Hàng loạt thanh niên Hà Tĩnh lại đổ xô đi “tìm đường cứu nước”

Hình ảnh tóm gọn bài báo của VietnamNet hôm 19 Tháng Sáu trên Facebook, nêu tình trạng học sinh tốt nghiệp THPT chọn đi làm công nhân lao động ở nước ngoài là “thực trạng đáng buồn” – Ảnh chụp màn hình Facebook

Thực trạng thất nghiệp, công việc trái chuyên môn, thu nhập thấp sau khi tốt nghiệp đại học (ĐH) trong nước đã khiến nhiều học sinh tốt nghiệp trung học ở Hà Tĩnh đổ xô tìm đường đi lao động ở xứ người.

Phóng sự của VietnamNet ngày 19 – 20 Tháng Sáu 2023 cho biết: Những năm gần đây, nhiều học sinh ở vùng quê Hà Tĩnh như xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân), Mỹ Lộc, Thiên Lộc (huyện Can Lộc), Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), Thạch Bằng, Thạch Kim (huyện Lộc Hà)… sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông (THPT) đã không vào ĐH mà tìm đường đi lao động ở xứ người.

Trong số đó, có không ít học sinh giỏi, từng được những trường ĐH có tiếng trong nước tuyển chọn. Từ quyết định chọn đường sang nước ngoài lao động, các em đã chắt chiu gửi tiền về cho cha mẹ xây cất những ngôi nhà khang trang, thay đổi hẳn bộ mặt của những thôn xóm trước kia nghèo khó. Đổi lại, số lượng học sinh học ĐH ở những nơi này ngày càng giảm, thậm chí có làng xã, nhiều năm liền không có sinh viên ĐH.

Em Nguyễn Thị Mai H. (SN 2004, ngụ xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho biết, năm ngoái em đậu vào trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế nhưng không học mà đang ôn luyện IELTS đạt 5.5 để hoàn thiện hồ sơ đi du học nghề ở Australia.

Mai H. kể cả lớp có 42 bạn thì đến 24 bạn không có nguyện vọng vào ĐH mà lựa chọn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada du học nghề và một số bạn chọn học ngoại ngữ tiếng Hàn, tiếng Nhật để đi xuất cảng lao động. Thôn Xuân Hải nơi H. ở có gần 300 gia đình thì đã có 193 người đi lao động ở xứ người, đa số là học sinh vừa tốt nghiệp THPT.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, trưởng thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, chia sẻ có những năm trong thôn không có học sinh nào chịu đi học đại học – Ảnh: VietnamNet

Như minh chứng cho lời kể của Mai H., trưởng thôn Xuân Hải là ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết từ năm 2018 đến nay, toàn thôn chỉ có ba em đang theo học ĐH! Ông Thọ thống kê, niên khóa 2019- 2020, trong thôn có 17 em hoàn thành THPT, ba em có giấy báo trúng tuyển các trường ĐH. Tiếp đó, niên khóa 2020- 2021 có 15 em tốt nghiệp THPT, ba em đậu ĐH nhưng không em nào đi học.

Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (SN 1971, ngụ thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) thuộc loại nghèo, nhưng từ khi hai người con của ông đi lao động ở Đức, cuộc sống của gia đình họ đã sang trang. Ông Minh tự hào kể với VietnamNet:

“Hai con tôi không ai đi học ĐH nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền. Tốt nghiệp THPT, hai đứa theo học một khóa nấu ăn ở Sài Gòn rồi sang Đức làm phụ bếp. Hiện mỗi tháng hai cháu gửi về hơn 100 triệu đồng”.

Ngoài gia đình ông Minh, cả xã Thiên Lộc hiện sống sung túc nhờ tiền của con cái đi lao động ở xứ người gửi về.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà) cũng có năm người con học lực khá giỏi, tuy nhiên không ai học tiếp ĐH. Bốn con gái của bà Hoa đi Nhật Bản lao động, con trai út đang học tiếng Hàn để đi tiếp.

Bà Hoa phân trần: “Đi học đại học mất thời gian hơn bốn năm và khoản học phí không nhỏ nhưng không chắc chắn về cơ hội việc làm. Vì suy nghĩ đó nên các con tôi chọn ra nước ngoài làm việc, có cơ hội kiếm được khoản tiền lớn. Khi có kinh tế, các con sẽ tự chủ trong cuộc sống”.

Học bạ năm lớp 12 của em Hoàng Thị T. (xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tuy thuộc loại giỏi vẫn quyết định xin đi làm công nhân ở Nhật Bản – Ảnh: VietnamNet

Gia đình bà Nguyễn Thị Thu, mẹ của em Nguyễn Thị H. (SN 1988, ngụ thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) cũng hài lòng với quyết định đi làm việc Hàn Quốc của con. Thời điểm năm 2016, em Nguyễn Thị H. đậu vào ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Ngoại thương nhưng bỏ. Hiện em học tập và làm việc ở Hàn Quốc, có mức thu nhập tốt, hằng tháng gửi 10 triệu đồng về biếu cha mẹ.

