Trong lịch sử tố tụng của Việt Nam và thế giới, đại án tham ô không hiếm, có nhiều trường hợp bị cáo giả điên giả khùng hòng được giảm nhẹ tội. Nhưng cách các bị cáo trong đại án “Chuyến bay giải cứu” tự bào chữa suốt mấy ngày nay vô cùng lố bịch, kệch cỡm, khiến quần chúng tự khỏi không biết họ còn chút liêm sỉ nào của con người.
Phiên toà “Chuyến bay giải cứu”… cứu ai?
Cho đến hôm nay, đã mười ngày kể từ khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Người dân luôn ngóng chờ tiếng nói công lý, họ đợi những bản án xứng đáng với tội ác của những cán bộ mất hết tính người, những kẻ đong đếm tính mạng đồng loại bằng những con số đếm được của đồng tiền. Nhưng có thể nói mỗi ngày trôi qua, tất cả những gì phiên toà mang lại chỉ là hai tiếng “thất vọng”.
Con số thống kê của Bộ Y tế cho biết hơn 43,000 người đã vĩnh viễn ra đi bởi đại dịch COVID-19, con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. Thậm chí những người may mắn ở lại đã không được quyền tưởng như cơ bản nhất: Nhìn thi thể người thân lần cuối. Thế mà trong lúc khó khăn ngặt nghèo nhất, những cán bộ được giao trách nhiệm làm chuyện công vẫn thản nhiên kiếm tiền trên xương máu của đồng bào.
Có trùng hợp không khi trong lúc đang diễn ra vào sáng ngày 17 tháng Bảy, phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã tạm dừng để… các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả trước khi Viện kiểm sát đề nghị mức án? Như vậy liệu tiền khắc phục hậu quả sẽ ảnh hưởng đến mức án? Phiên toà “chuyến bay giải cứu” sẽ lấy lại công bằng cho 200,000 người dân (du học sinh, người lao động) phải trực tiếp bỏ một số tiền lớn ra để chi trả cho các chuyến bay combo, hay là “giải cứu” cho những kẻ đang đứng trước vành móng ngựa kia?
Tuồng hay còn ở phía trước
Gần như chưa từng có phiên toà xét đại án liên quan đến hệ thống Đảng nào mà báo chí trong nước được bật đèn xanh để tường thuật một cách chân thực, vạch trần những gương mặt cộm cán như lần này. Điều đơn giản là có muốn che đậy cũng không được. 200,000 hành khách đi trên các chuyến bay giải cứu là những nhân chứng sống không thể bịt miệng. Nói cách khác, vết bẩn này không thể xoá, mà chỉ có thể kiếm cách tẩy bớt nó đi. Mặt khác cũng thuận tiện thể hiện được “tính nghiêm minh” của chế độ.
Kể ra cũng lại buồn cười, nhưng chưa bao giờ nhà báo mảng pháp luật trong nước được “tự do” hành nghề đến vậy. Theo dõi từ đầu phiên toà, cứ cảm giác đây là một vở tuồng hay được một đạo diễn giỏi cầm trịch, và 54 bị cáo là những kép hát vô cùng tài năng.
Trước tội ác của chính mình, các bị cáo vẫn ngây thơ thốt nên những từ ngữ, những câu nói trơ trẽn đến chưa từng. Những nhà biên kịch hàng đầu thế giới có lẽ cũng không bao giờ nghĩ ra. Đôi khi người chứng kiến phải tự hỏi rằng liệu có nghe nhầm, hoặc họ đang có ẩn ý gì hay chăng. Bởi dù là người điên cũng không ăn nói vô liêm sỉ như vậy. Chưa kể, hầu như tất cả các bị cáo đều tự bào chữa với phong cách đáng tởm như nhau:
Lời khai mang tính “bức xúc” nhất là của bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Masterlife) khi cho rằng mình bị buộc đưa hối lộ hơn 8 tỷ đồng để được cấp phép các chuyến bay và bà “rất giận Cục Lãnh Sự” khi đưa bà vào vòng lao lý: “Bị cáo không có ý thức về vấn đề đó (đưa hối lộ – PV). Lần đầu tiên đã bị ép phải đưa rồi, lần sau cứ phải đưa thôi.” Bà Xa trần tình.
Bị cáo Tô Anh Dũng – cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – bị truy tố tội “nhận hối lộ” 37 lần với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng. Ông Dũng cho rằng do trước đây phạm pháp là do “nhận thức sai”, còn bây giờ thì đã biết lỗi: “Doanh nghiệp gặp, bị cáo cũng không đòi hỏi. Doanh nghiệp tổ chức chuyến bay xong thì đến báo cáo kết quả, bị cáo lắng nghe để rút kinh nghiệm thêm. Bị cáo có nhận quà nhưng không mở ra xem, chỉ nhận thức đó là quà doanh nghiệp cảm ơn”.
Giống Tô Anh Dũng, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan – cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, dưới quyền ông Tô Anh Dũng – biện minh rằng hành vi nhận hối lộ 25 tỷ là do “nhận thức chưa đầy đủ về việc nhận quà cảm ơn.”
Nặng nhất trong tội “nhận hối lộ” là ông Phạm Trung Kiên – cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế – với cáo buộc nhận hối lộ 42,6 tỷ và bị đề nghị mức án tử hình. Tuy nhận tội nhưng ông Kiên phủ nhận cáo buộc ép doanh nghiệp chung chi. Ông lập luận rằng các doanh nghiệp đều chi tiền… sau khi đã được Bộ Y tế phê duyệt chuyến bay, chứ trước đó ông không gợi ý hay ép buộc gì. Ông Kiên cũng được đánh giá là… người chồng yêu vợ nhất trong đại án khi khai “không chia cho ai”, chỉ “mang hết tiền về cho vợ.”
Bị truy tố về tội “môi giới hối lộ” với số tiền môi giới là 2,65 triệu USD (gần 62 tỷ đồng), cựu Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bật khóc trước toà, cho rằng do mình “thương người”, chạy án vì tình cảm anh em: “Cũng chỉ xuất phát do mình quá thương người, quá tin người nên bị truy tố tội môi giới hối lộ.”
“Nhân văn” nhất là cựu phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân. Theo cáo trạng, ông Tân đã nhận hối lộ 9 lần từ công ty Bluesky với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Ông khai: “Lần đầu nhận tiền, bị cáo nghĩ rằng sẽ trả lại, nhưng do bận công việc nên không kịp trả. Sau đó nhận tiếp lần hai và sử dụng tiền vào việc có ý nghĩa.”
Tuy không nhận hối lộ nhiều nhất, nhưng để lại câu nói “bất hủ” nhất là cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh Trần Văn Dự. Khi bị cáo buộc nhận hối lộ 7,6 tỷ, ông cho hay bản thân chỉ “vô tình” nhận hối lộ chứ không phải “biết mà vẫn nhận”. Cuối phần tự bào chữa, ông chốt: “Tôi số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả.”
Lịch sử hôm nay sẽ không chỉ là tội ác mang tên “Chuyến bay giải cứu”, mà còn ghi lại những câu nói trơ tráo đến ngàn thu. Có thể thấy, đến khi đứng trước vành móng ngựa, lần lượt những con người từng có địa vị cao trong xã hội, từng là chủ doanh nghiệp cho đến Thứ trưởng,… đều quẹt nước mắt mong được tha thứ và giảm án; không có bất kỳ ai tỏ ra một chút ăn năn, chấp nhận bản án như kết quả của tội ác mà họ gây ra. Tất cả toàn là những lời lấp liếm, ngụỵ biện đầy mâu thuẫn với những gì họ đáng lý phải phụng sự.
Chợt nhớ lại những ngày “Chuyến bay giải cứu” được thực hiện rầm rộ cũng là lúc dịch bệnh đang cao điểm. Những chuyến bay combo nhộn nhịp trên không lúc đó được ca ngợi không ngớt, dưới mặt đất là một khung cảnh hoàn toàn khác hẳn.
“Sự sống đã rút vào sau những cánh cửa đóng kín. Chỉ có những chốt kiểm soát là hoạt động. Mà ngay cả ở đó thì những người làm nhiệm vụ cũng không buồn ngước mặt nhìn một chiếc xe cấp cứu đang vùn vụn lao qua. Ngồi trên xe cấp cứu, niềm ao ước mãnh liệt nhất của tôi là một ngày nào đó được tháo tấm khiên che mặt xuống, cởi bộ đồ bảo hộ thùng thình và bất tiện để được hoà vào dòng người đông đúc trên phố. Kẹt xe cũng được, ngập nước cũng được, gây nhau cũng được, miễn đông người là hạnh phúc rồi” – trích tản văn Phía Tây Thành Phố của BS. Lê Minh Khôi.
Bây giờ cuộc sống đang bắt đầu trở lại như bác sĩ Khôi mong muốn trong những ngày chống chọi cùng đại dịch. Đáng tiếc là sau COVID-19, vẫn còn một dịch bệnh trầm kha và nguy hiểm hơn, đó là khi con người đi vào một guồng máy chạy theo đồng tiền bằng cách lạm dụng bóc lột đồng loại bằng mọi cách. Và như thường lệ, kẻ thủ ác thì luôn phủ nhận tội lỗi của mình.
Cách mà đại án “Chuyến bay giải cứu” đang diễn ra khiến nhiều người hoài nghi rằng 54 bị cáo của những ngày qua vốn chỉ là những con tốt thí, “trùm cuối” vẫn ẩn mình phía sau, những trò dối trá vẫn còn chưa được phanh phui đến tận cùng. Tất cả đều là dối trá trơ trẽn. Chỉ có nước mắt nhân dân là thật. Chỉ có những xác người chết vì Covid không được người thân đưa tiễn là thật. Chỉ có tội ác ngàn đời không phai là thật.