Đó là nhận định của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Á châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), khi nói về việc CSVN tổ chức những đường dây đàn áp, đe dọa hay khủng bố những người Việt khác chính kiến đang sống bên ngoài Việt Nam.
Nguyên văn trong thư gửi cho đài RFA, ông Phil Robertson viết “Hà Nội cũng đối xử khinh thường người gốc Việt ở các nước khác, hoàn toàn coi thường nghĩa vụ quốc tế – như trường hợp của Châu Văn Khảm đến từ Úc, người đã bị bỏ tù hơn ba năm vì chỉ thực hiện quyền của mình, và nhiều công dân từ Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu. Việc Việt Nam sử dụng Internet để đe dọa những người đăng nội dung trực tuyến chỉ trích chính phủ Việt Nam cũng cho thấy thái độ ‘bất chấp pháp luật’ của nhà chức trách khi cố gắng dẹp bỏ bất đồng chính kiến”.
Mới đây tổ chức Freedom House, có trụ sở tại Hoa Kỳ, vừa đưa bản báo cáo nghiên cứu trong nhiều năm, có tên “Bảo vệ quyền dân chủ của người sống lưu vong 2022” (Defending Democracy in Exile), trong đó có nhắc tên Việt Nam như là một trong những quốc gia đã hoàn thiện đường dây khủng bố, bắt cóc, tấn công, và đe dọa những người tỵ nạn chính trị, hay đã lưu vong ra khỏi đất nước của mình vì bất đồng chính kiến.
Trong báo cáo dài 48 trang, được xuất bản trực tuyến công bố ngày 2 Tháng Sáu, tổ chức nhân quyền Freedom House mô tả Việt Nam như là một trong số các quốc gia độc tài đen tối, hay thực hiện đàn áp xuyên quốc gia, nhằm bịt miệng người đấu tranh ngay cả khi họ rời quê hương. Những ví dụ về tội ác của Hà Nội được dẫn lại, thu thập trong 4 năm.
Mục sư A Ga, người đã được chính phủ Mỹ cấp quy chế tị nạn và đã định cư tại Mỹ nhưng vẫn thường xuyên nhận được những tin nhắn đe dọa bắt cóc và giết chết, do ông vẫn thường xuyên đứng ra làm nhân chứng cho các vụ chính quyền CSVN đàn áp các nhóm Tin Lành người Thượng ở Việt Nam. Mục sư tin rằng không ai khác hơn là những kẻ vẫn theo đuổi, khủng bố ông từ trong đất nước, cho đến khi ông ra nước ngoài thì bị nối tiếp bằng những nhóm khủng bố hoạt động xuyên quốc gia của công an CSVN.
Ủng hộ những chứng cứ của báo cáo từ Freedem House, ông Phil Robertson nói “Chúng tôi cũng đã chứng kiến Việt Nam gây áp lực thành công cho các nước láng giềng, như Thái Lan, đóng cửa các cuộc họp báo ở Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Thái Lan và các nơi khác vì chỉ trích hồ sơ nhân quyền kém cỏi của chính phủ Việt Nam. Hành động đàn áp xuyên quốc gia của Việt Nam là nghiêm trọng và không thể chấp nhận được và các chính phủ trên toàn thế giới nên khiến Hà Nội phải trả giá đắt cho những hành vi này, bao gồm cả việc bảo trợ một nghị quyết tại Hội đồng Nhân quyền LHQ nhằm kêu gọi Việt Nam và thúc giục trong các cuộc thảo luận song phương với Việt Nam để buộc Việt Nam ngay lập tức dừng những hành động này”.
Không thấy phản ứng chính thức từ Bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam về bản báo cáo này tuy nhiên báo Công An sau đó vài ngày đã có bài viết phản bác và nói rằng “tổ chức nhân quyền này lợi dụng danh nghĩa thúc đẩy tự do, dân chủ để tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam”.
Trên thực tế, bảng báo cáo của Freedom House chỉ mang tính tổng kết những gì đã diễn ra trong suốt một thập niên. Về phần Việt Nam, cả thế giới đã quá rõ những câu chuyện về khủng bố con người trên mạng lưới, thực địa, và tổ chức những cuộc bắt cóc xuyên biên giới. Những nạn nhân nổi tiếng được biết đến, chẳng hạn như Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức, và ông Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Thái Lan. Họ bị bí mật chuyển về Việt Nam mà không được giải thích lý do vì sao họ trở lại Việt Nam, cũng như phải chịu những án tù nặng nề.