Hiện nay, Tổng Bí Thư Tô Lâm đang từng bước củng cố quyền lực trên chính trường Việt Nam thông qua việc bố trí nhân sự trong ngành công an và các cán bộ gốc Hưng Yên vào các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp và cả quân đội.
Mặc dù vậy, việc mở rộng tầm ảnh hưởng của phe Hưng Yên do ông Tô Lâm dẫn đầu, dù đã triển khai trên diện rộng, nhưng vẫn gặp phải sự phản kháng từ nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh và tướng lĩnh trong quân đội, vốn là những người trung thành với tổng bí thư tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.
Đáng chú ý, vị thế của Thủ Tướng Phạm Minh Chính vẫn được duy trì ổn định, bất chấp những biến động chính trị vừa qua. Bên cạnh đó, việc ông Tô Lâm phải chấp thuận nhường để Đại Tướng Lương Cường, đại diện của phe quân đội, đảm nhiệm chức vụ chủ tịch nước, cho thấy sự đồng thuận và áp lực từ Bộ Chính Trị.
Trong bối cảnh đó, việc mở rộng liên minh, đặc biệt là với phe miền Nam của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, được xem là một bước đi có tính toán của ông Tô Lâm nhằm cân bằng ảnh hưởng với tàn dư của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện có hai người con trai đang tham gia chính trường, là ông Nguyễn Minh Triết và ông Nguyễn Thanh Nghị.
Thời gian gần đây, chuyến thăm Campuchia của ông Nguyễn Minh Triết và cuộc gặp gỡ với ông Hun Many, Phó Thủ Tướng Chính Phủ Campuchia, thu hút sự chú ý của dư luận. Sự kiện này cho thấy nỗ lực xây dựng mối quan hệ giữa hai gia đình. Dù có điểm tương đồng trong việc củng cố quyền lực cho thế hệ kế cận giữa cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ Tướng Campuchia Hun Sen, bối cảnh chính trị của hai quốc gia lại có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi ông Hun Sen đã thành công đưa con trai mình là ông Hun Manet lên nắm quyền, ông Dũng lại gặp nhiều thách thức hơn và phải nỗ lực ở thời điểm hiện tại để tạo điều kiện cho các con trai của mình.
Hiện nay, ông Dũng đang dồn tâm sức để hỗ trợ con trai cả, ông Nguyễn Thanh Nghị, thăng tiến trên con đường chính trị. Mục tiêu là giúp ông Nghị đạt được vị trí mà ông Dũng từng nắm giữ, thay thế vị trí thủ tướng của ông Phạm Minh Chính để tạo thành một liên minh vững chắc với Tổng Bí Thư Tô Lâm. Tuy nhiên, ông Nghị hiện mới chỉ là ủy viên Trung Ương Đảng, còn một khoảng cách đáng kể so với vị trí thủ tướng. Để đạt được mục tiêu này, ông Nghị cần phải trải qua một hành trình chính trị với không ít thử thách.
Theo thông lệ, các chính trị gia trước khi đảm nhiệm cương vị thủ tướng thường kinh qua các chức vụ lãnh đạo tại địa phương. Có thể kể đến như trường hợp của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng từng giữ chức bí thư Tỉnh Ủy Kiên Giang, cựu Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc từng là phó bí thư Tỉnh Ủy Quảng Nam, và Thủ Tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính từng đảm nhiệm cương vị bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ninh. Bản thân ông Nguyễn Thanh Nghị cũng đã hoàn thành giai đoạn lãnh đạo địa phương, khi từng là bí thư Tỉnh Ủy Kiên Giang và hiện đang giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Xây Dựng.
Hiện tại, hai vị trí ủy viên Bộ Chính Trị đang khuyết. Ông Nguyễn Tấn Dũng đang nỗ lực vận động nhằm đưa con trai Nguyễn Thanh Nghị vào cơ quan quyền lực tối cao này trước đại hội Đảng lần thứ XIV, hoặc chậm nhất là khi đại hội diễn ra, dự kiến vào đầu năm 2026. Việc gia nhập Bộ Chính Trị được xem là điều kiện tiên quyết để ông Nghị có thể tiếp tục thăng tiến trên con đường sự nghiệp chính trị.
Hai cơ quan hiện có số lượng ủy viên Bộ Chính Trị đông nhất là Ban Bí Thư Trung Ương Đảng và Chính Phủ. Tổng bí thư có thẩm quyền giới thiệu nhân sự từ Ban Bí Thư vào Bộ Chính Trị, trong khi thủ tướng có trách nhiệm đề cử nhân sự từ Chính Phủ.
Trong cơ cấu Chính Phủ hiện nay, ông Nghị ít có cơ hội được bầu vào Bộ Chính Trị. Các vị trí ủy viên Bộ Chính Trị tại đây thường được phân bổ cho lãnh đạo đứng đầu các bộ, ngành trọng yếu như Bộ Tài Chính, Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Ngoại Giao, cũng như bộ trưởng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ. Thêm vào đó, hai vị trí ủy viên Bộ Chính Trị gần như mặc định dành cho bộ trưởng Bộ Công An và bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, cùng với một số phó thủ tướng Chính Phủ. Do đó, khả năng ông Nghị được lựa chọn vào Bộ Chính Trị từ Chính Phủ là tương đối thấp, nhất là trong bối cảnh phải cạnh tranh với nhiều ứng viên tiềm năng khác. Hơn nữa, do Thủ Tướng Phạm Minh Chính đang có những bất đồng với ông Tô Lâm nên khó có thể đề cử ông Nghị, nhằm tránh những phản ứng từ các phe phái khác trong Chính Phủ.
Tổng Bí Thư Tô Lâm đang đề xuất sáp nhập Bộ Xây Dựng với Bộ Giao Thông Vận Tải trong kế hoạch “tinh gọn bộ máy Chính Phủ.” Đây là giải pháp làm tăng cơ hội cho ông Nguyễn Thanh Nghị. Ngoài ra, ông Nghị cũng có thể được cân nhắc chuyển công tác sang Ban Bí Thư Trung Ương Đảng. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ông Lâm sẽ đưa ông Nghị vào cơ quan tham mưu của Đảng này. Ngay cả khi được bổ sung vào đây, ông Nghị cũng khó có khả năng được ưu tiên hơn so với ông Nguyễn Duy Ngọc và ông Trần Lưu Quang, hai nhân vật đang nổi lên gần đây.
Hiện nay, Ban Bí Thư và Chính Phủ đều có nhiều ứng viên tiềm năng đang trong quá trình xem xét, bổ nhiệm. Trong Chính Phủ, những đối thủ đáng gờm của ông Nghị có thể kể đến như các ông Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, Lê Thành Long, Nguyễn Văn Thắng, Trần Hồng Minh, Trần Văn Sơn,… Ngay cả khi được ông Lâm hậu thuẫn để vào Ban Bí Thư, ông Nghị cũng chỉ xếp ở vị trí thứ ba theo thứ tự ưu tiên, trong khi chỉ còn hai vị trí ủy viên Bộ Chính trị đang trống. Có thể thấy, tỷ lệ cạnh tranh rất cao và cơ hội dành cho ông Nghị không nhiều.
Trong khi cựu Thủ Tướng Campuchia Hun Sen thành công trong việc đưa con trai mình là ông Hun Manet lên nắm quyền, cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn đang phải nỗ lực vận động cho con trai mình. Và dù có được tổng bí thư đương nhiệm hậu thuẫn, con đường để ông Nguyễn Thanh Nghị ngồi lọt vào ghế thủ tướng xem ra vẫn còn nhiều gian truân.