Doanh thu du lịch lao dốc dịp lễ 2 Tháng Chín

Nha Trang (Khánh Hòa) có lượng du khách đến đông hơn năm ngoái nhưng vẫn thấp so với dịp nghỉ lễ hồi giữa năm – Ảnh: VietnamNet

Trong bốn ngày nghỉ lễ 2 Tháng Chín 2023, ngành du lịch Việt Nam chỉ phục vụ khoảng 2.5 triệu lượt khách, giảm gần 17% so cùng kỳ 2022.

Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 55%, giảm 5% so với kỳ nghỉ lễ năm 2022, riêng hai ngày 1 – 2 Tháng Chín, công suất đạt trên 60%. Hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn dẫn đầu về lượng khách trong bốn ngày nghỉ lễ.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong bốn ngày nghỉ lễ 2 Tháng Chín, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 640,000 lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt khoảng 41,700 lượt, khách du lịch nội địa khoảng gần 600,000 lượt.

Sài Gòn đón 960,000 lượt (tăng 4.3% so với cùng kỳ năm 2022), công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 80%. Một số địa phương khác như Lào Cai, Đà Nẵng, Khánh Hoà… cũng ghi nhận lượng khách tăng nhẹ.

Trong đó, Khánh Hòa đón 503,154 lượt khách, tăng 41% so với cùng kỳ, công suất trung bình của cơ sở lưu trú đạt gần 69%; Đà Nẵng đón 254,000 lượt khách, chỉ tăng 6.3% so với cùng kỳ, công suất phòng chỉ đạt 50- 65%.

Tuy vậy, hầu hết các điểm du lịch kể trên đều ghi nhận lượng khách và doanh thu giảm đáng kể so với dịp nghỉ lễ 30 Tháng Tư và 1 Tháng Năm.

Đà Nẵng là thành phố đứng đầu danh sách điểm đến được du khách Việt tìm kiếm nhiều nhất dịp nghỉ lễ 2 Tháng Chín do website Booking.com công bố nhưng số du khách đến chơi dịp lễ lại thua Khánh Hòa, Hà Nội và Sài Gòn – Ảnh: Tiền Phong

Theo Tiền Phong ngày 6 Tháng Chín 2023, một số địa phương thường được ví như thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam cũng rơi vào tình trạng đìu hiu trong những ngày lễ, chẳng hạn như Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng) không còn thu hút khách như trước.

Trong bốn ngày nghỉ, tổng lượt khách đến Kiên Giang đạt 126,690 lượt, giảm 32.9% so với cùng kỳ. Riêng Phú Quốc đón 62,544 lượt khách, giảm 26.5% so với cùng kỳ.

Đà Lạt đón khoảng 90,000 lượt khách, chỉ đạt khoảng 50% công suất phòng của toàn thành phố.

Bà Nguyễn Hồng Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cho Tiền Phong biết lý do gia đình bà chỉ ở nhà, không đi chơi đâu năm nay vì e ngại sự đông đúc, dịch vụ tại các điểm đến không chu đáo, rước thêm bực mình.

Nhiều người cũng mang tâm lý e dè, sợ hãi như gia đình bà Thanh, nhưng mặt khác họ cho rằng du lịch trong nước đắt, từ vận chuyển (giá vé bay, giá thuê xe) đến lưu trú và ăn uống! Vì thế, xu hướng các gia đình trẻ chọn du lịch ở địa điểm gần (ngoại ô tỉnh/thành phố) và có thể đi về trong ngày.

Du khách trẻ thích mua combo “vé bay – khách sạn – vé vào khu vui chơi” hơn là mua tour của các công ty – Ảnh: Tiền Phong

Trong báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lãnh đạo Cục cũng chỉ ra nguyên nhân tổng thu du lịch giảm do du khách thắt chặt chi tiêu, đặc biệt cắt giảm chi phí vận chuyển.

Khảo sát trước kỳ nghỉ lễ, Tiền Phong ghi nhận chặng bay Hà Nội – Phú Quốc còn nhiều vé. Vé khứ hồi Vietnam Airlines có giá 4 triệu đồng, Bamboo Airways từ 2.8-3.5 triệu đồng… So với cách nay một tháng, giá vé chặng bay này giảm nhẹ. Chặng bay Sài Gòn – Đà Nẵng càng sát ngày nghỉ lễ càng rẻ đã cho thấy sức mua của khách không cao.

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty Lữ hành Vietluxtour, hiện du khách nội địa không thích loại hình tour trọn gói mà có nhu cầu mua tour thiết kế theo nhu cầu, tour du lịch tự chọn (free & easy).

Cùng nhận định, ông Bùi Thanh Tú, giám đốc marketing công ty Du lịch BestPrice, cho biết số lượng du khách chọn mua tour trọn gói ít, đa phần đều chỉ mua combo “vé bay – khách sạn – vé vào cửa các khu vui chơi”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: