Đó là bình luận của bạn đọc Dân Trí khi đọc tin học phí lớp 10 trường tư ở Sài Gòn tăng 1,400%.
Niên khóa 2023-2024, Sài Gòn có 91 trường trung học tư có tuyển sinh lớp 10, nhưng học phí của 57 trường tăng (chiếm 62.6%), 6 trường giảm, còn 28 trường giữ nguyên mức cũ từ năm ngoái.
Trong 57 trường tăng học phí, mức tăng trung bình từ 5% (Song ngữ quốc tế Horizon) – 1,400% (Nam Úc). Cụ thể, trường Song ngữ quốc tế Horizon (phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức) từ 26 triệu đồng/tháng của năm ngoái sẽ lên 27.3 triệu đồng/tháng; còn trường Nam Úc (quận Tân Phú) từ 3 triệu đồng/tháng của năm ngoái sẽ lên 45 triệu đồng/tháng!
Bảng kê học phí của 91 trường trung học tư nhân của Dân Trí cho thấy 21 trường (23%) có mức học phí thấp nhất là 1.2 triệu – gần 2 triệu đồng/tháng; 23 trường (25%) có mức học phí cao từ trên 10 triệu – 65 triệu đồng/tháng; còn lại 52% có mức học phí trung bình, từ trên 2 triệu – gần 10 triệu đồng/tháng.
Trong tổng số 57 trường tăng học phí, thì có 28 trường (49%) tăng từ 10% – 1,400%, đa số tăng trên 20% – trên 30%. Cá biệt có trường Phan Bội Châu tăng 131%; trường Hermann Gmeiner tăng 128.14%; trường Hoàng Gia tăng 92%; trường Ngôi Sao tăng 51.67% so với niên khóa 2022-2023.
Mức học phí sau khi đã tăng thấp nhất là trường Sài Gòn-Gia Định 1.2 triệu đồng/tháng và cao nhất là trường Quốc tế Mỹ 65 triệu đồng/tháng!
Trên đây mới chỉ nói đến học phí, học sinh vào lớp 10 trường tư còn phải đóng nhiều khoản phí khác như tiền nội trú, bán trú… thấp nhất từ 1 triệu – 10 triệu đồng/tháng.
Tại sao học phí trường trung học phổ thông ngoài công lập tăng lại làm phụ huynh choáng váng? Vì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (hết lớp 9) của Sài Gòn đông hơn số học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập.
Nghĩa là sau kỳ thi vào lớp 10 hàng năm, sẽ có không ít học sinh muốn học tiếp ba năm cuối trung học để có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (hay tú tài) phải ngậm ngùi chọn trường tư vì không tìm được chỗ trong trường công.
Dân Trí ngày 12 Tháng Năm 2023 cho biết, năm nay, Sài Gòn có khoảng 110,000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của thành phố niên khóa 2023-2024 gần 77,300, như vậy khoảng 32,700 học sinh sẽ không tìm được chỗ trong lớp 10 trường công, phải học tiếp trường tư hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường dạy nghề.
Cũng trong bài báo ngày 12 Tháng Năm, Dân Trí công bố niên khóa 2023-2024, 91 trường trung học phổ thông tư nhân sẽ tuyển sinh 30,394 học sinh… có vẻ như gần khớp với số 32,700 học sinh không tìm được chỗ trong lớp 10 trường công.
Thế nhưng, chắc chắn 32,700 học sinh không vào được lớp 10 trường công lập sẽ có nhiều em không đủ năng lực tài chánh để theo học tiếp lớp 10 trường tư, vì học phí cao ngất thế kia, có khi gấp nhiều lần thu nhập của phụ huynh các em.
Dưới bài báo “Choáng với mức học phí…”, bạn đọc Dân Trí ngậm ngùi: “MADE in Bộ Giáo Dục”(Nguyễn Thế Sơn); “Nghĩ đến giáo dục giờ chẳng nghĩ đến tương lai của các con sẽ về đâu!” (Doxuantuan); “Bằng lương một năm của người lao động” (Chắc Tay Thât); “Lương công chức, viên chức, công nhân từ 5 đến 10 triệu và không quá 20 triệu/tháng. Mức học cao ngất ngưỡng chỉ dành cho con em triệu phú, tỷ phú học thôi” (Vui Nguyen); “Lương chưa tăng, các ông các bà đã lên kế hoạch tăng…. Lương tăng 20%, các ông các bà tăng 1400%… Không thể tin được…” (Mai Long Đào).
Cuối cùng, bạn đọc thành phạm minh cay đắng: “Môi trường giáo dục nên được quan tâm, đầu tư và hỗ trợ để các em có điều kiện học đầy đủ ít nhất là hết 12 năm phổ thông. Đằng này lại kinh doanh vì lợi nhuận và có những cái còn siêu lợi nhuận nữa. Đạo đức thì đi xuống, mà học phí thì đi lên!”.
Tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam giờ còn khó tìm ra việc làm, huống chi chỉ có cái bằng trung học cơ sở “lận lưng”!