Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn không chỉ cho những công ty lớn, thuê mặt bằng tại trung tâm Sài Gòn với giá hàng chục ngàn đô la Mỹ một tháng, mà còn làm điêu đứng nhiều tiểu thương buôn bán nhỏ, với tiền thuê mặt bằng chỉ vài trăm đô la Mỹ một tháng.
Không cần dùng những con số thống kê, người ta dễ dàng hình dung tình hình “hơi thở của nền kinh tế đô thị” ra sao khi nhìn vào sinh hoạt của những con phố kinh doanh.
Nhiều mặt bằng đắt tiền đã bị trả lại tại các quận trung tâm như quận 1, quận 3,… cho thấy sức mua của giới trung lưu đang xuống thấp chưa từng có. Đó chưa phải là điểm dừng cuối cùng của “con dốc kinh doanh”. Hiện nay, ngay cả những mặt bằng giá cho thuê chỉ chừng 8 đến 20 triệu đồng/tháng tại các khu vực ven đô như quận 9, quận 2, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.
Điều này cho thấy tình hình kinh tế của cả xã hội đang trên đà suy thoái mạnh.
Theo khảo sát của phóng viên báo Nhịp Sống Thị Trường, một mặt bằng bán đồ điện tử trên đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 đã phải treo biển trả mặt bằng do kinh doanh ế ẩm. Mặt bằng này có diện tích 30m2, và giá thuê chỉ có 8 triệu đồng một tháng thôi, nhưng chủ tiệm vẫn than: “Ngay bây giờ nếu chủ nhà hạ tiền thuê xuống còn một nửa, tôi cũng không kham nổi”.
Tại đường Lò Lu, một tuyến đường kinh doanh khá sầm uất của quận 9 trước đây, nay đang trở nên tiêu điều, khi hàng loạt mặt bằng đóng cửa, treo bảng cho thuê mấy tháng nay nhưng vẫn chẳng có ai đến hỏi, dù giá cho thuê chỉ từ 7 đến 25 triệu đồng/tháng, tùy mặt bằng.
Ở thành phố Thủ Đức, tình hình kinh doanh cũng rất tệ. Ở các khu vực kinh doanh sầm uất như đường Kha Vạn Cân, Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp, Hoàng Diệu 2… hiện mặt bằng bỏ trống khá nhiều. Thậm chí, có những mặt bằng được thuê vài tháng đã trả lại do kinh doanh thua lỗ. Điều lạ ở đây là dù tỷ lệ mặt bằng trống tăng lên, nhưng giá cho thuê ở đây vẫn không hạ, thậm chí còn tăng so với năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi tháng có 17,600 doanh nghiệp âm thầm rời khỏi thương trường. Như thế sáu tháng đầu năm đã có gần 100,000 doanh nghiệp “biến mất” trên thị trường, để lại một khoảng trống không nhỏ (và cả những khoản nợ). Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường cho thuê mặt bằng.
Nhà hàng, tiệm cà phê, cửa hàng thời trang, chi nhánh ngân hàng, thẩm mỹ viện… chiếm đa số trong làn sóng trả mặt bằng năm nay.
Có nhiều lý do để các cửa hàng đóng cửa, từ bán buôn ế ẩm đến cạnh tranh với mua sắm online không lại, dẫn đến việc không gồng nổi tiền thuê mặt bằng.
Ông Nguyễn Hải Long, một tiểu thương cho biết: “Một phần do kinh tế suy thoái nhưng phần lớn là do sự chuyển dịch từ kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số là xu thế, nên mua bán hàng hóa thông qua các nền tảng xã hội đang bóp chết các cửa hàng trong các trung tâm thương mại mà thôi”.
Ông Huỳnh Phương, kinh doanh thời trang than thở trước sự đi xuống của nghề bán lẻ. Ông nói: “Từ nửa cuối năm ngoái đến nay buôn bán rất thảm, doanh số giảm 60% so với trước dịch, tôi bán đồ thời trang may là nhà của mình, mình bán luôn nên không lo lắm, còn thuê mặt bằng là từ bị thương đến chết luôn”.
Có thể thấy, sức mua yếu là điều mà cả nền kinh tế đang vấp phải. Các chủ hàng quán đều thừa nhận doanh thu không bù nổi các chi phí, nhất là gánh nặng giá thuê mặt bằng. Cả nước đang ngấm đòn của sự suy thoái kinh tế.