức án bảy năm tù giam vào năm 2015. Vụ án nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhiều người bất bình với đạo đức kinh doanh của Tân Hiệp Phát cũng như cá nhân ông Trần Quí Thanh.

Thay vì người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ và doanh nghiệp phải bồi thường cho thiệt hại của người tiêu dùng thì doanh nghiệp lại cấu kết với chính quyền để đẩy người tiêu dùng vào tù. Vụ án cho thấy “đồng tiền đâm toạc công lý” như thế nào – một điều rất phổ biến ở Việt Nam. Những câu chuyện gần giống như thế cũng đã xảy ra với chủ kênh GogoTV Trần Văn Hoàng, người bị công an “mời làm việc” khi phản ánh những lỗi kỹ thuật chiếc Vinfast Lux A2 và bất bình với dịch vụ chăm sóc khách hàng của hãng xe thuộc sở hữu tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Trong giới làm ăn, gia đình ông Trần Quí Thanh còn nổi tiếng với việc cho vay nặng lãi và thực hiện nhiều chiêu trò lừa bịp để tước đoạt tài sản người khác. Công chúng từng biết đến một bộ mặt khác của Dr Thanh qua những cuộc livestream của bà Nguyễn Phương Hằng trước đây. Khi tin cha con Trần Quí Thanh bị bắt giam và khởi tố, mạng xã hội đã chia sẻ lại những hình ảnh và câu chuyện về bà Kim Oanh – một đại gia bất động sản Bình Dương từng là nạn nhân thê thảm của cha con Dr Ruồi, với cảnh bà Kim Oanh quỳ lạy, khóc lóc van xin tại trụ sở Tân Hiệp Phát vào Tháng Mười 2020.

Hình ảnh bà Kim Oanh quì lạy Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quí Thanh) ở trụ sở Tân Hiệp Phát năm 2020 (MXH)

Nhà báo Đào Tuấn thuật, để vay 350 tỉ, bà Kim Oanh đã bị con gái ông Trần Quí Thanh bắt phải làm hợp đồng “giả cách” (các bên thực hiện nhằm che giấu một hợp đồng khác) với hồ sơ cho người khác đứng tên 50% cổ phần trong dự án Minh Thành trị giá ngàn tỉ. Sau đó, bà Kim Oanh tiếp tục bị bắt giả cách bán 100% cổ phần Minh Thành cho Tân Hiệp Phát. Đến thời hạn bà Kim Oanh trả nợ chuộc lại tài sản thì Tân Hiệp Phát, lộng giả thành chân, quyết định không trả lại tài sản cho bà Kim Oanh. Tóm lại, bà Kim Oanh cược dự án ngàn tỉ, để vay 350 tỉ, trừ đầu đuôi, trả lãi, bị Tân Hiệp Phát phạt…, cuối cùng còn được cầm tay vỏn vẹn 80 tỉ rồi sau đó mất luôn dự án!

Thời hoàng kim của Dr. Thanh, dư luận đã râm ran việc ông được chống lưng bởi nhóm chính trị gia quyền lực; và tiền của ông nhiều đến mức có thể “đè chết người”. Thanh thế Trần Quí Thanh thời điểm đó có thể nói là khủng khiếp – một đại gia hét ra lửa xịt ra khói thật sự. Tuy nhiên, Dr. Thanh, như nhiều các tỷ phú khác ở Việt Nam, chỉ là con mồi được vỗ béo trong cái lồng của chế độ.

Ông Nguyễn Phú Trọng đến thăm nhà máy Number 1 ở Hà Nam năm 2014 (Vietnamnet)

Hãy nhìn lại những tên tuổi từng lẫy lừng như Bầu Kiên ACB, Hà Văn Thắm Oceanbank, Trần Bắc Hà BIDV, Nguyễn Thanh Bình Vinashin cách đây chục năm và giờ đây là những Trịnh Văn Quyết FLC, Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát, Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh… Tất cả đều có những thế lực chính trị to lớn chống lưng và “một tay che trời” một thuở. Tất cả đều là “sân sau” và phải cung phụng cho các băng nhóm chính trị quyền lực, xem như “phí bảo kê”. Nhưng khi thần thế đổ, băng nhóm đấu đá nội bộ, họ luôn trở thành con mồi bị làm thịt.

Điều nhức nhối đọng lại sau tất cả những vụ án rúng động này là gì? Có một thực tế là khi người dân xem những vở kịch mang tên “công lý” được trình diễn, như những câu chuyện “đốt lò” khác chẳng hạn “Test kit Việt Á” hay “Chuyến bay giải cứu”, đối tượng cuối cùng gánh chịu hậu quả lớn nhất không ai khác chính là người dân. Khi những kẻ tham nhũng vào tù do chặt chém nội bộ, người dân chẳng bao giờ được đền bù những thiệt hại mà bọn tham nhũng gây ra. Nạn nhân Võ Văn Minh chẳng bao giờ được “giải oan” trong “vụ án Con Ruồi”. Không bao giờ có chuyện nhà nước Việt Nam hoàn trả lại cho hàng ngàn người dân phải bỏ ra những số tiền khổng lồ tương đương hàng triệu đôla để mua những tấm vé “giải cứu”. Hàng trăm ngàn người bị lừa đảo mua mớ giấy lộn trái phiếu “3 Không” làm sao lấy lại được số tiền đã mất?

Không ai trong bốn vạn người dân chết oan uổng bởi chính sách chống dịch Covid hỗn loạn có thể sống lại. Không ai có thể đòi lại được những đồng tiền mồ hôi nước mắt đã bị đám doanh nhân và viên chức bất nhân bóp nặn, lừa đảo, tước đoạt. Lượng tiền và tài sản được cơ quan công an điều tra thu hồi đã đi về đâu? Không có thứ công lý nào được thực thi và không có cái gì gọi là công bằng xã hội. Chỉ là một “quy trình” cướp bóc mà thôi. Cướp của dân và sau đó cướp lẫn nhau.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: