Trước hết, phải đặt câu hỏi “Tại sao lại có chuyện đến bưu điện gởi tiền tiết kiệm, mà không phải là đến ngân hàng?”
Câu trả lời dễ hiểu là năm 2011, Tổng cục Bưu điện Việt Nam liên kết với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Liên Việt Post Bank) mở thành lập Ngân hàng Bưu điện. Từ đó bưu điện có thêm dịch vụ gởi tiền tiết kiệm ngay tại các chi cục bưu điện.
Thay vì mang tiền ra ngân hàng gởi, một số người gởi luôn tại bưu điện địa phương cho tiện. Thế mới xảy ra chuyện “bốc hơi”.
Chuyện này xảy ra ở tỉnh Sơn La, khi nhiều người dân tộc ở huyện Xốp Cộp tá hỏa khi thấy số tiền tích cóp để gửi tiết kiệm tại bưu điện bỗng nhiên không cánh mà bay.
Theo nạn nhân tên V.T.H. (ngụ tại xã Xốp Cộp), ngày 8 Tháng Tư, chị đến bưu điện huyện Sốp Cộp để mở sổ tiết kiệm với số tiền 200 triệu đồng, thời hạn sáu tháng. Ngày hôm sau, chị mở thêm khoản tiết kiệm khác với số tiền 150 triệu đồng, thời hạn một tháng.
Xui cho chị H. là trong bưu điện huyện này có một “bà phù thủy” làm giao dịch viên tên Vì Thị Thảo, có thể làm “bốc hơi” theo ý thích của bà.
Sau khi nhận tiền của chị H., bà Thảo nói hệ thống nhập liệu bị hư nên chưa thể cấp sổ tiết kiệm cho chị H. được, hẹn chị lấy sau. Do đã từng gởi tiết kiệm ở đây nhiều lần, chị H. yên tâm cầm giấy xác nhận có đóng tiền đi về với lòng phơi phới, nghĩ mình sẽ có thêm chút tiền lời lo cho gia đình.
Sau đó, nhiều lần chị H. gọi điện thoại cho bà Thảo hỏi thăm sổ đã có chưa để chị ra lấy, lần nào bà Thảo cũng trả lời “ầu ơ dí dầu” cho qua chuyện và lờ luôn… cái sổ.
Không đồng ý với cách làm việc của bà Thảo, chị H. đến Bưu diện huyện Sốp Cộp trình bày với lãnh đạo tại đây, nhưng chỉ nhận lại thái độ thờ ơ và câu trả lời rằng ai lừa đảo thì người đó chịu trách nhiệm. Chị cho biết:
“Vào ngày 28 Tháng Tư 2023, phía bưu điện có mời tôi lên làm việc và xác nhận rằng cả 2 sổ tiết kiệm của tôi chưa được ghi nhận vào hệ thống. Phía bưu điện nói tôi đã bị nhân viên Vì Thị Thảo lừa với tổng số tiền là 350 triệu đồng, nhưng không đưa cho gia đình giải pháp.
Thậm chí, ngay cả khi phía Bưu điện tỉnh Sơn La gặp tôi, cũng không đưa hướng giải quyết mà chỉ yêu cầu tôi gỡ bài phản ảnh trên mạng xã hội vì lo sợ ảnh hưởng đến uy tín của bưu điện”.
Không chỉ riêng chị H. bị “bà phù thủy” Thảo lừa đảo, tại ba xã Sốp Cộp, Nậm Lạnh, Púng Bánh, đã có 17 người bị mất tiền khi gửi tiết kiệm tại bưu điện huyện này.
Tổng số tiền lên đến 2.2 tỉ đồng. Trong đó, người mất nhiều nhất: 350 triệu đồng, là chị H.
Tất cả những nạn nhân nói trên đều gửi tiết kiệm tại quầy giao dịch của Vì Thị Thảo – nhân viên bưu điện huyện Sốp Cộp và có giấy biên nhận kèm chữ ký của giao dịch viên. Hiện nay, người dân đã có đơn trình báo đến công an và cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra. Hiện bà Thảo đã bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Sự việc đã rõ mười mươi, nhưng lãnh đạo Bưu điện tỉnh Sơn La vẫn không nhận trách nhiệm, dù người lừa đảo là nhân viên của mình. Bà Nguyễn Thị Huệ – Trưởng phòng Kinh doanh Bưu điện tỉnh Sơn La, nói với báo chí khi được phỏng vấn:
“Chưa thể xác định được rằng nhân viên của bưu điện lừa tiền khách hàng bởi chưa có chứng cứ rõ ràng, tất cả cần chờ kết luận của cơ quan”.
Còn về việc người dân có biên nhận sau khi đã nộp tiền tại bưu điện, phía Bưu điện tỉnh Sơn La từ chối trả lời.
Hiện nay, tại Bưu điện huyện Sốp Cộp, rất đông người dân đến rút tiền vì lo sợ nên mất niềm tin vào lãnh đạo bưu điện này, trong đó có ông Vì A Thăng. Ông Thăng nói: “Tôi không thể tin lãnh đạo bưu điện lại phát biểu thiếu trách nhiệm như thế. Còn mấy chục triệu gởi tiết kiệm ở đó, tôi đã rút trước thời hạn, chấp nhận đóng phạt, còn hơn là sau này mất hết”.