Ở Việt Nam, thiên hạ dùng hóa chất không chỉ hại nhau gián tiếp để kiếm tiền mà còn cho vào thực phẩm, thức uống để đầu độc nhau vì lòng hận thù.
Một bộ phim nhiều tập ở Việt Nam, tuy nhiên chưa biết hồi mô chấm dứt.
Chút màu cho đẹp, chút mùi cho thơm, chút bột cho nhừ…
Hành vi sử dụng hóa chất để làm thực phẩm “thăng cấp” không còn là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam. Thiên hạ dùng hóa chất bỏ vào thực phẩm để trông đẹp hơn, có mùi hấp dẫn; làm trái cây mau chín; tẩy mùi hôi thúi của thực phẩm đã bị hư hỏng; bảo quản thực phẩm tươi lâu nhằm đạt được mục đích cuối cùng là kiếm tiền.
Điển hình là thiên hạ dùng hóa chất công nghiệp, chứa nhiều kim loại nặng, tạp chất, và các chất độc hại khác, không dành cho thực phẩm như Sodium Bisulfite có công thức hóa học là NaHSO3 để tẩy trắng bắp chuối bào và giữ rau muống chẻ xanh tươi lâu; dùng Sodium Tetraborate Decahydrate (hàn the) có công thức hóa học là Na2B4O7.10H2O để bảo quản thực phẩm hay làm cho thực phẩm, như chả lụa, trở nên dai, giòn, tạo cảm giác ngon miệng; nhúng sầu riêng non vào Ethylen để trái sầu riêng non mau chín, kiếm tiền cho lẹ.
Trong khi đó bắp chuối bào, rau muống chẻ, chả lụa lại xuất hiện nhiều trong các món ăn đường phố và các món ăn vặt ở Việt Nam, bày bán cả ngày lẫn đêm.
Một lần khi mua sầu riêng, tôi giả bộ ghẹo chị bán sầu riêng: Sầu riêng này chị ngâm thuốc chưa? Chị trả lời tỉnh bơ: Bây giờ trái cây nào mà không sử dụng thuốc hả em? Bộ em tưởng uống nước dừa là an toàn nhất hả? Người ta đã bơm thuốc vào gốc cây dừa để nước dừa ngọt rồi (?)
Rồi thỉnh thoảng, báo mạng đưa tin là xe này chở lỗ tai heo bắt đầu phân hủy, xe kia chở 1.3 tấn thịt heo bốc mùi hôi thúi, có dấu hiệu phân hủy đang trên đường đi tiêu thụ v.v.
Từ đó suy ra rằng người ta sử dụng hóa chất để khử mùi thối và che giấu dấu hiệu của thịt bị sình. Hai hóa chất được sử dụng trong mục đích này là Sulfur Dioxide có công thức hóa học là SO2, nhân gian gọi là lưu huỳnh, để khử mùi thối của thịt, và hóa chất Natri Sunfit có công thức hóa học là Na2SO3 để che giấu dấu hiệu của thịt bị sình.
Có lần, người nhà tôi ra chợ lề đường mua về mấy con cá sặc đã làm sạch trông có vẻ tươi ngon, thế nhưng khi đem về ngâm nước muối rửa sạch lần nữa, người nhà tôi mới phát giác bên trong bụng cá bốc mùi hôi thối và thịt cá bời rời. Kinh nghiệm này có lẽ người nội trợ nào ở Việt Nam cũng mắc phải ít nhất một lần.
Hành vi sử dụng hóa chất để xử lý thực phẩm của thiên hạ đã gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong nhiều năm qua. Trang báo mạng Bình Phước đưa tin rằng chỉ tính trong bảy tháng đầu của năm 2023, Việt Nam có 60 vụ ngộ độc thực phẩm (cả năm 2022 chỉ có 54 vụ), làm ngộ độc 860 người (gần bằng cả năm 2022, có tổng cộng 1,359 người ngộ độc), khiến 12 người chết (gần bằng cả năm 2022, có 18 người chết).
