Ngày 19 Tháng Năm 2023, tại chùa Từ Hiếu, vào lúc 10 giờ, phái đoàn Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa kỳ (United States Commission on International Religious Freedom/USCIRF), gồm có ông Frederik A. Davie, Trưởng đoàn; ông Erick Ueland, Ủy viên; ông Patrick Green Walt, chuyên viên phân tích; ông Rustrum Nyquyst, viên chức chính trị Tổng Lãnh sự; cô Thùy Linh, trợ lý chính trị Tòa Lãnh sự.
Đón tiếp phái đoàn gồm có: Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Nguyên Lý, Hòa Thượng Thích Thiện Minh. Vắng mặt Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống.
Sau nghi thức chào hỏi thông lệ, Phái đoàn Hoa kỳ mở đầu:
Cảm ơn các sư thầy đã chia sẻ những thông tin trên, và một lần nữa tôi cũng gửi lời chúc sức khoẻ và hi vọng Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ sớm bình phục. Đầu tiên, câu hỏi của tôi liên quan đến vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo hay là đăng ký tổ chức tôn giáo, thì không biết các sư thầy có thể chia sẻ một số quan điểm góc nhìn của mình về việc đăng ký với chính quyền và pháp lý theo luật tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam. Việc không đăng ký và đăng ký có ảnh hưởng đến hoạt động hay quá trình sinh hoạt tôn giáo không?
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Giáo hội chúng tôi có từ trước năm 1975. Sau 1975, Giáo hội chúng tôi bị nạn, chính quyền không thừa nhận. Chúng tôi xin xác nhận lập trường của GHPGVNTN của chúng tôi là: Chính giáo phân ly (The separation of Church and State), tách biệt tôn giáo và chính quyền. GHPGVNTN không là công cụ của bất cứ chính quyền nào, không tham dự vào những đấu tranh quyền lực chính trị, do đó không được chính quyền thừa nhận như là đại diện cho truyền thống Phật giáo Việt Nam và thông qua các phương tiện từ bộ máy tuyên truyền của Nhà nước, cho đến vận dụng tùy tiện cái gọi là luật pháp và ích lợi Nhà nước để khống chế mọi sinh hoạt.
HỎI: Tại sao phía chính quyền Việt Nam lại coi các tổ chức tôn giáo như mối đe dọa, thay vì hợp tác?
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Điều đó, có lẽ các ngài nên hỏi trực tiếp chính sách của nhà nước Việt Nam thì sẽ rõ ràng hơn.
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Chúng tôi tự biết mình mà thôi, căn bản là chúng tôi không chấp nhận bất cứ một ai lợi dụng Phật giáo để phục vụ cho chế độ; chúng tôi không thiên vị bất cứ chính thể nào, và chúng tôi chủ trương tôn giáo phải tách rời với chính trị theo nghĩa đấu tranh quyền lực để nắm chính quyền.
HỎI: Phía GHPGVNTN có bao giờ tự đăng ký với chính quyền Việt Nam chưa? Và bị từ chối? Hay là chưa bao giờ đăng ký với chính quyền?
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Chúng tôi không thể đăng ký, vì ngay từ đầu lãnh đạo Đảng Cộng sản đã đặt GHPGVNTN trước sự lựa chọn hoặc theo, hoặc chống. Lãnh đạo Phật giáo trả lời: Không theo ai cũng không chống ai, chỉ theo Phật. Thêm vào đó, nếu đăng ký, phải chấp nhận là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
HỎI: Việc không đăng ký có dẫn đến hậu quả, bị vấn đề gì không?
Hòa Thượng Thích Nguyên Lý: Việc không đăng ký thì sẽ không được tự do sinh hoạt. Chùa Từ Hiếu sinh hoạt bình thường, trong khi các chùa dưới danh nghĩa GHPGVNTN thì không ai có thể sinh hoạt tự do.
HỎI: Có lý do nào mà các sư thầy không muốn đăng ký với chính quyền Việt Nam không? Và nếu có sự thay đổi trong chính sách của phía chính quyền Việt Nam, thì có thay đổi nào có thể khiến các sư thầy cân nhắc lại sẽ đăng ký với chính quyền Việt Nam?
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Việc chưa đến thì chúng tôi không dám đặt vấn đề, nhưng riêng quan điểm chúng tôi là không đăng ký là không chấp nhận mình làm công cụ của chính quyền, do đó chúng tôi không đăng ký, chúng tôi muốn sự sinh hoạt Phật giáo được tự do, hoàn toàn độc lập.
Hòa Thượng Thích Thiện Minh: Chủ trương của nhà nước Việt Nam nếu mình đăng ký thì mình phải đồng ý đăng ký và gia nhập dưới sự điều hành của Đảng và Nhà nước, mà gia nhập vào đó thì giống như mình làm chính trị. Vì tổ chức của Nhà nước là tổ chức lợi dụng để hoạt động được chính trị. Tôi đưa một clip ví dụ điển hình cho quý vị thấy về những ni cô vào đó là phải lên sân khấu ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả phải như thế này (HT Thiện Minh cho xem clip hát “Việt Nam Hồ Chí Minh muôn năm”), vào đó phải sinh hoạt theo chỉ thị của cán bộ Đảng và không có được tự do. Đó là sự thật. Các ni cô phải tham gia học bò, trườn, tập bắn súng giống như quân đội.
HỎI: Các sư thầy có nghĩ phía chính quyền Việt Nam sẽ biết chúng tôi đến thăm quý thầy ngày hôm nay không?
Hòa Thượng Thích Thiện Minh: Biết, Công an thành phố đã gọi điện cho biết rằng hôm nay có phái đoàn của Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ gặp và hỏi có đi không?
HỎI: Sau khi chúng tôi rời đi, liệu các sư thầy có gặp khó khăn hay bị làm khó dễ gì từ chính quyền không?
Hòa Thượng Thích Thiện Minh: Vẫn đi lại bình thường, có khi bị ngăn cản, nhưng công an biết hết. Trong những lần trước, gặp ở đây có bảy người bị ngăn cản không cho đến đây, không cho đi, và không cho ra khỏi chùa.
Hòa Thượng Thích Nguyên Lý: Bản thân tôi, tôi là người của GHPGVNTN khi tôi đi cứu trợ, tôi nhân danh GHPGVNTN thì người ta không cho, nhân danh chùa thì cho. Như vậy là, cái từ GHPGVNTN người ta rất là kỵ, bất cứ thầy nào mà tới đây, hầu hết đều được công an chìm xét hỏi lý do.
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Họ rất ngại chữ “Thống Nhất”.
Hòa Thượng Thích Nguyên Lý: Chỉ cần bỏ từ “Thống Nhất” ra là được hết.
HỎI: Bên phía các sư thầy đang quay phim lại toàn bộ cuộc gặp hôm nay, thì sau khi công an đến, quý thầy có ý định gửi cho họ cái video clip đó, hay là cung cấp hình ảnh video clip đó không, hay là giữ lại cho mục đích khác, nhưng đồng thời vẫn cho bên công an tóm tắt đầy đủ về nội dung cuộc họp.
Hòa Thượng Thích Nguyên Lý: Dạ thưa không, như kỳ trước công an có hỏi, thì tôi nói là giữa ngài Tuệ Sỹ và phái đoàn nói tiếng Anh nên tôi không biết, nói gì thì chờ Ôn Ngài về dịch ra mới biết. Những gì quay, tôi không bao giờ đưa cho công an đâu.
Do ngài Tuệ Sỹ không đi được nên chúng tôi quay hình lại để ngài Tuệ Sỹ xem lại, dịch ra và công bố chứ chúng tôi cũng không giấu giếm gì, cũng không đưa lên mạng xã hội.
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Nhưng phải ghi lại những chi tiết cần thiết vì GHPGVNTN chúng tôi không có làm gì mà úp mở hay giấu giếm vì chúng tôi không có chủ trương chống phá ai hết và chủ trương chúng tôi là hoàn toàn độc lập, không làm chính trị. Do đó, buổi tiếp xúc này, chúng tôi sẽ báo cáo lại cho văn phòng Viện Tăng Thống để có thể có thông cáo báo chí vì chúng tôi không nói gì úp mở cả, không có sai trái hay chống phá ai cả, chúng tôi chỉ bảo vệ lý tưởng của Giáo hội chúng tôi thôi. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tranh đấu để đòi cho được tự do, cái đó mới quan trọng.
HỎI: Đó cũng là mục tiêu của chúng tôi, chúng tôi chỉ muốn thúc đẩy tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới.
Và chúng tôi xin chuyển tiếp câu hỏi thứ hai, trong thời gian gần đây, khi nãy thầy Thiện Minh có nói việc thầy bị bắt giữ từ năm 1979 đến 2005, hiện tại có ai khác của GHPGVNTN đang bị bắt giữ hay bị ép buộc phải từ bỏ đạo, từ bỏ GHPGVNTN vì quan điểm tôn giáo của mình lựa chọn không?
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Như chúng tôi đã trình bày, khi thành lập GHPGVN cũng có ép chúng tôi phải gia nhập GHPGVN, nhưng chúng tôi giữ lý tưởng của GHPGVNTN. Do đó quan điểm về tôn giáo có vấn đề trái ý nhau vì vậy sinh hoạt của GHPGVNTN chúng tôi không được suôn sẻ, muốn được suôn sẻ chúng tôi phải tham gia GHPGVN của Nhà nước dựng nên.
