Hà Nội: Tiếp tục hành học sinh tổng dợt lễ khai giảng để đón quan chức

Ngày lễ khai giảng ở Việt Nam chỉ là buổi lễ mà ban giám hiệu nhà trường lấy lòng quan chức chứ không vì học sinh – Ảnh: giaoduc.net.vn

Ngày khai giảng niên học mới chính thức là 5 Tháng Chín, thế nhưng nhiều trường ở Hà Nội đã nhắn phụ huynh đưa con tới trường ngày 4 Tháng Chín để tập dượt lễ khai giảng vì “có đại biểu quan trọng” tham dự.

Ai chả biết các quan chức Hà Nội đến các trường tham dự lễ khai giảng niên học chỉ là “làm màu”, với đội quân đông đảo của truyền thông đi theo chụp hình, quay phim cảnh quan đánh trống, quan đọc diễn văn, chỉ thị…

Các trường học ở Việt Nam nhiều năm nay đã làm hỏng không khí rộn ràng, háo hức của học sinh trong ngày khai giảng, bằng cách ép học sinh đến trường học thiệt từ cuối Tháng Tám (có trường ép học từ đầu Tháng Tám), sau đó ép học sinh phải tập dượt các nghi thức trong lễ khai giảng chính thức đầu Tháng Chín (chương trình mỗi trường mỗi kiểu) và đến ngày trọng đại đó, học sinh phải trân mình đứng im trong tiết trời nóng bức để xem màn trình diễn của thầy cô và các quan!

Dân Việt ngày 3 Tháng Chín 2023 cho biết nhiều phụ huynh Hà Nội phàn nàn rằng ngày khai giảng bây giờ chỉ thực sự mang lại niềm vui và sự háo hức cho… lãnh đạo nhà trường! Quả không sai!

Tin nhắn tổng dợt lễ khai giảng của nhà trường làm nhiều gia đình ở Hà Nội mất ngày nghỉ lễ – Ảnh: Dân Việt

Tờ báo này dẫn lời kể của bà Lê Phương Hoa, một phụ huynh Hà Nội có hai con học ở quận Cầu Giấy: “Ngày 2 Tháng Chín, cả nhà đang ở quê trong kỳ nghỉ lễ thì tôi nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm là 7 giờ sáng ngày 4 Tháng Chín, tất cả học sinh đều phải đến trường tham dự buổi tổng duyệt khai giảng. Đọc xong tin nhắn, tôi tự dưng thấy hụt hẫng”.

Vì sao bà hụt hẫng? Bà Hoa giải thích, do đặc thù công việc, bà chỉ được nghỉ từ ngày 2 Tháng Chín nên cả nhà phải đi chuyến xe đêm 1 Tháng Chín vượt gần 200km để về quê chơi với ông bà, họ hàng, dự định ngày 4 Tháng Chín mới quay lại Hà Nội.

Thế nhưng, vì nhà trường của hai con đều đòi tập trung học sinh ngày 4 Tháng Chín để tập dượt lễ khai giảng nên cả nhà bà phải kéo nhau về Hà Nội ngày 3 Tháng Chín, tức chỉ nghỉ ở quê được một ngày!

Bà Hoa so sánh và đặt câu hỏi: “Ngày xưa chúng tôi đến ngày khai giảng là mới quay lại trường sau khi nghỉ hè, lúc đó ai cũng háo hức, chờ mong gặp lại bạn và thầy cô.

Còn bây giờ học sinh đi học sớm một tháng rồi lại còn phải lên trường sớm trước một ngày để tổng duyệt chương trình khai giảng làm gì? Nếu trường có đại biểu quan trọng thì các thầy cô cứ tự sắp xếp, tại sao bắt tất cả học sinh đến trường?”.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Quân, phụ huynh của hai học sinh thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) bực bội: “Tự dưng các thầy cô làm mất đi ý nghĩa của ngày nghỉ lễ. Trước khi nghỉ lễ, các cô dặn 4 Tháng Chín lên trường tổng duyệt. Đang nghỉ lễ, các cô cũng nhắn tin bắt 100% học sinh đến trường tổng duyệt 2-3 tiếng xong rồi phụ huynh phải đón về.

Tổng duyệt mang lại lợi ích cho học sinh hay cho nhà trường? Tôi thấy các thầy cô chỉ muốn hình ảnh đẹp, chỉn chu mà không hiểu đang gây khó cho phụ huynh. Tôi nghĩ các thầy cô không nên yêu cầu 100% học sinh phải có mặt để tập dượt ngày khai giảng vì không phải nhà ai cũng sắp xếp được”.

Tổng dợt lễ khai giảng thể hiện bệnh hình thức, phô trương của nhà trường, không giúp ích gì cho việc học tập của học sinh – Ảnh cắt từ video của Truyền Hình Quốc Hội

Trả lời Dân Việt, nhà văn Bùi Ngọc Phúc đề nghị: Lễ khai giảng bắt đầu cho năm học mới, các trường chỉ nên tổ chức sao cho gọn nhẹ và không cần huy động các con đến tổng duyệt. Sau nghi thức chào cờ và đọc thư của chủ tịch nước là lời dặn dò của thầy cô hiệu trưởng. Nếu được thì thêm vài tiết mục văn nghệ, gói gọn trong 90 phút.

Thầy Nguyễn Duy Khánh, một giáo viên dạy môn Sinh ở Hà Nội, mô tả: “Nhiều trường hiện nay tổ chức cho học sinh tập dượt cho lễ khai giảng suốt mấy ngày cuối Tháng Tám. Có trường đến 31 Tháng Tám vẫn phải tập, xong lại thông báo 4 Tháng Chín học sinh lên trường tập dượt tiếp. Vấn đề này trường nào, năm nào cũng có.

Cả trường đều phải tập nghi thức đón đại biểu, chào cờ và tổng duyệt văn nghệ cho khớp. Phần chuẩn bị cho nghi thức tùy mỗi trường nhưng thường đều có phần tổng duyệt trước. Trường nào có những lãnh đạo cấp cao hay được làm trường điểm để đài truyền hình, báo chí về đưa tin thì thường sẽ có sự chuẩn bị kéo dài hơn”.

Còn thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, phó ban chuyên môn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) thẳng thừng bác bỏ: “Việc yêu cầu 100% học sinh lên trường tham gia tổng duyệt ngày 4 Tháng Chín là cách xử lý cứng nhắc. Mọi nội dung đều có thể tổng duyệt trước khi cho học sinh nghỉ lễ 2 Tháng Chín. Ngày khai giảng các trường nên làm nhẹ nhàng theo chủ trương của Bộ Giáo dục”.

Hồi năm ngoái, Dân Việt phỏng vấn TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) về vấn đề này và ông Lâm khẳng định: “Khai giảng phải là ngày hội của học sinh. Các em phải là nhân vật trung tâm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoặc các trò chơi, cuộc thi dành cho học sinh.

Có như vậy, ngày khai giảng mới thật sự vui vẻ, ý nghĩa, tạo tâm lý vui tươi, phấn khởi và giúp học sinh có tâm thế tốt nhất để bước vào năm học mới”.

Tìm kiếm trên mạng, hóa ra việc tập dợt cho ngày khai giảng của các trường tiểu học và trung học ở Việt Nam đã bắt đầu hơn 10 năm trước, đúng kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”, mà “lễ nghĩa” này chẳng qua là hành động nịnh quan chức của các trường, khiến học sinh và phụ huynh lãnh đủ vì bị hành.

Giáo dục Thời Đại ngày 18 Tháng Tám 2015 đã đăng ý kiến của một giáo viên tên Phan Tuyết, khẳng định “Buổi khai giảng của học trò, phần lễ chỉ vài phút là quá đủ”. Cô Phan Tuyết phác họa: “Bao năm nay, các trường học trong cả nước đã biến buổi lễ khai giảng thành diễn đàn để nhà trường “tung hô thành tích” của mình cho quan khách nghe.

Còn khách mời lại luôn cho mình là nhân vật quan trọng, hết ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được của nhà trường trong năm học vừa qua, lại đưa ý kiến nhắc nhở, dặn dò thầy cô, học sinh phải làm thế này, phải làm thế nọ để giữ vững những thành tích ấy, mặc cho những điều này mọi người đã được nghe nhiều trong các buổi lễ tổng kết, trong các cuộc họp biểu dương. Cuối cùng là đưa ý kiến chỉ đạo.

Chỉ tội các em phải ngồi chang chang dưới nắng như đổ lửa hay ngồi dầm dề dưới mưa mà ngơ ngác lắng nghe những điều người lớn đang thao thao bất tuyệt nhưng chắc chắn các em chẳng hiểu họ đang nói gì.

Thầy cô giáo thì hờ hững vì nghe quá nhiều những điều giáo huấn ấy, chỉ có Ban giám hiệu luôn tươi cười để đáp lại những lời “vàng ngọc” mà cấp trên vừa phát biểu bằng việc nói lời cám ơn sự quan tâm và sẽ ghi nhận những điều cấp trên đã gửi gắm”.

Nếu thực sự vì học sinh thì các trường không bao giờ tổ chức việc tập dợt đón quan chức trong ngày lễ khai giảng niên học – Ảnh cắt từ video của Truyền Hình Quốc Hội

Và cô hài hước: “Nhiều chuyện nực cười đã xảy ra khi có đại biểu dự ở trường này mà quên lại đọc tên trường khác, hay năm học này mà nói là năm học trước bởi copy lại bài viết của năm trước nhưng sửa chưa hết.

Nhiều vị đại biểu hình như chưa được nói bao giờ, thay vì nói đôi lời cho phải phép lại “chiếm sóng” đến gần ba chục phút!”.

Cuối cùng, cô lập luận: “Để lễ khai giảng thật sự là ngày hội của các em thì phần lễ chỉ nên rút gọn trong vòng vài phút, còn phần hội là những tiết mục văn nghệ của các lớp, các cá nhân năng khiếu, là sự giao lưu giữa người dẫn chương trình với các em học sinh toàn trường, có những câu hỏi, câu đố vui đặt ra để các em tham gia trả lời lấy thưởng.

Khuyến khích, động viên các em bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình trước thềm năm học mới, dù những câu hỏi còn quá ngô nghê, những câu trả lời của các em còn vụng về nhưng đó là những tâm tư, những nỗi niềm được bày tỏ một cách tự nhiên, chân thành nhất.

Tránh tình trạng các em phải tập dượt, học thuộc và nói theo kịch bản đã soạn trước của thầy cô như kiểu làm từ trước đến nay.

Sau màn giao lưu đến phần tổ chức các trò chơi, chẳng hạn những trò chơi dân gian mang tính đồng đội có sự tham gia của cả giáo viên và học sinh.

Sự cổ vũ nhiệt tình của các lớp sẽ làm cho không khí buổi lễ trở thành một ngày hội thật sự.

Hãy bỏ qua những quan niệm cũ mà trước đây chúng ta thường nghĩ: Buổi lễ khai giảng thành công là mọi thứ phải trơn tru đúng như kịch bản đã được tập dượt từ trước mà quên đi rằng buổi lễ thành công phải để lại được ấn tượng đẹp, sự hân hoan, niềm tiếc nuối trong các em học sinh ngay cả khi buổi lễ đã kết thúc”.

Rồi cô Phan Tuyết kết luận: “Nếu thật sự vì các em (học sinh) thì chẳng khó gì chúng ta không làm được điều đó”.

Cốt lõi vấn đề nằm ở đó, vì mọi hoạt động của nhà trường XHCN có bao giờ là vì học sinh, nên những buổi lễ khai giảng hình thức sẽ vẫn còn tồn tại, chỉ khổ cho học sinh và phụ huynh!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: