Cô gái là khách đàng gái, ba thanh niên là khách đàng trai, cả bốn người gặp nhau lần đầu tiên trong đám cưới, thế mà thay vì thêm bạn thì lại thành ra kẻ thù.
Đám cưới mất cả vui, cô dâu chú rể đúng xui xẻo vì mời trúng sát thủ.
Tin chấn động tối 10 Tháng Năm và sáng 11 Tháng Năm 2023 trên nhiều báo là một cô gái 27 tuổi đã đâm chết một thanh niên và làm bị thương hai thanh niên khác, khi cùng dự tiệc cưới được tổ chức ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Danh tính của thủ phạm và ba nạn nhân chưa được tiết lộ, chỉ biết cả bốn người đều là dân huyện Phúc Thọ.
Theo Thanh Niên, thủ phạm và ba nạn nhân gặp nhau lần đầu tiên vào tối 8 Tháng Năm 2023 tại nhà cô dâu, khi đàng trai sang nhà gái nhóm họ. Cô gái là khách đàng gái, ba thanh niên là khách đàng trai. Cả bốn đã có hơi men, cãi cọ với nhau vì chuyện xin thuốc lá, chả ai nhường ai khiến mọi người phải can ngăn, hòa giải.
Đến 14 giờ ngày 9 Tháng Năm, khi đàng trai rước dâu về nhà, trong tiệc cưới, cả bốn người gặp lại và tiếp tục cự nhau. Đỉnh điểm là cô gái dùng dao đâm cả ba thanh niên, một người chết tại chỗ, còn hai người bị thương nặng phải chở đi cấp cứu.
Ngay sau khi xảy ra vụ án, Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Phúc Thọ điều tra vụ việc. Cô gái đã bị bắt giam.
Ngày 11 Tháng Năm 2023, Gia Đình & Xã Hội phỏng vấn tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp về sự việc dưới góc nhìn pháp lý. Ông Cường cho biết thủ phạm là nữ giới hiếm khi xảy ra, nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân của các bên có liên quan để xác định tính chất của sự việc, thậm chí phải làm rõ trạng thái tinh thần của cô gái khi dùng dao để tấn công ba thanh niên.
Chẳng hạn cô gái này có đang phòng vệ chính đáng hay không? Tình thế có cấp thiết không? Tinh thần có bị kích động mạnh hay không? Hành động giết người là vô ý hay cố tình?
Nếu vô ý thì cô gái sẽ bị xử tội “cố ý gây thương tích” hoặc tội “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”… Còn nếu cố tình thì cô gái sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nặng vì giết từ hai người trở lên và hành vi có tính chất côn đồ. Khung án này từ 12 – 20 năm, hoặc chung thân, hoặc tử hình.
Đây có lẽ là lần đầu tiên thủ phạm đâm người trong đám cưới là nữ giới, một cô gái chưa đến 30 tuổi, tương lai còn ở phía trước. Hồi năm 2022, thủ phạm của hai án mạng xảy ra trong đám cưới (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) và sau đám cưới (xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đều là nam giới, một người 23 tuổi và một người 42 tuổi.
Án mạng xảy ra trong đám cưới ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là do thủ phạm đã thủ sẵn dao để gặp kẻ bắt nạt mình từ trước. Còn án mạng xảy ra sau đám cưới ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị phát sinh khi cả hai gặp nhau trong tiệc cưới, thay vì thêm bạn lại thành ra kẻ thù. Tan đám cưới, chưa nguôi giận, thủ phạm tìm đến nhà nạn nhân gây sự tiếp. Kết cuộc là cả hai nạn nhân (cũng là nam giới) đều chết thảm vì bị đâm bằng dao.
Với lời cảnh tỉnh cho những ai thiếu kiềm chế cảm xúc của luật sư Đặng Văn Cường, cần phải nói thêm là “thiếu kiềm chế cảm xúc” là một bệnh thuộc dạng tâm thần, phải điều trị lâu dài bằng thuốc và các phương pháp tâm lý khác.
Hiện nay đọc tin tức trên mạng trong nước, ngày nào cũng thấy có án mạng (từ trường học đến xã hội, từ trong nhà đến ngoài đường), với thủ phạm từ học sinh đến người trưởng thành, từ nam giới đến nữ giới…, mới thấy người Việt dường như đang có khuynh hướng trút giận vào nhau và thủ phạm đều là những người thiếu kiềm chế cảm xúc.
Một đề tài nghiên cứu cho giới tâm lý học tội phạm.