Buổi tối đang ngồi đọc sách, nghe tiếng ồn ào cuối xóm… Háo chuyện bèn đến tận nơi. Nguyên nhân cũng chỉ vì hai tờ giấy bạc mệnh giá 200.000 đồng giả mà con gái bà Tám Xôi không nhận ra. Xem như lợi nhuận một ngày của cả gia đình đi toong! Mượn thử hai tờ giấy bạc giả lên xem, quả là không phân biệt nổi… Sau khi ông chồng “nạn nhân” chỉ cho phương pháp mà ông vừa được tiệm vàng Kim Thịnh truyền thụ, hóa ra ngay cả trong ít tiền chợ của bà xã cũng có một tờ “giả như thật”!
TIỀN GIẢ TỪ ĐÂU ĐẾN?
Với cách làm “xén ngọn” hiện nay trong việc chống tiền giả, cũng không phải hoàn toàn không hữu hiệu. Tuy nhiên, hệt như ma túy, không triệt tiêu được từ gốc, thì chẳng khác nào chim Tinh Vệ miệt mài mong lấp biển Đông. Thực vậy, khi tiếp cận với các đường giây chuyển tiền giả vào thị trường Việt Nam mới thấy đổ mồ hôi lạnh! Từ ngọn, tiền giả tiêu thụ bằng cách chẻ nhỏ cho kẻ hám lợi và không làm giả loại giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng.
Ng. Hữu Th. một cao thủ “xài tiền giả” ở miền Tây đã xộ khám cho biết (từ trong trại giam): “Tiền 500 ngàn bị soi dữ lắm, dễ chết! Mệnh giá thấp thì… chẳng bõ công… Bọn in tiền giả chơi loại 200 ngàn là nhiều nhất! Tui đi mua hàng một ngày chừng 100 triệu, chen chừng 10 triệu tiền lụi vô, vốn 3 triệu, lời 7 triệu… Ông tính coi, ngày nào cũng làm thì cho đến ngày bị “rớt” cũng được 6 tháng… Như vua!”. Ông vua ấy bây giờ vác đất cuốc ruộng miệt mài trên cánh đồng thau chua rửa mặn hàng năm. Ấy vậy mà khi nhắc đến việc “tiêu tiền giả”, vẫn cứ luyến tiếc như trẻ con bị giật mất quà!
TỪ TÂY NGUYÊN…
Lần theo đường giây mua tiền giả, ôi thôi thôi… Buôn Mê Thuột là nơi tập kết của những bao tiền “lụi” mới lạ. Hỏi dò, thì ra đường giây tiền giả là sản phẩm ăn theo của đường giây buôn bán xe ăn cắp xuyên Bắc-Nam của một gã “con ông cháu cha” ngụ ở Bình Thuận tổ chức nhiều năm ròng rã trước khi bị triệt phá. Xe lụi (hàng ăn cắp) thì vàng giả và tiền giả xuất hiện trong giao dịch mua bán là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, những tay tổ mua bán xe ăn cắp, kể cả xe hơi, không xài tiền giả. Chẳng phải vì “uy tín giang hồ” gì sất! Vì lượng hàng lớn lưu chuyển, trị giá và chục tỷ đồng, có hơi đâu mà lót tiền cho rối chuyện.
Những tay cò trung gian thì thôi rồi, không chen tiền giả vào, giàu sao nổi, tiền đâu mua trang trại cà phế ở Chư Xế? Bảo Mù, lỡ rồi nêu đích danh cho tiện, là một tay cò xe siêu hạng, xuất thân ở Cống Bà Xếp-Quận 3, lập nghiệp bằng cách “nài” từng chiếc xe của bọn quái xế Tân Bình lên Đắc Lắk bán. Gã bị nện một trận vì đưa tiền giả và vàng giả cho giang hồ chiến hữu lâu năm! Bị oan và quyết tâm làm ra chuyện, Bảo Mù cầm trên tay tờ 50.000 đồng tiền giả đầu tiên và há hốc mồm ra vì… như thật!
