Giá thuê mặt bằng ở các nước đều giảm, trừ Việt Nam 

Shipper chờ lấy cà phê mang đi hồi tháng 9.2021 tại một quán cà phê Starbucks tại quận Phú Nhuận_Ảnh An Vui

Đó là nhận định của bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, được Tuổi Trẻ dẫn lời hôm 4 Tháng Giêng. 

Bà cho biết chuỗi quán cà phê Starbucks ở Singapore được giảm 20%, các nước Thái Lan, Lào, Campuchia… cũng giảm ít nhất 10%, còn Việt Nam thì không. 

Khó khăn hiện tại mà Starbucks phải đối mặt sau đại dịch chính là giá thuê mặt bằng ở Việt Nam không hề giảm, nếu có giảm thì cũng không đáng kể, chỉ được 3%. Bà Patricia so sánh: Ở Thái Lan, chủ bất động sản khi xây dựng trung tâm thương mại thường hoạch định từ trước là cần thương hiệu nào và chủ động hợp tác, ưu ái khách thuê, còn Việt Nam chưa có mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê nên muốn có vị trí đẹp phải trả giá rất cao.

Để giảm áp lực phí thuê mặt bằng ở khu trung tâm, Starbucks Việt Nam bắt đầu mở nhiều quán ở nhiều quận và chỉ thuê diện tích nhỏ, bắt kịp xu hướng người Việt hiện thích uống cà phê gần nhà hoặc sử dụng dịch vụ mang đi, thay vì phải ra trung tâm quận 1 như trước. 

Giá thuê mặt bằng ở Việt Nam sau dịch vẫn đắt_Ảnh Tuổi Trẻ

Sau 10 năm vào Việt Nam, tính hết năm 2022, Starbucks đã có 87 quán cà phê tại Việt Nam, bao gồm 50 điểm ở Sài Gòn, 25 điểm ở Hà Nội, tiếp theo là Hải Phòng, Hưng Yên, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An. Điều đặc biệt chỉ có ở Việt Nam là trong và sau đại dịch, nhiều khách hàng sẵn sàng… chuyển khoản tiền để mua cà phê, đóng góp vào việc tăng tỷ lệ thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt của chuỗi Starbucks trong năm 2022. Nhận định về điều này, bà Patricia Marques cho biết sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là dấu ấn lớn nhất sau dịch. Ngoài thẻ ngân hàng, thẻ thành viên của hãng, khách hàng còn dùng mã QR để thanh toán qua ví điện tử.

Dự định của Starbucks Việt Nam là hướng đến 100 cửa hàng trong năm 2023. Hiện tại chuỗi này có trên 800 nhân sự và hơn 200 “coffee master” (chuyên viên pha chế cà phê theo tiêu chuẩn đào tạo nội bộ). So với các chuỗi đồ uống khác, số cửa hàng của Starbucks chỉ ở mức trung bình, đứng sau các chuỗi nội địa như Highlands, The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên Legend. Tuy nhiên, đây là quán mang thương hiệu nước ngoài hiếm hoi, cùng với Café Amazon (Thái Lan) còn trụ lại được trong thị trường có hằng hà sa số các quán cà phê hẻm, cà phê lề đường, cà phê di động trên xe bán rong…. 

Số lượng các chuỗi cà phê nổi tiếng ở Việt Nam_Đồ họa Vnexpress

Báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khu vực châu Á của Kantar World Panel cho biết ngành đồ uống Việt Nam sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đã phục hồi, với tốc độ tăng trưởng trung bình 5.2%, chỉ kém tốc độ tăng trưởng trung bình của châu Á 0.4% trong Quý III/2022. 

Allegra World Coffee Portal – nền tảng thông tin chuyên ngành về ngành cà phê của Anh – dự báo các chuỗi cà phê Việt Nam sẽ có tổng cộng khoảng 5,200 cửa hàng vào năm 2025. Nhìn chung, thị trường này về dài hạn vẫn được cho là có tiềm năng, nhưng sự cạnh tranh cũng khốc liệt không kém.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: