Như một điều tất nhiên, những ngày Tết luôn gắn chặt với bia và rượu. Chúng ta thường dễ dãi với bản thân trong những ngày Tết với suy nghĩ “làm lụng vất vả cả năm, Tết đến say sưa một chút cũng chẳng sao”.
Rồi chúng ta bỏ qua những cảm giác đau nhói ở thùy trán sau khi uống quá nhiều rượu. Đó chính là lúc não bộ của chúng ta bị thay đổi bởi rượi bia, và đó là khởi đầu của sự thay đổi tệ hại.
Hãy nghe các chuyên gia phân tích.
Say rượu là gì?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh ( CDC ) định nghĩa uống rượu say là uống năm ly đồ uống có cồn trở lên trong một lần ngồi đối với nam và bốn ly trở lên đối với nữ. Cứ sáu người Mỹ trưởng thành thì có một người thừa nhận đã làm như vậy.
Uống một lượng lớn rượu trong một lần gặp gỡ có thể nguy hiểm và có thể bị ngộ độc rượu. Nó cũng có thể có tác dụng lâu dài hơn do cách rượu tương tác với cơ thể và não bộ của chúng ta.
Rượu ảnh hưởng ngắn hạn đến não
Khi chúng ta uống rượu đường truyền thông tin trong não bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sự cân bằng, trí nhớ, lời nói và khả năng phán đoán.
Rượu thực chất như một loại thuốc an thần làm cho não hoạt động chậm chạp hơn. Rượu cũng khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ và não trì trệ hơn.
Trong não bộ, tiểu não là vùng não đặc biệt nhạy cảm với rượu, phần não kiểm soát sự phối hợp và chuyển động. Kết quả là, chúng ta hoàn toàn mất cảm giác cân bằng và phối hợp.
Uống rượu cũng khiến não giải phóng dopamine, có tác dụng gây hưng phấn tạm thời, tuy nhiên, khi nồng độ cồn trong não tăng lên thì cảm giác hưng phấn cũng tăng lên, mà bạn biết rồi đấy, cái gì quá thì cũng không tốt.
Tác hại về lâu dài đến não khi uống rượu
Đã có nhiều tài liệu chứng minh rằng việc uống nhiều rượu thường xuyên ảnh hưởng xấu đến cả cấu trúc và chức năng của não. Việc tiếp xúc nhiều lần với nồng độ cồn cao dẫn đến các phản ứng viêm trong não dẫn đến tổn thương tế bào thần kinh. Cuối cùng, điều này có thể ảnh hưởng đến hành vi và suy giảm nhận thức về lâu dài.
Việc tiếp xúc lặp đi lặp lại trong thời gian dài với 2 ly rượu trở lên mỗi ngày có liên quan đến việc giảm chất xám và chất trắng trong não. Nhưng sự ảnh hưởng này theo cấp số nhân, mỗi lần uống thêm có liên quan đến nhiều thiệt hại hơn lần trước. Mất chất xám có thể dẫn đến các bệnh thoái hóa thần kinh, như bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ, trong khi mất chất trắng có thể làm gián đoạn luồng thông tin giữa các phần khác nhau của não, dẫn đến suy giảm trí nhớ, khả năng cân bằng và khả năng vận động.
Uống rượu cũng có thể làm tăng sự hiện diện của các hormone gây căng thẳng và làm gián đoạn giấc ngủ. Cả hai điều này đều có thể ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của chúng ta về lâu dài.
Có một thứ gọi là “mức độ uống rượu an toàn” không?
Tác động tiêu cực của rượu lên não hoàn toàn không phải là hậu quả sức khỏe duy nhất của việc uống nhiều rượu. Rượu có thể làm hỏng tim, gan, hệ thống miễn dịch của bạn và có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư.
Tuy nhiên về mặt tổn thương não, uống một lượng nhỏ hơn – dưới mức khuyến nghị tiêu chuẩn – dường như không có tác động đáng kể đến não. Một chuyên gia về sức khỏe cho biết: “Tôi không thể nói rằng có một mức độ an toàn của rượu để uống, nhưng về tổn thương não, chúng tôi không thể phát hiện ra bất kỳ sự thay đổi nào với một ly bia nhỏ 5% mỗi ngày hoặc một chai rượu vang mỗi tuần,”
“Chúng tôi bắt đầu thấy sự khác biệt lâu dài khi đạt và vượt qua mức tiêu thụ hàng ngày của ly thứ hai.” (Theo Newsweek)