Đầu óc của một tay giang hồ bất chấp và cộng thêm thói quen của cò xe ăn cắp, Bảo không làm ra chuyện như đã tự nhủ. Gã đề nghị tham gia vào việc ‘buôn tiền giả”. Bảo nhận ra sau vài tháng “học việc” là mua tiền càng được in tinh vi bao nhiêu, tất nhiên là đắt hơn nhiều, thì nguy cơ “bể” càng ít! Giờ đây Bảo Mù buôn tiền mà chẳng cần bước chân lên Tây Nguyên ngày nào. Gã mua một miếng đất rõ to ở ngoại thành Sài Gòn và tham gia mua bán xe hơi cho “bề thế”. Tất nhiên, khi trực tiếp giao dịch với Bảo Mù, ai cũng có thể an tâm là tiền thật 100%.
Nhưng nếu làm ăn với các “chú em anh Bảo” thì coi chừng phải lên đồn công an trình báo hết sức lôi thôi vì tiêu thụ tiền giả! Những chuyến xe đò Nam Bắc miệt mài chuyên chở những bao hàng lậu Trung Quốc về chợ Buôn Mê Thuột cũng chẳng nề hà gì “chở thêm vài bao hàng kèm” của Bảo Mù và khoảng chục tay buôn tiền giả cò con khác.
RA VIỆT BẮC…
Nếu chỉ ngắt ngang ở Tây Nguyên thì đúng là “cưỡi ngựa xem hoa”. Bèn quá giang một chuyến du Bắc, lên “mạn ngược” xem sao. Sau khi “thăm thú cho rõ sự tình” qua một ông bạn dân tộc Dao, bèn vỡ lẽ. Chỉ một lối duy nhất tiền giả xâm nhập Việt Nam: Lạng Sơn! Trên vai những cửu vạn kìn kìn lội sông, băng núi, luồn hang, cắt rừng… vác hàng lậu cho các chủ hang dưới xuôi, có thêm những bao “nhỏ gọn, vuông vức” nhưng tải nó thì tiền công một ngày tương đương cả tuần ăn thèm vác nặng! A Sừn, có vợ và sáu con, năm nay đã gần 60 tuổi, vẫn cơm đùm cơm nắm đi làm cửu vạn.
Có điều, A Sừn chỉ đi “hàng đặc biệt” cho bà Hoa và bà Tuyết Tàu. Hàng được mua từ chợ cửa khẩu với hàng loạt thủ tục nhiêu khê rắc rối thường chỉ gặp trong phim mafia Mỹ, đóng gói phủ hàng nghi binh rồi giao cho cửu vạn thân tín như A Sừn, chỉ đi loại hàng này. Đường dây khép kín đến độ, nếu muốn thâm nhập, chắc là bỏ xác giữa rừng khuya! Và tất nhiên, loại tiền giả “như thật” này, được in bởi những “lão bản” Vân Nam-Quảng Châu có chút giây mơ rễ má với bang Triều Châu với 18.000 thành viên, đã từng hô mưa gọi gió ở Hong Kong trước 1999.
Vì vậy, giao dịch đôi khi chỉ dựa trên một tờ giấy xé từ vở học trò và nguệch ngoạc vài ký hiệu có trời mới hiểu. Đương nhiên, việc ngăn chặn trở nên khó bội phần vì những giao dịch này, mỗi năm chỉ diễn ra vài tháng và trong vài tháng ấy chỉ rộ lên… vài ngày! Và càng đặc biệt hơn, khi nhận ra bọn đầu gấu bảo vệ đường giây buôn tiền giả bên kia biên giới, mới thấy tuyền là dân Hải Phòng-Quảng Ninh.
