Sạt lở bờ kè kênh Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh, Sài Gòn) tiếp tục lan rộng, ngày 14 Tháng Bảy 2023, nhà cầm quyền TP.HCM vừa ký văn bản khẩn cấp di tản dân.
Nội dung văn bản được Lao Động cho biết: lãnh đạo TP.HCM giao Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Sở Nông nghiệp thành phố) chủ trì, phối hợp các cơ quan có biện pháp xử lý thích hợp; giao Ủy ban quận Bình Thạnh, Ủy ban phường 25 thực hiện di tản người dân và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở;
Thực hiện rào chắn, cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại trong khu vực có nguy cơ; giao Sở Giao thông vận tải lựa chọn đơn vị có chức năng để thực hiện khảo sát, quan trắc, đánh giá nguyên nhân sạt lở và khả năng chịu lực công trình để đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở trong vòng 10 ngày.
Trước đó, ngày 22 Tháng Sáu 2023, báo cáo của Sở Giao thông vận tải ghi trên hành lang mặt kè bờ phải kênh Thanh Đa, cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m, thượng lưu 120m xuất hiện một số vị trí gạch bị bong tróc và sụt lún nhỏ.
Từ ngày 24 đến 26 Tháng Sáu, khu vực này xảy ra sụt lún, công trình kè và khu vực tiếp giáp kè bị dịch chuyển vị trí, đỉnh kè chuyển vị ra phía kênh theo phương ngang (vị trí xa nhất) khoảng 1.5m so với tim tuyến kè thiết kế ban đầu. Đồng thời, mặt đất bị lún theo phương đứng (vị trí sâu nhất) là khoảng 0.8m so với cao độ đỉnh kè thiết kế. Toàn phạm vi kè hứng chịu chuyển vị dài khoảng 120m, rộng 10m.
Sau đó, từ ngày 27 Tháng Sáu đến 8 Tháng Bảy, Trung tâm Quản lý đường thủy ghi nhận hiện tượng sụt lún, chuyển vị tiếp tục nhiều hơn ở khu vực này: chuyển vị theo phương ngang khoảng 1.89m (tăng thêm 0.15m so với hơn một tuần trước); chuyển vị theo phương đứng khoảng 1.26 m so với cao độ hành lang mặt kè thiết kế (tăng thêm 0.46 m).
Hiện phạm vi ảnh hưởng lún sụt lên đến 200m kè đá hiện hữu, xuất hiện vết nứt 10-15 cm cách đỉnh kè khoảng 10m, chiều dài khoảng 120m.
Sự sụt lún đã khiến nhà cửa của 15 gia đình sống ven kênh bị nứt tường, lún và nghiêng ra phía kênh, có thể đổ nhào xuống sông bất cứ lúc nào. Hiện toàn bộ 15 gia đình đã lần lượt di tản đi nơi khác để bảo đảm an toàn. Lao Động không thông tin thêm là họ có được nhà cầm quyền trợ giúp tiền bạc hay tìm chỗ tạm trú cho họ không.
Tình trạng sạt lở bờ kè kênh Thanh Đa đã được báo trước từ lâu chứ không phải sự kiện bất ngờ mới xảy ra.
Trong bài báo ngày 27 Tháng Sáu 2023 đề cập đến tình trạng sạt lở bờ kè kênh Thanh Đa, Lao Động có dẫn lời đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết về nguyên nhân gây sạt lở: đang mùa mưa bão nên hiện tượng mưa lớn và triều cường xảy ra thường xuyên gây bão hòa nước khu vực bên trong đỉnh kè, tạo áp lực nước lớn khi triều cạn, gây nguy cơ sạt lở; ngoài ra, nhà dân xây dựng cách đỉnh kè chỉ 3.5 m, làm gia tăng tải trọng ngang, gây nguy cơ sạt lở.
Tuy nhiên, bán đảo Thanh Đa (hay cù lao Thanh Đa) từ lâu đã được biết là vùng trũng của Sài Gòn, nền đất yếu do được bao bọc bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa, nên ngay từ năm 2003, TP.HCM đã có dự án chống sạt lở tại vùng đất này, được cho là một trong những dự án trọng điểm nhằm chống sạt lở trên tuyến sông Sài Gòn.
Đến năm 2006, Ủy ban TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, chia thành bốn giai đoạn chính, thế nhưng đến nay chỉ có dự án chống sạt lở đoạn 1 kênh Thanh Đa đã hoàn thành. Riêng đoạn 2, 3, 4 với nhiều gói thầu lớn vẫn thi công dang dở, chính vì thế càng làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
Cụ thể, ở đoạn 2 (ngã ba sông Sài Gòn và thượng lưu kênh Tham Lương đến xưởng cơ khí Tiền Phong), công trình có chiều dài tuyến kè gần 2.8km, tổng vốn khoảng 320 tỷ đồng. Công trình khởi công hồi Tháng Tám 2014, sau một năm thi công đã hoàn thành 95% phần thảm đá dưới nước rồi ngưng đến nay do vướng mặt bằng.
Gói thầu xây lắp thân kè và đỉnh kè khởi công Tháng Sáu 2018 mới đạt 26%, cũng ngưng do vướng mặt bằng. Hiện đoạn này chỉ mới bàn giao 900m/2.8km mặt bằng!
Đoạn ba (xưởng cơ khí Tiền Phong đến ngã ba Rạch Chùa) dài hơn 4km, tổng mức đầu tư hơn 643 tỷ đồng mới hoàn thành gần 800m bờ kè và thi công cầm chừng. Còn đoạn bốn (từ Rạch Chùa đến ngã ba sông Sài Gòn – hạ lưu kênh Thanh Đa) dài 2.7km, tổng vốn hơn 380 tỷ đồng cũng ngưng trệ và chưa hoàn thành.
Cả ba công trình chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa 2-3-4 với tổng trị giá 1,784 tỷ đồng ($75,409,680, hơn $75 triệu) giờ sắp sửa tiêu tan dưới lòng sông Sài Gòn! Nếu làm xong đúng tiến độ thì đâu xảy ra thảm cảnh hôm nay?
Thà rằng ngân sách nghèo thì đành chịu, đằng này có tiền đầu tư chống sạt lở như Thành Hồ mà vẫn không biết làm, để giờ phải di tản dân và tốn một đống tiền nữa gia cố bờ kè!