Dân xã Hải Hà bị khởi tố vì dám biểu tình phản đối dự án cảng Long Sơn

Dân xã Hải Hà biểu tình trên tỉnh lộ 513 thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa để phản đối việc xây dựng bến số 3 cảng Long Sơn – Ảnh: Tuổi Trẻ

Sáng 23 Tháng Mười 2023, khoảng 300 người dân mang theo băng rôn, biểu ngữ, đi bộ ra Tỉnh lộ 513, từ xã Hải Hà đến xã Hải Thượng, Hải Yến (thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nhằm phản đối việc xây dựng bến cảng số 3, thuộc cảng container Long Sơn.

Dựa vào lý do đoàn người biểu tình gây tắc nghẽn giao thông trên Tỉnh lộ 513 kéo dài khoảng một cây số, trong khoảng thời gian từ 8:30 đến 11:45 phút sáng 23 Tháng Mười, vào buổi chiều cùng ngày, Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã “mau mắn” khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn!

Quyết định khởi tố của Công an thị xã Nghi Sơn đã được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

Cuộc biểu tình của dân Hải Hà trên Tỉnh lộ 513 kéo dài từ sáng đến trưa để bảo vệ nguồn sinh sống của họ trên biển đã làm chính quyền tức giận – Ảnh: Giáo Dục Thời Đại

Theo Tuổi TrẻVietnamPlus ngày 24 Tháng Mười, dự án cảng Long Sơn do công ty Long Sơn đầu tư, là công trình hạ tầng biển của Nghi Sơn và khu vực Bắc Trung Bộ, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận hồi Tháng Bảy 2016 và ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 31 Tháng Giêng 2023.

Công ty Long Sơn dự định khởi công bến số 3 với tổng mức đầu tư là 752 tỷ đồng ($30,606,400) trong năm 2023, thực hiện trên tổng diện tích mặt nước khoảng 15ha, với chiều dài bến cảng 250m, hoàn thành vào Tháng Mười 2025.

Trước khi thi công dự án này, chính quyền của thị xã đã họp bàn với dân, thậm chí xuống từng nhà dân có tàu thuyền đánh bắt hải sản ở khu vực xây dựng cảng Long Sơn để thuyết phục họ đồng tình, với lập luận:

Khi hình thành bến số 3 sẽ tạo thành đê chắn sóng, chắn gió cho dân thị xã, đồng thời tạo thành vùng nước, diện tích khoảng 10ha, phục vụ ngư dân neo đậu tàu thuyền bảo đảm an toàn; góp phần tăng nguồn thu cho Thanh Hóa, tạo nhiều việc làm cho người lao động ở xã Hải Hà, cùng nhân lực trong, ngoài tỉnh.

Cán bộ tới nhà người dân xã Hải Hà để vận động chấp thuận dự án xây dựng cảng Long Sơn – Ảnh cắt từ video của Truyền hình Thanh Hóa

Thế nhưng, liên tục trong các ngày từ 18 đến 23 Tháng Mười, một số người dân thuộc xã Hải Hà vẫn tụ tập tại khu vực xây dựng bến số 3, cảng container Long Sơn và trụ sở UBND xã Hải Hà để phản đối.

Theo phản ảnh của người dân xã Hải Hà, từ khi địa phương phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thì dân địa phương đã không còn đất để làm ruộng và làm nghề muối truyền thống. Bây giờ, dự án cảng Long Sơn lại chiếm hết phần bờ biển để ngư dân trong xã neo đậu tàu thuyền, như vậy sẽ làm biến mất luôn nghề đánh cá của họ.

Họ chỉ mong muốn chính quyền, chủ đầu tư để lại khu neo đậu tàu thuyền tại bờ biển như cũ vì hiện nay người dân địa phương không còn ngành nghề gì khác!

Đại Đoàn Kết dẫn ý kiến của bà Hoàng Thị Thúy (thôn Hà Nam, xã Hải Hà) cho biết: Gia đình bà có sáu người sống bằng nghề khai thác hải sản. Từ đời cha ông, bà cũng như người dân ở đây đã gắn bó đời mình với biển. Mong muốn của người dân hiện nay là được giữ lại nơi neo đậu tàu thuyền và vùng ven bờ để khai thác, làm kế mưu sinh.

Bà Thúy thẳng thắn: “Chính quyền địa phương, chủ đầu tư cần để lại khu neo đậu tàu thuyền vì hiện nay người dân không còn ngành nghề gì khác.

Còn nếu triển khai dự án thì phải hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp, bố trí nơi ở tái định cư phù hợp để người dân tiếp tục nghề truyền thống của cha ông để lại. Bởi ngư dân chúng tôi lớn lên từ biển lại không có trình độ chuyên môn, rất khó để hòa nhập với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp”.