Làm và tiêu thụ tiền giả gần như chưa bao giờ biến mất ở Việt Nam. Mới đây, Tháng Tư 2022, công an Bến Tre đã phá được đường dây sản xuất, tiêu thụ, tàng trữ tiền giả rất lớn. Không chỉ tiền Việt Nam, trong số tang vật, có cả tiền Mỹ, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan… Tờ VNExpress cho biết, tổng số tiền Việt Nam làm giả được thu giữ là hơn 1 tỉ đồng. Trước đó chỉ vài tháng, cuối Tháng Một 2022, công an TP.HCM cũng bắt được một nhóm sản xuất-lưu hành tiền giả. Từ Tháng Mười 2021, tên Hồ Văn Hoàng Giang trong nhóm này thậm chí lên mạng xã hội rao bán tiền giả với tỷ lệ 4 triệu tiền thật mua được 10 triệu tiền giả…
PHÂN BIỆT TIỀN GIẢ-TIỀN THẬT…
Hiện nay một trong những nỗi khổ cho người tiêu dùng lẫn các nhà kinh doanh sản xuất là lượng tiền giả trôi nổi trên thị trường. Trước đây, với số lượng ít và cách in ấn không mấy tinh vi lại tập trung vào những loại tiền mệnh giá lớn, tiền giả rất dễ bị phát hiện. Giờ đây tiền giả chui vào Việt Nam theo con đường cửa khẩu Việt Bắc với số lượng nhiều và dồi dào về chủng loại. Giá cả của tiền giả theo đúng quan niệm của ông bà ta: Tiền Nào Của Nấy.
Và tất nhiên, việc phân biệt loại tiền giả này là khó khăn vô kể. Hiện nay tiền giả cao cấp nhất có giá 30 triệu đồng thật cho 100 triệu tiền giả. Và muốn mua bán loại này, phải là… mối quen! Khi vào đến tay người tiêu thụ thì đôi khi lên đến 40-45% giá trị! Thật ra, nếu sử dụng máy phân biệt tiền giả tiền thật thì quả là đơn giản với những đơn vị kinh doanh tầm cỡ. Nhưng nếu bảo các tiểu thương buôn bán với lợi tức chưa đến 100.000 đồng một ngày cũng sử dụng phương pháp này thì… có là đánh đố! Ngay cả một đèn chiếu tia cực tím, nếu có điều kiện trang bị, thì phân biệt làm sao khi tất bật mua bán?
Tiền thật có hai đặc điểm mà dù tiền giả in ấn bởi tập đoàn mafia quốc tế nào cũng không có khả năng bắt chước là: Mực được in dưới áp suất cực lớn nên độ nổi cộm của những hạt mực li ti rất dễ nhận ra bằng cách dùng ngón tay vuốt nhẹ. Những người khiếm thị không bao giờ bị gạt bởi tiền giả là nhờ điều này. Ðiều đặc biệt thứ hai nằm ở ngay chất liệu giấy của tiền thật. Ðể lưu thông trong một thời gian dài mà không bị hư hỏng, giấy in tiền được pha sợi bông vải để tạo thêm độ dai nên khi đưa lên mắt nhìn sẽ nhận ra những sớ khác màu với bột giấy. Và dĩ nhiên nếu dùng cách vuốt nhẹ bằng đầu ngón tay, sẽ có cảm giác nhám và những sớ nổi của tiền thật tuy không thể bong ra nhưng vẫn có thể cảm nhận rõ rệt.
Thường thì ở chợ, tiểu thương truyền nhau kinh nghiệm phân biệt theo cảm tính và đương nhiên độ chính xác không thể có. Ví dụ như phân biệt bằng màu sắc đậm nhạt… Khi tiền lưu thông qua chợ mua bán hóa chất Kim Biên thì có trời mới biết màu sắc ban đầu sẽ trở nên màu gì? Và ở những môi trường khác có sử dụng hóa chất như nhà máy chế biến cao su chẳng hạn, tiền có mệnh giá 10.000 đồng sẽ bị lưu huỳnh hóa và có màu trở nên vàng vọt hoặc vàng cam.