Bà Thu chia sẻ: “Con gái tâm sự chưa từng hối hận với quyết định của mình, đi lao động ở nước ngoài tuy vất vả, phải xa bố mẹ nhưng đổi lại thu nhập cao. Một tháng lương con làm bên Hàn Quốc bằng bố mẹ làm cả năm”.

Ông Đặng Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), nhẩm tính: “Toàn xã có hơn 1,500 người đang lao động ở nước ngoài, tập trung ở các nước châu Âu. Trung bình mỗi cá nhân gửi về 30 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi năm có hàng trăm tỷ đồng được gửi về”.

Một hiệu trưởng của trường THPT thuộc huyện Can Lộc cho biết năm học 2021-2022, trường chỉ có 30% đăng ký vào ĐH, còn lại đi xuất cảng lao động. Học xong THPT rồi đi lao động ở xứ người đang trở thành trào lưu nên học sinh chỉ học chiếu lệ, thứ hạng của nhà trường trong toàn tỉnh do vậy cũng bị ảnh hưởng (!?)

Còn tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, có tổng cộng 1,580 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Bộ mặt làng xã đổi thay nhờ nguồn tiền từ nước ngoài gửi về, với hàng trăm ngôi nhà hai – ba tầng  xây dựng kiên cố, tiện nghi đầy đủ, rất nhiều gia đình sắm xe hơi để đi lại.

Ông Nguyễn Thái Phi, Hiệu trưởng trường THPT Mai Thúc Loan (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết thêm thời gian gần đây, những gia đình có điều kiện tài chính còn hướng con em đi theo diện du học nghề, vừa học, vừa làm ở một số nước như Australia, Canada, Pháp…

Thầy Lê Hoài N., Hiệu phó một trường THPT ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, cũng kể trước đây đa số các em học sinh giỏi đều chọn vào các trường ĐH Top đầu, tuy nhiên hiện nay, ngay cả học sinh giỏi, xuất sắc cũng chuyển hướng đi lao động ở xứ người hoặc vừa học vừa làm ở nước ngoài.

Thầy N. cho biết niên khóa vừa qua, nhà trường có hai học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh môn Địa lý, nằm trong đội dự tuyển học sinh giỏi quốc gia nhưng từ chối không tham gia vào đội tuyển để ôn luyện, với lý do các em chỉ muốn lấy bằng tốt nghiệp THPT và dành thời gian học tiếng Hàn, tiếng Nhật… và các kỹ năng nghề phù hợp để đi lao động xứ người.

Một dãy nhà khang trang được xây lên ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, bằng tiền con em họ đi lao động ở xứ người gửi về – Ảnh: VietnamNet

Bức tranh chọn lựa nghề lao động ở xứ người của thanh niên Hà Tĩnh đã làm bạn đọc Tâm Văn của VietnamNet thốt lên: “Như vậy giáo dục đại học nước ta có ý nghĩa gì, nếu không nói là lãng phí?”, còn bạn đọc Linh Bùi gật gù: “Một sự lựa chọn quá sáng suốt… Học đại học xong rồi không xin được việc thì cũng đi làm công nhân, lương cũng chỉ gần 10tr, đi học nghề rồi đi lao động xứ người sau một năm là đã có lương 20tr đến 30tr…”.

Cuối cùng, bạn đọc Khải Phan cho biết: “Ngày xưa có con vào đại học là niềm tự hào của cả gia đình, làng xóm, nhưng  giờ cứ có tiền là có thể học đại học rồi, vậy nên bỏ kiểu tính thành tích xã có bao nhiêu cháu vào đại học mà quan trọng là xã có bao nhiêu gia đình khá giả”.

Cần nói thêm, năm 2022, Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối hàng đầu thế giới, với tổng số tiền từ người lao động ở nước ngoài gửi về năm 2022 là $19 tỷ, cao hơn $1 tỷ so với năm 2021.

Theo các bài viết trên trang Macaubusiness, Manilatimes và The Star của Malaysia hồi đầu Tháng Hai 2023, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đã tăng gần 5% năm 2022 và có thể tăng 3.6 – 4.5% trong những năm tiếp theo.

Nguồn kiều hối về Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia có số lượng lớn người định cư ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Số còn lại đến từ người lao động đi lao động xứ người, chủ yếu là thanh niên ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Ngày 6 Tháng Hai 2023, VTV dẫn số liệu của Bộ Lao động Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2022, có khoảng 600,000 lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề, đóng góp hơn $3 tỷ kiều hối mỗi năm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: