Bộ Giáo dục CSVN đang không biết quay mặt vào đâu để tránh tất cả những lời chỉ trích nặng nề nhất về tin tức bộ sách giáo khoa mới sắp phát hành, sẽ tăng giá gấp 2-3 lần. Tuy nhiên, việc tăng giá không liên quan gì để nội dung tri thức mà được Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn giải thích là bởi sách in bằng giấy tốt, chữ đẹp.
Ngày 27 Tháng Tư, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thông tin về giá sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. So với chương trình hiện hành, giá SGK theo chương trình mới của tất cả các nhà xuất bản đều tăng từ 200% đến trên 300%.
Mặc dù Hiến pháp Nhà nước Việt Nam khẳng định rằng việc giáo dục là trách nhiệm của nhà nước và được tính vào ngân sách. Thế nhưng khi giải trình trước Quốc Hội, ông Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn tiết lộ rằng hoàn toàn không có sự hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước đối với các chi phí này. Điều này khiến giá thành SGK mới cao hơn.
Sau khi ông Bộ trưởng Sơn cho biết nguyên nhân việc tăng giá, giới phụ huynh đã phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Đa số phụ huynh đều cho rằng, việc mỗi năm phải mua một bộ sách mới toanh với mức giá tăng cao và chỉ sử dụng trong một năm học là lãng phí, gây áp lực lớn cho hàng triệu gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Và cũng như mọi lần, những bất cập của xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đường phát triển luôn được đem ra so sánh với những gì mà hai nền cộng hòa của miền Nam Việt Nam đã đạt được mà người dân vẫn nhớ mãi. Trong đó, giáo dục miễn phí và cách ứng xử nhã nhặn của nền giáo dục khiến ai nấy đều tiếc nhớ.
Khắp các trang Facebook, lời nhắc của Giám đốc Nha Tiểu học và Giáo dục Cộng đồng, Giáo sư Trương Văn Đức viết vào năm 1969, khiến ai nấy đều xúc động: Sách này còn dùng cho các niên-học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy-bạ. Các em đừng ghi-chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau dễ tẩy đi (ví-dụ như trong sách Toán).
Trong thời chiến tranh, tất cả nguồn lực của Việt Nam Cộng Hòa đều dành cho cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của Bắc Việt. Thế nhưng giáo dục và bồi dưỡng thể chất cho trẻ em miền Nam luôn luôn được coi trọng. Mọi chuyện học hành của chính phủ đều miễn phí. So với ngày hôm nay, cách mà Bộ Giáo dục Việt Nam mỗi năm đều vẽ ra một bộ sách khoa mới để buộc phụ huynh phải rút tiền túi mua cho con em mình, được người dân gọi đó là một hệ thống ăn cướp.
Trên trang Facebook của Dũng Trung KQD, một nhà báo về hưu, đã dẫn lời dặn nói trên và viết “Xin mấy ông dành vài phút để đọc lời dặn của những người biên soạn sách giáo khoa thế hệ trước dành cho học sinh, về việc bảo quản sách thật tốt để “truyền” lại cho các em lớp sau. Xin lỗi, nếu các ông đã lỡ đọc rồi mà mỗi năm vẫn mỗi nghĩ ra diệu kế để in sách giáo khoa “giấy tốt, khổ to…” bán giá cao hơn cho các cháu thì cho xin lỗi lần nữa: Đ** các ông!”
Còn trên Facebook của Nguyễn Thùy Dương, nhân vật lên tiếng cho vấn đề dân oan Thủ Thiêm, đặt câu hỏi “Tại sao giá sách tăng mà chất lượng giáo dục của sách không tăng? Càng cải cách đổi sách càng nặng nề rối rắm?”.
Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ thì đặt ra một câu hỏi trực tiếp với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn rằng “Hồi ông đi học, sách giáo khoa đâu cần khổ to giấy đẹp mà ông vẫn thành đạt đấy thôi, phải không?”.
“Đốt đuốc nhìn lại giáo dục VNCH: Miền Nam từng có một nền giáo dục huy hoàng. Thành ra người miền Nam chúng ta có toàn quyền, có thể so sánh giữa “ngày nay” và “trước kia”. Khi mà ngày nay người ta cứ làm những trò “cải cách”, đòi sửa này, chỉnh kia, bỏ nọ nhưng bản chất và cái gốc là cách dạy và chất lượng thì họ không đá động gì tới và cũng không có khả năng”, một Facebooker có tên Phúc Khang viết.
Mới đây, phát biểu với các cơ quan và quan chức nước ngoài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố rằng trong giai đoạn từ đây về sau, chính quyền Việt Nam sẽ phát triển với việc “lấy con người làm trọng tâm”. Nhưng thực tế, người dân vừa trải qua hai năm kiệt quệ vì dịch bệnh. Nay SGK tăng giá gấp từ 2-3 lần, thì có gì để khẳng định về việc lấy “con người làm trọng tâm”?
Những gì đã mất là một tấm gương soi để nhìn vào hiện tại. Bằng mọi cách để trấn lột như để cướp tài sản của các gia đình và trẻ em – một cách công khai bằng sách vở và tiền đóng học – Bộ Giáo dục CSVN cho thấy họ chỉ là một cái vòi hút máu. “Việt Nam Cộng Hòa hồi xưa phổ cập giáo dục tiểu học, trẻ em đi học tại trường công miễn phí và có sữa uống miễn phí luôn, sách giáo khoa không là gánh nặng của con nhà nghèo vì rất rẻ và đời anh xài tới đời em chỉ có mấy cuốn. Thời nay không thể so được với thời VNCH”, một người bình luận dưới bản tin của báo nhà nước Việt Nam, về lời giải thích tăng giá SGK của ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.