Ngày 22 Tháng Tư, một cơn gió lốc đầu mùa đã khiến hơn 70 cây xanh trên nhiều tuyến đường TP. Buôn Mê Thuột bị trốc rễ, gãy cành.
Tại trước nhà số 48 đường Y Jút. Một sây sao đen bị trốc gốc gãy đổ, đè lên người chị T.T.K.N. (26 tuổi, ngụ xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đang đi xe máy tới.
Ngay lập tức, người đi đường và người dân xung quanh xúm vào cùng nhau khiêng thân cây lên để giải cứu và đưa chị N. đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cấp cứu.
Một cây sao đen khác trên đường Đam San cũng bị gãy, làm một nhân viên điện lực bị thương nhẹ.
Đến ngày hôm sau, chị N. được chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Dược Sài Gòn để được tiếp tục chữa trị.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, đơn vị quản lý cây xanh, cho biết đã cử cán bộ đến thăm hỏi và hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân. Đồng thời, đến hiện trường để phối hợp cùng Công an TP Buôn Ma Thuột, Phòng Quản lý Đô thị, Ban Quản lý dự án thành phố xử lý tình trạng nêu trên.
Vị lãnh đạo Công ty này cho biết thêm, công an thành phố đã “bắt” cây sao đen này về đồn để “phục vụ điều tra”.
Tin này làm cho người dân rất ngạc nhiên về tinh thần phá án của công an, cũng như tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk. “Đến cái cây gây tại nạn cũng bị ‘bắt’ thì phải biết công an làm việc cẩn thận đến mức nào”.
Ông mang tên Thiên Lôi, một độc giả của báo Người Lao Động viết rằng, gặp công an thì“nó” (cây sao đen) sẽ khai hết thôi!
Độc giả Minh Nguyễn cũng đồng tình: “Phải phạt cái cây thật nặng vì làm bị thương người khác, và làm phí tiền thuế của dân”.
Có người còn đề nghị hẳn 10 năm tù cho cái cây này. Sau khi mãn hạn tù mới đem nó làm củi nấu bánh tét.
Chuyện cái cây này bị đưa về đồn công an điều tra khiến cư dân mạng nhớ lại một câu chuyện khác cũng liên quan đến công an và con… bò.
Chuyện xảy ra tại Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương vào năm 2018.
Theo lời kể của anh Nguyễn Ngọc Tân, chiều ngày 13 Tháng Giêng năm 2018, anh lái xe hơi bon bon trên đường thì bất ngờ bị một chị bò băng qua đường tông vào đầu xe của anh. Đầu xe bị hư hại nặng, chị bò cũng bị gãy chân nằm luôn xuống đường không đi nổi.
Lúc đó người dân địa phương đến xem rất đông, nhưng không ai đứng ra nhận là chủ chị bò. Cũng đúng thôi, vì nếu nhận là chủ thì phải đền tiền sửa xe cho anh Tân, nghe đâu tới cả trăm triệu đồng.
Một vài người muốn mua lại chị bò vô chủ này 8 triệu rồi đưa tiền bán bò cho anh Tân làm chi phí sửa xe. Anh Tân đồng ý vì chẳng có cách nào khác, thế nhưng cán bộ phường Hòa Phú có mặt tại đó không đồng ý. Cán bộ công an nói rằng anh ta cần phải đưa thủ phạm gây tai nạn về phường để điều tra thêm, rồi phường sẽ lập ủy ban hóa giá để hóa kiếp chị bò này. Tiền bán được sẽ đưa lại cho anh Tân, anh cứ yên tâm.
Thực lòng anh Tân cũng chẳng yên tâm chút nào, nhưng cán bộ công an nói thế thì phải nghe thôi. Sau một đêm không ngủ, sáng hôm sau anh Tân đến UBND phường Hòa Phú để xem sự việc giải quyết ra sao. Anh kể:
“Một công an ở đây nói với tôi là con bò đã được bán nhưng không biết được bao nhiêu vì cán bộ công an phụ trách giải quyết vụ việc đã đi học. Tôi yêu cầu công an lập biên bản buổi làm việc giữa tôi và họ. Cán bộ công an đang lập biên bản thì nhận được cuộc gọi nên bỏ đi ra ngoài”.
“20 phút sau, người này quay lại nói con bò đã bị tiêu hủy. Tôi không tin con bò bị tiêu hủy vì lúc xảy ra tai nạn, nó vẫn sống. Sự việc xảy ra chưa đầy 24 giờ, sao tiêu hủy nhanh vậy? Tôi yêu cầu dẫn đến vị trí giữ bò, tiêu hủy bò nhưng không được chấp nhận”.
Anh Tân nói anh sẽ gởi đơn kiến nghị lên công an cấp trên xem xét giải quyết. Từ đó, không ai nhắc đến anh Tân và chị bò này nữa. Hóa ra anh Tân và chị bò, nạn nhân và thủ phạm vụ tai nạn hy hữu này, đều bị công an phường Hòa Phú “dắt mũi”!