Công an rầm rộ mở chiến dịch “săn phù thủy” ở Đắk Lắk

(Ảnh: Báo Giao thông)

Dù trên tin tức báo chí Việt Nam đưa ra, có vẻ như mọi thứ đang dần được kiểm soát, nhiều nghi phạm bị coi là tham gia vào cuộc đột kích hai đồn công an đã bị bắt giữ, thế nhưng các cuộc càn quét và tra xét của chiến dịch truy bắt đang khiến người ta nhìn thấy dấu hiệu hoảng hốt từ phía Bộ Công an Việt Nam.

Theo báo chí Việt Nam, cho đến nay công an đã bắt giữ được hơn 45 nghi phạm, nhưng chưa có những tên tuổi công bố rõ ràng. Có vẻ như trật tự đang được vãn hồi. Phía công an không công bố những video bắt giữ và tra hỏi, nhưng trên các trang mạng, xuất hiện các đoạn video ngắn hình ảnh người bị bắt giữ, bị đánh với vết thương đang tuôn máu. Khi bị tra hỏi, những người này phát âm không rõ tiếng Việt, luôn nói không biết, và không có tên người nào đi cùng. Những người này bị bắt khi họ đang đi rừng, và một trong những lý do bị bắt, đánh, là do họ mặc quần hay áo rằn ri, một loại trang phục rất được ưa chuộng của người Thượng Tây Nguyên.

Báo nhà nước liên tục đưa tin việc khám xét các cửa hàng bán đồ đi rừng, loại đồ rằn ri như lính dã chiến, xem các cửa hàng bán loại quần áo này chẳng khác gì nơi chứa chấp hàng quốc cấm, điều này khiến sự lo âu của dân chúng tăng thêm. Một người bán hàng ở xã Ea Tiêu, giấu tên nói “loại hàng hóa này bán lâu nay, đâu có chuyện gì xảy ra, bây giờ cứ bị ập vào khám xét khắp nơi. Họ lập biên bản mà không có lý do gì rõ ràng”. Một người Jarai giấu tên nói, làng của anh bị công an ập vào xét nhà, nếu thấy có đồ rằn ri thì bị giải đi.

Nhiều nhà quan sát thời sự cho rằng Bộ Công an Việt Nam đang mở chiến dịch “săn phù thủy” trên khắp huyện Cư Kuin, và mở rộng ra nhiều địa điểm khác. Lúc này, với sự kích động từ tin báo động rất mơ hồ của phía công an là cứ thấy ai mặc quần hay áo rằn ri là phải bắt giữ. Nhiều vụ đánh đập và trói dẫn đi được dân chúng trong vùng nói là đã bắt oan nhiều người, chỉ vì mặc loại quần áo này.

Việc truy bắt nhanh và dễ dàng của Bộ Công an, đang khiến nhiều người đặt câu hỏi là vì sao lực lượng người Thượng tấn công rất quyết liệt, và không ngại xung đột, thế nhưng tại sao các vụ bắt người không thấy có bất cứ sự chống cự hay đáp trả nào, liệu những người bị bắt có hoàn toàn là những người đã tham gia đột kích vào đồn công an không?

Việc bắt giữ người chỉ tập trung vào huyện Cư Kuin, khiến dấy lên câu hỏi rằng, liệu nhóm tấn công đó, đã đi từ nơi khác đến, và sẽ rời đi, như báo cáo của công an huyện Cu Kuin gửi về Trung ương?

Cách thức bắt bớ vô tội vạ qua bề ngoài, và liên tục đánh đập, trấn áp không cần tra hỏi khiến giới bình luận trên mạng mỉa mai, nói rằng bây giờ nếu đi lên các vùng cao nguyên, phải nhớ không nên mang bất cứ trang phục nào rằn ri, vì sẽ lây họa. Bên cạnh đó, dân du lịch đường rừng còn đùa rằng không nên nói tiếng miền Trung khó nghe, mà phải nói tiếng Bắc, rõ ràng.

Tuy nhiên, lúc này, có thêm dữ liệu khác về cuộc đột kích ở Đắk Lắk, đang được rỉ tai  nhau, đó là sự kiện này, có thể là từ một âm mưu, được tổ chức từ phía công an.

Lâu nay, việc đàn áp người Thượng của Hà Nội vẫn diễn ra, và hầu như không có sự kháng cự nào dẫn đến thương vong. Việc nhóm người Thượng bùng phát bạo động với vũ khí được trang bị, cho thấy mọi chuyện hoàn toàn không ngẫu nhiên. Có nguồn tin nói phía công an đã cài người vào các nhóm người Thượng lâu nay bị mất đất, bị đàn áp, liên tục kích động và giao vũ khí cho họ để đi đến kết cục đẫm máu hiện nay.

Việc tổ chức được vụ bạo động, sẽ là tin tức lớn, giúp rửa mặt cho chính quyền CSVN vốn đang bị cả thế giới lên án về các chính sách hà khắc ở Tây Nguyên. Các hình ảnh người Tin Lành Tây Nguyên bị chính quyền chà đạp trong các hồ sơ nhân quyền, sẽ được giải thích bằng sự kiện này, và giúp cho Hà Nội mạnh miệng nói việc mình làm lâu nay là đúng.

Cách thức giao vũ khí, tạo điều kiện cho hình ảnh bạo động, đã từng xảy ra với người dân làng Đồng Tâm, Hà Nội. Trước ngày mà 3,000 cảnh sát cơ động tràn vào bắn giết dân làng, đã có trường hợp người lạ đến gạ bán ba lựu đạn cũ cho người dân Đồng Tâm, và công an đã dùng ba trái lựu đạn không thể nổ này làm cáo buộc “khủng bố” với người dân Đồng Tâm.

Trong cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng, nhóm Hiến Pháp trước khi đi biểu tình ở Sài Gòn cũng đã được người lạ đến gạ bán các loại đèn pin có kèm súng điện, nói rằng thứ này rất phổ biến để phòng thân khi đi đường về đêm khuya. Những thành viên nhóm Hiến Pháp dù đã cất súng điện trong cốp xe, chỉ đi bộ biểu tình, nhưng công an vẫn biết để đến từng xe, lấy súng điện ra để làm chứng cứ phạm tội chống chính quyền.

Sự kiện đột kích đẫm máu ở huyện Cư Kuin chắc sẽ không sớm có kết quả minh bạch. Thời gian điều tra hàng chục người bị bắt vô tội vạ ở khắp nơi, kèm tra tấn dã man, ắt sẽ có những lời khai phù hợp với ý muốn của chính quyền. Có thể lại sẽ có những án oan ngất trời như vụ Đồng Tâm tái diễn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: