Giữa năm 2016, dự án dự án chống ngập 10,000 tỷ (hơn 400 triệu đô la Mỹ) được khởi công với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Hồi đó, lãnh đạo thành ủy Đinh La Thăng và ông Nguyễn Thành Phong là chủ tịch UBND thành phố.
Dự án được đầu tư theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) do Trung Nam Group là nhà đầu tư, kinh phí do UBND TP.HCM trả (tiền mặt và đổi đất), với tiến độ thực hiện dự kiến ban đầu là 36 tháng từ 6/2016 đến 4/2018.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2018 công trình vẫn chưa hoàn thành, và chủ đầu tư quyết định tạm ngưng thi công vì hết vốn, các ngân hàng không đồng ý tiếp tục giải ngân. Giữa tháng 11/2020 dự án tiếp tục ngưng do UBND thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020).
Dù đã trễ tiến độ hơn 5 năm nhưng đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Không những vậy, kể từ khi được triển khai nhiều người dân sinh sống gần khu vực công trình rơi vào cảnh ngập úng ngày một trầm trọng hơn. Đất đá, vật liệu xây dựng bít cả miệng cống thoát nước. Mỗi khi mưa xuống hay triều cường lên cao, người dân sinh sống tại cống Tân Thuận, Quận 7 chỉ biết kêu trời vì không biết ai sẽ đứng ra giải quyết.
Một bà sống ở đường Trần Xuân Soạn (quận 7), nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dự án cho biết một điều “lạ lắm”. Lạ ở chỗ là hồi trước, khi chưa thực hiện dự án chống ngập thì dù ngoài đường có bị ngập nhưng nhà dân không bị nước tràn vô, nhưng giờ thì khác. Bà nói tiếp:
“Nhưng mà từ hồi cái công trình này làm rồi nghỉ, rồi làm, nay mấy năm rồi nhưng mà làm không tới. Bây giờ nó đổ cát đầy ở đây lấp cống hết rồi, đâu có chảy được đâu. Nước lên thì nước dưới cống trào ngược lên, ngập nhà. Ngập mấy tiếng đồng hồ luôn”.
Đương nhiên là chuyện chậm trễ như thế cũng có một lời “lý giải”, dù ai cũng biết nó chẳng có giá trị gì, vì “họ nói cho có thôi, chứ sự thật nó khác”, một người dân nói thế.
Một trong những người có trách nhiệm về dự án này là ông Nguyễn Ngọc Minh Phú – Trưởng phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật – Sở xây dựng TP.HCM cho biết (tại là vì) còn một số trục trặc về mặt pháp lý, liên quan cả đến UBND TP.HCM và phía nhà thầu, hiện chính quyền Thành phố đang cố gắng hoàn tất các thủ tục để dự án sớm tái khởi động ở tất cả các hạng mục.
Nhiều người nói họ nghe ông Phú “lý giải” xong, họ cũng chẳng hiểu nguyên nhân chậm trễ vì đâu. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM “lý giải” chi tiết hơn một chút. Ông nói, khó khăn lớn nhất hiện nay là gia hạn khoản tín dụng, quy trình vận hành… Cụ thể công trình phải được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn để Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giải ngân.
Có thể hiểu là nhà đầu tư Trung Nam Group hết tiền làm, mượn tiền ngân hàng làm tiếp nhưng chẳng có ngân hàng nào cho cả. Đương nhiên ngân hàng luôn có lý do để từ chối một khoản vay, nếu thấy khả năng thu hồi nợ còn khó hơn “bắt thang lên trời”. Chẳng lẽ Trung Nam Group lại mất uy tín đến thế?
Cái khó của Trung Nam Group là họ nhận dự án theo kiểu (xây dựng – chuyển giao) nên phải tự xoay tiền thôi. Không xoay được tiền thì họ đành ngưng thi công, theo kiểu “chí phèo”: “So-rì mấy anh (lãnh đạo), em đuối quá rồi, giờ mấy anh tác động sao cho tụi ngân hàng cho em mượn tiền để làm tiếp, chứ giờ tụi nó cấm hết các cửa mượn thì em chỉ còn cửa tử”. Đại khái họ “ăn vạ” như thế.
Vụ này UBND TP.HCM không dám quyết. Mà nghĩ cho cùng, ông Chủ tịch Phan Văn Mãi dại gì mà quyết, vì đâu phải chuyện của ông ấy, nên chẳng ngu gì đi “đổ vỏ”. Thế là ông trình bày lên Trung ương. Ông Chính bèn thành lập tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng tới TP.HCM tìm cách khởi động lại dự án cho xong, chứ để như thế thì không chỉ chính quyền TP.HCM muối mặt, mà chính phủ của ông Chính cũng bị vạ lây.
Nghe nói sau khi bàn bạc, chính quyền TP.HCM đưa ra 3 phương án tháo gỡ dự án, trong đó ủy thác ngân sách để nhà đầu tư vay và thi công hoàn thành công trình được cho khả thi nhất.
Theo phương án này, UBND TP.HCM sẽ cấp cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố (HFIC) 1.800 tỷ đồng, rồi quỹ này cho Trung Nam Group, để tiếp tục thực hiện (theo lời họ) 10% khối lượng công việc còn lại của dự án.
Khi xong công trình, UBND TP.HCM sẽ thanh toán khối lượng công việc cho Trung Nam Group, công ty này hoàn trả lại cho HFIC 1.800 tỷ tiền mượn, rồi quỹ này trả lại cho UBND TP.HCM.
Tiền phải đi lòng vòng như thế vì theo quy định, chính quyền thành phố chỉ trả tiền cho nhà đầu tư khi mọi việc đã được nghiệm thu và quyết toán, không có chuyện tạm ứng trước.
Theo nhiều chuyên gia xây dựng, tài chính thì đây là phương án khả thi nhất trong 3 phương án đã được UBND TP.HCM bàn tới bàn lui với ông Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, và có lẽ sẽ được thực hiện.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri chiều ngày 10 Tháng Mười, ông chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết nếu có chủ đầu tư được cấp 1.800 tỷ đồng, họ chỉ cần 1,5 tháng để chuẩn bị và 6 tháng để hoàn thành toàn bộ dự án, thế nên đồng bào đừng lo.
Thế nhưng, một luật sư (chẳng dám nêu tên) nói rằng: “Nếu một đơn vị khác phá vỡ quy định ‘xây dựng – chuyển giao’ cung cấp vốn cho chủ đầu tư như phương án này thì có lẽ mau chóng vào khám ngồi rồi. Chỉ có ‘ông ủy ban thành phố’ mới dám ‘chơi lớn’ như thế này thôi”.