Bỏ độc hại nhau vì lòng tham hoặc sự căm thù
Khủng khiếp hơn là thiên hạ không dừng lại ở giới hạn sử dụng hóa chất độc cho thực phẩm mà còn mở rộng việc sử dụng hóa chất vào hành vi đầu độc lẫn nhau. Từ năm 1998 đến nay đã có những vụ đầu độc người bằng hóa chất cực độc là Cyanide có công thức phân tử là CN–. Sau đây là những vụ án điển hình:
– Từ năm 1998 đến năm 2001, Lê Thanh Vân (sinh năm 1956, cư dân quận 10, Sài Gòn) đã bỏ Cyanide vào thức ăn, nước uống lần lượt hạ độc 13 người ở các tỉnh phía Nam Việt Nam và Sài Gòn, để cướp tổng cộng $500 và một số tài sản trị giá 311 triệu đồng. Vân đã bị xử tử Tháng Mười 2005.
– Năm 2017, Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1977, ngụ huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) đã bỏ Cyanide vào ly cà phê, hạ độc chết hai nhân tình tại Tiền Giang: Một ông tên V.T.H. (sinh năm 1965, là người bán vé số dạo) để cướp tư trang vàng và 15 triệu đồng tiền mặt; ông kia là N.V.T. (sinh năm 1968, ngụ cùng địa phương) để cướp tư trang vàng và 35 triệu đồng tiền mặt. Thúy bị kết án tử hình trong phiên tòa phúc thẩm hồi Tháng Giêng 2019.
– Năm 2019, Lại Thị Kiều Trang (sinh năm 1994, ngụ huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) mua Cyanide trên mạng và bơm hóa chất cực độc này vào trà sữa để đầu độc người chị họ là Đ.T.H.Y. (sinh năm 1989) chỉ vì muốn chiếm đoạt chồng của Y.
Éo le là Y. không chết, mà nữ đồng nghiệp của Y. cùng làm việc ở bệnh viện Phổi Thái Bình đã chết vì uống phải ly trà sữa có độc. Trang bị tuyên án tử hình trong phiên tòa phúc thẩm hồi Tháng Giêng 2021.
– Năm 2022, Tống Thị Tùng Linh (sinh năm 2001, ngụ TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã ra chợ Kim Biên mua một ký Cyanide với giá 500,000 đồng và nói dối người bán là “cần xyanua để làm thí nghiệm khi học đại học”, nhưng sự thực là đem về hòa trong các chai nước uống để đầu độc người cha (sinh năm 1968).
Hậu quả là người cha chết, Linh bị kết án tù chung thân. Còn người chủ tiệm bán hóa chất ở chợ Kim Biên là Trần Thị Ngọc Thu (31 tuổi) – người bán Cyanide cho Linh, cũng bị kết án hai năm tù!
– Mới đây nhất là hai vụ đầu độc người bằng bả chó có chứa Cyanide, và bằng thuốc trừ sâu. Vụ thứ nhất xảy ra ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang liên quan đến một thiếu niên 14 tuổi, tên Phạm Minh Q.
Vì bị người cha nghiện rượu chửi bới nên Q. bỏ bả chó có chứa Cyanide vào sữa bột để giết ông này, sau khi người cha chết thì đến lượt bà nội chết, còn bác ruột bị ngộ độc nặng, cũng vì uống cùng hộp sữa với cha của Q.
Vụ thứ hai xảy ra ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, liên quan đến một bà 39 tuổi, tên Hà Thị Thi, bỏ thuốc trừ sâu vào chậu su su luộc cho 400 học sinh ăn vì không còn quyền quản lý bếp ăn của trường trung học phổ thông bán trú, sau khi chồng bà ta bị thôi chức hiệu trưởng, chuyển đi trường khác làm hiệu phó.
Câu hỏi đặt ra là những tội phạm này lấy hóa chất độc ở đâu ra để đầu độc người ta? Trong những vụ kể trên, chỉ có thủ phạm Tống Thị Tùng Linh trực tiếp mua Cyanide ở chợ Kim Biên và người bán (vì tin lời Linh) đã bị kết án tù.
Trước đây cứ sau mỗi vụ đầu độc hay ngộ độc thực phẩm làm chết người thì báo mạng lại đề cập đến chợ hóa chất Kim Biên ở quận 5, Sài Gòn như thể muốn nêu ra rằng chợ này là nguồn cung cấp trực tiếp hóa chất độc gây ra các vụ đầu độc, ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, ngày 30 Tháng Mười 2023, khi đi thực tế ở ngôi chợ này, hỏi thăm những người bán hàng, tôi thấy báo mạng gọi Kim Biên là “chợ tử thần” thì oan quá. Sau vụ người bán Cyanide cho Tống Thị Tùng Linh bị kết án tù thì hiện tại, tiểu thương bán hóa chất ở khu chợ này không bán Cyanide nữa.
Trong chợ, hầu hết tiểu thương bán quần áo, phụ kiện thời trang, vỏ ốp điện thoại, đồ chơi, đồ dùng xuất xứ Trung Quốc; một số ít bán hương liệu cho thực phẩm hoặc hóa chất cho xây dựng, cũng xuất xứ Trung Quốc hoặc hàng có nhãn hiệu công ty.
Số tiểu thương bán hóa chất chỉ có một số nhà hai bên hông chợ, hầu hết là hóa chất tẩy rửa nhà cửa, rửa xe, giặt sấy công nghiệp và diệt côn trùng, đa số là hàng công ty, có nhãn hiệu. Đa số các ngôi nhà hai bên hông chợ hiện tại kinh doanh đồ điện gia dụng, lõi lọc nước, lưới đánh cá, lưới công trình.
Những sạp kinh doanh trong chợ hay nhà phố chung quanh đều phải được nhà nước cấp giấy phép kinh doanh, với mức thuế khoán cho họ năm sau luôn cao hơn năm trước, bất chấp tình hình kinh doanh thế nào.
Khách đến chợ đa phần mua sỉ, đều là khách quen. Khách mua lẻ có thể mua bất cứ thứ gì ở đây với giá rẻ hơn chợ chỗ khác, nhưng khi hỏi đến hóa chất thì chỉ có thể mua lẻ được thuốc diệt côn trùng do các công ty sản xuất đã đóng thành chai.
Như vậy, vấn đề ở chỗ hiện hóa chất độc có nhiều cách khác để lưu thông, một trong những cách đó là rao bán trên mạng. Nếu có tài khoản trên mạng Lazada thì không khó để mua các hợp chất có chứa phân tử Cyanide bày bán công khai ở đây, với mục đích phục vụ cho ngành công nghiệp.
Nếu người mua dùng đúng mục đích của hóa chất thì không có chuyện gì đáng nói. Vấn đề là người bán làm sao kiểm soát được những âm mưu trong đầu người mua? Chẳng phải tội nhân Lại Thị Kiều Trang – được đề cập ở trên, đã mua Cyanide từ mạng đó sao?
Chả biết các chủ sạp bán hóa chất ở chợ Kim Biên xin giấy phép kinh doanh có dễ hay không chứ thiên hạ mua hóa chất độc cỡ như Cyanide để đầu độc lẫn nhau thì có vẻ quá dễ.
Trong bối cảnh rối ren là thiên hạ dùng hóa chất độc để kiếm tiền và giết hại lẫn nhau, suy cho cùng thì mối nguy hiểm đối với người dân không phải đến từ chợ Kim Biên hay là Lazada, mà là tình trạng quản lý lỏng lẻo đối với hoạt động mua bán hóa chất độc hại ở Việt Nam.