Hòa Thượng Thích Thiện Minh: Lãnh đạo cao cấp nhất Phật giáo nhà nước, của GHPGVN này, thì cũng chưa hẳn họ dám xác nhận sự thật vì quyền lợi và sợ sệt mà có khi họ đổ thừa cho GHPGVNTN này là phản động, phá hoại chứ họ không dám nói sự thật là mình nô lệ trong chế độ.
Các ngôi chùa của GHPGVNTN hoặc tịnh thất bây giờ không bao giờ được quyền để chữ Thống Nhất và những ngôi chùa nào có tình cảm với Phật giáo Thống Nhất mặc dù họ không theo hẳn thì vẫn bị sách nhiễu. Ví dụ như chùa An Cư ở Sơn Trà của Thượng tọa Thiện Phúc, chùa Sơn Linh ở Kom Tum của Thượng tọa Đồng Quang, chùa Thiên Quang ở Xuyên Mộc Vũng Tàu của Thượng toạ Thiên Thuận… chỉ cần có thiện cảm với GHPGVNTN chứ chưa hẳn theo thì cũng đã bị sách nhiễu rồi.
HỎI: Tại sao hai chữ Thống Nhất lại khiến chính quyền Việt Nam phản ứng mạnh mẽ như vậy?
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Dạ thưa, lập trường của chúng tôi là không làm chính trị, không bị ép buộc là thành viên của mặt trận tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Còn GHPGVN là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, họ dựa theo đó để làm công cụ phục vụ cho chế độ. GHPGVN và GHPGVNTN có hai lập trường khác nhau. Lập trường của chúng tôi là không làm chính trị và không làm công cụ cho chính quyền, còn GHPGVN làm công cụ cho chính quyền để được nâng đỡ.
Hòa Thượng Thích Nguyên Lý: Họ sai gì làm đó.
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Đơn giản không phải vì hai chữ Thống Nhất mà vì lập trường chính trị, hai quan điểm khác nhau.
HỎI: Bên cạnh việc sinh hoạt tôn giáo của GHPGVNTN bị gây khó khăn nhiều thì không biết những Phật tử, cư sĩ của GHPGVNTN có bị gây khó khăn gì trong công việc, kinh doanh buôn bán, việc đi học và làm việc không?
Hòa Thượng Thích Thiện Minh: Có, cái đó có, họ làm việc với những gia đình Phật tử kêu đừng đến chùa, đừng tham gia Giáo Hội Thống Nhất, nếu mà tham gia thì khó khăn về quyền lợi, con cái đi học hành, làm công nhân cũng bị khó khăn. Họ canh gác ngôi chùa của mình, nên Phật tử dần dần xa không dám đến, cái đó có, bằng chứng là ngôi chùa của tôi cũng như thế, Phật tử dần dần xa không dám đến, đầu tiên rất là đông, dần dần xa dần, riết rồi còn có một mình mình đọc kinh thôi.
Có khi một phái đoàn sắp đến, họ biết trước đó là phái đoàn nhân quyền, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoặc là các tổ chức quốc tế, thì họ canh gác 5-7 công an, có nam có nữ, canh gác cả ngày cả đêm, dân sợ luôn. Dân đi ngang còn không dám ngó vô chùa thì làm sao họ dám bước vào cổng, đó là thực tế.
HỎI: Những người Phật tử ở dưới đang công quả thì sau khi họ rời khỏi chùa, họ có bị chính quyền gây khó dễ không?
Hòa Thượng Thích Nguyên Lý: Tại chùa Từ Hiếu, một tháng có hai ngày mồng 1 và 15 Âm lịch sẽ tổ chức tu bát quan trai từ 7h30 – 17h, trưa ăn cơm ở đây, Phật tử sẽ tham gia tu tập, tụng kinh nên cũng không gây khó dễ gì hết.
Hòa Thượng Thích Minh Tâm: Về vấn đề này, vấn đề sinh hoạt, thì đường lối của chính quyền họ không thống nhất đâu, có chỗ này dễ, chỗ kia khó, tùy theo đối tượng và do Phật tử nữa. Nơi nào Phật tử mà nhát gan thì họ sợ xưng chữ Thống Nhất, nơi nào Phật tử họ vững vàng thì đôi lúc cũng chẳng có vấn đề gì. Tức do hai đối tượng, về phía Nhà nước tuỳ theo địa phương để họ xử sự, về phía Phật tử và các thầy, các cô cũng tuỳ theo quan điểm để mà đối đáp nên không thống nhất, có nơi khó, có nơi dễ.
Buổi hội kiến kết thúc lúc 11g ngày 19 Tháng Năm 2023. Sau đó, phái đoàn cùng chư tôn đức chụp hình và trà nước thân mật rồi từ giã.
Phật lịch 2566, Tổ đường Từ hiếu, ngày 21 Tháng Năm 2023.
Trưởng phòng Hành sự
(ấn ký)
Hòa Thượng Thích Nguyên Lý