Hoàng hôn hiu hắt

Hình ảnh đau lòng được cho là chụp ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long (MXH)

Tuần vừa qua, mạng xã hội Việt Nam lan rộng những bức ảnh làm mọi người xúc động: Những cụ già ăn ngủ và đi vệ sinh cùng một chỗ trong một “ngôi mộ sống”. Trong một ảnh, người ta thấy tô cơm cho một cụ được đặt trên bồn cầu! Được cho là chụp ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long, bức ảnh đã gợi lên một vấn đề lớn của xã hội Việt Nam: Cuộc sống người già ở Việt Nam ra sao?

Việt Nam không có nhà dưỡng lão. Không có khoản an sinh xã hội nào chi cho việc xây dựng nhà dưỡng lão. Mỗi tỉnh có một trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách quốc gia. Trung tâm nhận nuôi người già neo đơn – tức là không có con cái, họ hàng gì cả, và nuôi trẻ em mồ côi lang thang. Kinh phí hoạt động của những trung tâm này rất thấp, thường phải vận động các nhà hảo tâm trợ giúp thêm. Người cao tuổi sống ở đây chỉ được cung cấp bữa ăn hàng ngày. Họ quanh quẩn trong trung tâm, nằm ngồi trên chiếc giường cá nhân, không được đi đâu ra ngoài trừ khi đi bệnh viện điều trị nếu bị bệnh. Họ không có một thú vui giải trí nào.

Một cụ bà bán vé số – hình ảnh rất quen thuộc ở Sài Gòn (MXH)

Khi đến thăm họ, cùng với quà từ thiện chung cho trung tâm, tôi thường tặng mỗi cụ một phong bì để các cụ mua quà bánh. Họ rất mừng. Tội nghiệp, các cụ cũng thèm quà bánh hay trà thuốc chứ. Đa số cụ ở đây “bị bắt” vào, do các cụ sống lang thang đường phố. Không ai muốn vào đây sống đời tù ngục cho tới khi chết cả. Tôi từng gặp những cụ già neo đơn nghèo khổ, nhưng các cụ thà đi bán vé số mưu sinh chứ nhất định không chịu vào trung tâm bảo trợ sống nhờ nhà nước. Chỉ các cụ neo đơn không gia đình mới được nuôi trong trung tâm bảo trợ. Còn rất nhiều người già có con có cái nhưng vẫn không nơi nương tựa, do con cái ở xa, nghèo khổ không nuôi nổi cha mẹ, hoặc họ bị con cái bỏ rơi.

Thầy giáo của tôi ngày xưa là hiệu trưởng một trường trung học. Thầy vốn là giáo viên của chế độ cũ được lưu dụng, do vậy, thâm niên của thầy trước 1975 xem như bỏ. Dạy được mười hai năm trong chế độ mới thì thầy tới tuổi về hưu. Chỉ đóng bảo hiểm xã hội mười hai năm nên thầy không được hưởng lương hưu mà chỉ được “trợ cấp” và lãnh một lần số tiền tương đương sáu tháng lương. Chẳng bõ bèn gì, xem như sống tiếp được sáu tháng. Sau đó, thầy ra lề đường kiếm sống. Mỗi ngày, thầy cô chở nhau trên chiếc xe đạp mini cọc cạch ra chợ bán vé số. Hai ông bà già ngồi bên lề đường nào có được yên, vài ba bữa lại bị đội trật tự đô thị xua đuổi. Không biết trong đám “ruồi xanh” (tên mà người dân gọi lực lượng trật tự đô thị) có đứa nào là học trò của thầy ngày xưa không?! Nhìn mà đau lòng.

Trong một trung tâm từ thiện nuôi người già (MXH)

Ngay như tôi, với thâm niên 25 năm làm việc nhà nước, lương hưu cũng chỉ có bốn triệu (khoảng $171), sống tằn tiện còn chưa đủ, nói gì đến lúc tuổi già bệnh hoạn. Hầu hết công chức về hưu ở Việt Nam không thể sống bằng lương hưu, cho dù có thâm niên 30 năm làm việc. Con cái, nếu cũng là công chức, không thể nuôi nổi cha mẹ. Một người lao động Việt Nam bình thường bây giờ nuôi chính con mình còn khó, làm gì còn tiền để nuôi bố mẹ! Cay đắng quá. Đồng lương chết đói đã làm mai một chữ hiếu trong gia đình Việt Nam. Người ta thấy nhan nhản trên đường phố những ông già đi bán vé số, chạy xe ôm, những bà già buôn gánh bán bưng với gánh hàng trĩu nặng trên cái lưng còng.

Giềng mối xã hội và giá trị gia đình đang tan nát. Không ít người già sống chung con cái cũng lắm nỗi đắng cay. Có rất nhiều clip lan truyền trên mạng về cảnh con cái ngược đãi, hành hạ cha mẹ ruột, cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ khi họ sống chung nhà, nhất là khi cha mẹ già yếu không thể tự chăm sóc bản thân. Có vẻ như lòng hiếu thảo trở thành thứ xa xỉ trong xã hội méo mó này. Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ và nhà trường dạy những câu ca dao như: “Công cha như núi Thái Sơn…”; hoặc “Công cha sanh, ơn mẹ dưỡng, đất cù lao lấy lượng nào đong. Thờ cha mẹ ở hết lòng, ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường…”

Bây giờ không ít người thuộc thế hệ trẻ không hề biết những bài ca dao nhân văn đó. Một số thanh niên tỏ ra “hợp thời” muốn sống tự lập tách rời cha mẹ. Vấn đề ở chỗ họ ngày càng xem nhẹ chữ hiếu. Trong một cuộc thảo luận về mối quan hệ cha mẹ-con cái trong xã hội ngày nay, có “bạn trẻ” đã nói rằng: “Tại sao cha mẹ Việt Nam lại nghĩ rằng khi về già thì họ phải sống dựa vào con cái? Tại sao con cái có nghĩa vụ nuôi cha mẹ? Cha mẹ tạo ra con cái là vì thú vui nhục dục của chính họ. Họ có nghĩa vụ nuôi con, khi tạo ra đứa con. Còn con cái, khi lớn lên có cuộc đời riêng, không cần phải biết ơn cũng không có trách nhiệm với cha mẹ. Nó đâu có yêu cầu cha mẹ tạo ra nó. Nó chỉ có trách nhiệm với con cái của nó sau này mà thôi”. Thật bàng hoàng!

Không biết đó có phải là quan điểm chung của lớp trẻ Việt Nam ngày nay hay không nhưng thực tế là các bạn trẻ lập gia đình chỉ muốn ra riêng. Họ chỉ yêu cầu cha mẹ ở chung khi họ sinh nở cần người chăm sóc, hoặc cần cha mẹ giữ con cái, lo cơm nước để họ đi làm. Ông bà thương cháu hoặc không có điều kiện kinh tế buộc phải lên thành phố sống cùng con. Rất nhiều nỗi niềm trong cuộc sống chung này.

Trong một trung tâm từ thiện nuôi người già được thành lập bởi một nhà chùa (MXH)

Bên cạnh trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước, có một số nhà chùa lập “nhà dưỡng lão” dành cho các cụ neo đơn. Việc chăm sóc các cụ nhờ vào những thiện nam tín nữ làm công quả cho chùa. Thế nhưng những nhà dưỡng lão như vậy không nhiều, thường phải chịu thiếu thốn do nhà chùa hoạt động nhờ vào lòng thiện tâm cúng dường của Phật tử. Thêm nữa, nhà dưỡng lão của chùa còn tùy thuộc năng lực quản lý của sư trụ trì. Các thiện nam tín nữ có tâm từ bi nhưng họ không chuyên nghiệp trong công tác xã hội và hoàn toàn không được đào tạo việc chăm sóc người già.

Trong khi đó, mô hình nhà dưỡng lão “chuyên nghiệp” với hỗ trợ của các cơ quan nhà nước cùng các bộ ngành liên quan, chẳng hạn Bộ Y tế, lại gần như hoàn toàn thiếu vắng. Các cụ neo đơn nghèo khổ vẫn sống lây lất. Ai nhìn cũng động lòng và đau xót. Chỉ có “nhà nước” là vô tâm. Người ta có thể xây những ngôi chùa khổng lồ để “kinh doanh tôn giáo” nhưng chẳng ai màng nghĩ đến những cụ già khốn khó. Bọn chính quyền bỏ ra hàng tỉ để xây tượng đài và cổng chào khắp tỉnh thành nhưng chúng phó mặc số phận hẩm hiu của những cụ già. Trong những cuộc ăn chơi phè phỡn đốn mạt, chúng chắc chắn chẳng bao giờ biết đến hình ảnh bát cơm đặt trên nắp hố xí trong những “trung tâm chăm sóc” người già.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: