Tổng liên đoàn lao động Việt Nam dự định chi tiền mặt cho hơn 100,000 lao động bị giảm việc, mất việc, với mức $40- $120 (từ 1 triệu – 3 triệu đồng Việt Nam), tổng kinh phí $12 triệu (300 tỷ đồng).
Trong số đó, người bị giảm việc, giảm giờ làm nhận $40 mỗi người; lao động chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận $80 và công nhân chấm dứt hợp đồng nhưng chưa tìm được việc mới được nhận $120. Gói hỗ trợ sẽ được thực hiện trước Tết Quý Mão và dự định kéo dài đến hết Tháng Ba 2023.
Cơ quan này dự báo ra Giêng 2023 sẽ có thêm gần 288,000 lao động bị giảm việc, mất việc nên rất cần thêm các gói hỗ trợ lớn từ nhà cầm quyền.
Vnexpress dẫn lời ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết hiện có hàng chục ngàn lao động về quê nghỉ Tết trước cả tháng vì nhà máy thiếu đơn hàng, giảm việc, ngược hẳn mọi năm. Ông Hiểu dẫn thống kê đến ngày 10 Tháng Mười Hai, gần 434,000 người giảm giờ làm hoặc ngừng việc có hưởng lương, hơn 6,500 lao động tạm hoãn hợp đồng và 41,600 người đã mất việc.
75% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong các công ty FDI, tập trung ba ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam như Sài Gòn, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và An Giang. Trong số này có hàng ngàn công nhân nữ 35 tuổi trở lên, đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thống kê cho thấy lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, Sài Gòn tăng gần 26%, Bình Dương tăng 39.1%, Đồng Nai tăng 54.7% và Tiền Giang tăng 66.5% .
Cũng trên báo Vnexpress, tại tọa đàm ngày 8 Tháng Mười Hai, Viện Công nhân & Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) đã công bố khảo sát đời sống công nhân trong bối cảnh các công ty bị mất đơn hàng với kết quả: Gần 59% công nhân không có khoản tích lũy; thu nhập thực tế của họ chỉ còn $236/tháng (5.9 triệu đồng) thay vì $268/tháng (6.7 triệu đồng) như mức thống kê công bố Quý III/2022.
Cuộc khảo sát thực hiện trong Tháng Mười Một 2022 với trên 6,200 công nhân ở cả ba miền cho kết quả đáng buồn: Nếu mất việc thì có 11.7% số công nhân tồn tại được dưới một tháng; 16.7% số công nhân duy trì được 1-3 tháng; 12.7% số công nhân duy trì được trên ba tháng.
Cũng trong khảo sát này, 38% công nhân cho biết đang nợ nần và 14% trong số đó khó trả nợ đúng hạn vì có thể vướng vào tín dụng đen với lãi suất rất cao.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra tổng thu nhập trung bình của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng $349.6/tháng (8.74 triệu đồng) nhưng mức chi tiêu bắt buộc khoảng $412 (10.3 triệu đồng). Thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu nên 18% công nhân được khảo sát nói rằng họ có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần nếu mất việc. Theo quy định, người lao động sau một năm nghỉ việc mà không tìm được việc mới, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì đủ điều kiện rút một lần, song về già không có lương hưu. Những ngày đầu Tháng Mười Hai 2022, hàng trăm người lao động mất việc sau đợt dịch Covid 2021 phải xếp hàng suốt đêm trước trụ sở Bảo hiểm xã hội TP.Thủ Đức và huyện Hóc Môn chờ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần.
Dữ liệu lớn từ Navigos Group (chủ sở hữu VietnamWorks và Navigos Search) chỉ ra, nhu cầu tuyển dụng của thị trường Việt Nam trong ba tháng cuối năm giảm mạnh ở một loạt ngành nghề, bao gồm: Dệt may/da giày (giảm 44%); Nhà hàng – Khách sạn (giảm 49%); Hàng không – Du lịch (giảm 51%); Hàng hải (giảm 43%); Bất động sản (bắt đầu giảm 29% vào Tháng Mười Một); Thu mua vật tư, cung vận (giảm 30%)…