VietnamPlus dẫn ý kiến của ông Nguyễn Văn Thiêm (thôn Hà Thành, xã Hải Hà) cho biết người dân đồng thuận triển khai dự án, nhưng chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải bảo đảm được các quyền lợi chính đáng của cộng đồng.

Nếu không còn bờ biển thì người dân sẽ việc mất việc làm, ảnh hưởng đến cuộc sống. Nếu di dời, người dân cũng mong muốn nơi ở mới thuận tiện để tiếp tục gắn bó với biển, ngư trường sinh sống bao năm nay…

Đây rõ ràng là mong muốn chính đáng của dân xã Hải Hà.

Người dân Nghi Sơn đã mất ruộng và mất nghề làm muối sau khi tỉnh xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, họ không muốn mất luôn ngư trường đánh cá – Ảnh: VietnamPlus

Cũng theo VietnamPlus, xã Hải Hà có 132 gia đình, trong đó 101 gia đình đã đồng thuận với việc khởi công xây dựng bến số 3 thuộc dự án cảng container Long Sơn; có bốn gia đình đề nghị được hỗ trợ ngư cụ và 27 gia đình phản đối.

Bờ biển thuộc xã Hải Hà hiện có 415 tàu thuyền khai thác hải sản thuộc 410 gia đình, bao gồm 1,042 lao động. Cơ cấu nghề khai thác ở địa phương tùy thuộc vào mùa vụ, thời điểm với các nghề chính: Lưới kéo tôm, lưới kéo moi, lưới rê, câu tay, vớt sứa.

Ngư trường chủ yếu của những ngư dân này kéo dài từ bờ biển Thanh Hóa đến Nghệ An. Một số ít tàu thuyền hoạt động tại ngư trường Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Trọng Hậu, Bí thư đảng ủy xã Hải Hà, lại cho rằng việc xây dựng bến số 3 cảng Long Sơn chỉ ảnh hưởng đến chín gia đình làm nghề lưới rùng (đánh cá bằng lưới gần bờ, lưới giăng một vùng bờ biển) ở ven bờ biển xã Hải Hà, vì họ sẽ không còn ngư trường khai thác. Số gia đình còn lại của xã “không bị ảnh hưởng” hoặc “ít bị ảnh hưởng” (?)

Bất chấp mong muốn của người dân, Thanh Hóa quyết tâm để doanh nghiệp đầu tư cảng Long Sơn nên đang tập trung xây dựng các khu tái định cư tại phường Hải Bình và Xuân Lâm… để đưa dân xã Hải Hà đến nơi này định cư vào năm 2024!

Ở Việt Nam, khi chính quyền đã đứng về phía doanh nghiệp thì dân chỉ có trắng tay – Ảnh cắt từ video Truyền hình Thanh Hóa

VietnamPlus hồi cuối Tháng Mười Một 2017 đã phản ảnh nhiều người dân và học sinh thuộc xã Hải Hà đã tụ tập tại khu vực đang triển khai dự án xây dựng cảng Long Sơn yêu cầu ngừng thi công dự án, đồng thời ngăn cản các xe tải chở vật liệu vào bãi biển. Trước sự phản đối của người dân, dự án xây dựng cảng container Long Sơn đã phải tạm dừng triển khai.

Xây dựng cảng Long Sơn là dự án nằm trong cụm cảng Khu kinh tế Nghi Sơn, đã được chính phủ phê duyệt và UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận.

Dự án được đầu tư với sáu bến, với diện tích 109.7ha và khu phát triển logistics với diện tích khoảng 33.3ha. Theo mục tiêu đề ra, cảng container này có vai trò bốc xếp hàng tổng hợp và các dịch vụ logistics nhằm tiếp nhận hàng hóa từ quốc tế đến Việt Nam và ngược lại; vận chuyển nội địa cũng như vận chuyển hàng hóa tổng hợp khác.

Khi đi vào hoạt động, dự định cảng container Long Sơn có năng lực bốc xếp từ 1 triệu – 1.2 triệu tấn hàng/năm, đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngân sách nhà nước (?) – xem ra tất cả cũng chỉ là dự tính, vì đâu phải cứ có cảng là có tàu cập bến đổ hàng?

Tuy nhiên, việc xây dựng cảng Long Sơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến 132 gia đình đang sống ven biển vì bị “thu hồi đất đai”, chưa kể ngư dân xã Hải Hà mất ngư trường để đánh cá.

Thừa nhận ý kiến của người dân xã Hải Hà là chính đáng, khi bình luận thông tin Công an thị xã Nghi Sơn khởi tố người dân xã Hải Hà biểu tình phản đối dự án xây dựng bến số 2  cảng Long Sơn là “gây rối trật tự công cộng”, độc giả Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Sao chính quyền không đối thoại để tháo gỡ xung đột mà phải dùng đến công cụ pháp lý?

Nói dân không nghe thì dùng kế sách “công an trị” chứ sao!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: