Hình ảnh ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến công du đầu tiên đến châu Âu, với lời đề nghị khiếm nhã “đề nghị Áo ưu tiên vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam”, đang chiếm sóng mạng xã hội.
Một Facebooker bình phẩm thật chua cay “Vốn vay ODA không hoàn lại nôm na cũng giống như cháo thí cô hồn mà các nước giàu thường dành cho các nước kém phát triển. Thế nhưng ông chủ tịch nước Việt Nam muốn giựt cháo thí thay vì xếp hàng.
Một Facebooker nổi tiếng khác mỉa mai “Hơn 7 thập kỷ xây dựng XHCN và kiên định theo đường lối Mác Lê nhưng vẫn ngửa tay xin viện trợ của bọn “tư bản giãy chết”. Thế mà vẫn cái giọng “đề nghị ưu tiên”. Đúng là ngạo nghễ thật!”
Nếu so sánh, Việt Nam là quốc gia có dân số gấp 11 lần, diện tích gấp bốn lần nước Áo. Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3,000km, ở vị trí trung tâm Đông Nam Á, có nguồn tài nguyên giàu có bậc nhất khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tự hào có một thể chế chính trị ưu việt với đội ngũ lãnh đạo là những người cộng sản ưu tú…
Trong khi đó, Áo không có tài nguyên gì đáng kể, không có biển và vị trí chiến lược về địa kinh tế. Áo là nước bị chiến tranh tàn phá trong Đệ nhị Thế chiến, bị Đức quốc xã chiếm đóng. Đặc điểm địa lý rất dễ bị tổn thương của quốc gia này khiến họ thường xuyên bị tấn công trong suốt chiều dài lịch sử. Trong khối EU, Áo bị coi là một nước tương đối yếu về kinh tế. GDP bình quân đầu người của Áo khoảng $53,267/người theo thống kê năm 2021. Nước Áo theo thể chính trị dân chủ nghị viện chứ không có “may mắn” được cai trị bởi những “tinh hoa” như ngài Chủ tịch Võ Văn Thưởng và đảng cộng sản Việt Nam suốt hơn bảy thập niên qua.
Ấy thế mà ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến công du châu Âu đầu tiên, trên cương vị nguyên thủ Việt Nam, đã “mở lời” bằng một đề nghị khiếm nhã như thế thực sự khiến nhiều người có lòng tự ái dân tộc ít nhiều cảm thấy “muối mặt”.
Đã nửa thế kỷ hòa bình, thống nhất trôi qua ở Việt Nam, cùng thời gian đó, Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói đã trở thành “con hổ Châu Á” thực sự. Một nước Nhật tan nát, thua trận trong Đệ nhị Thế chiến và chịu hai quả bom nguyên tử đã trở thành cường quốc từ lâu. Một làng chài nhỏ bé Singapore giờ là quốc đảo giàu có bậc nhất Đông Nam Á. Một Isarel bị khủng bố liên miên cũng đã trở thành quốc gia hùng mạnh nhất Trung Đông với lịch sử vỏn vẹn 65 năm, giữa một thế giới Ả rập đầy hận thù và luôn trong trạng thái chiến tranh…
Tất cả những quốc gia đó không có những “lãnh tụ vĩ đại”, không có chủ nghĩa cộng sản, không có tài nguyên khoáng sản. Còn Việt Nam thì sau gần tám thập niên “đời ta có đảng quang vinh” vẫn tiếp tục ngạo nghễ đi xin “cháo thí” – vốn vay ODA dành cho những nước nghèo kém phát triển từ những quốc gia “tư bản giãy chết”.
Mà không biết sao các “tinh hoa” chế độ như ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng liên tục phạm những lỗi sơ đẳng về lễ tân quốc gia cũng như phát ngôn ngoại giao khiến cho dân tình ngán ngẩm với những nhân vật “hồng phước dân tộc” như ông. Mới đây, ông Thưởng đã có màn thể hiện thất thố khi tiếp Tổng thống Hàn Quốc trên một cái ghế sắp gãy ở bờ hồ Hoàn Kiếm.
Trước đó, ông Thưởng cũng phạm lỗi ngoại giao khi thể hiện sự kém hiểu biết về luật pháp quốc tế cũng như văn hóa dân chủ và thể chế chính trị của nước bạn khi yêu cầu Toàn quyền Úc David Hurley rằng “Canberra nên kiểm soát, xử lý các cá nhân, tổ chức khủng bố có thể sử dụng lãnh thổ Úc để tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam”. Dường như ngài đương kim Chủ tịch nước đang mặc cái áo quá rộng so với năng lực, trình độ và tầm vóc chính trị của một cán bộ đoàn.
Bộ Chính trị Việt Nam vừa ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng/chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo qui định này, Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất của cộng sản Việt Nam, yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan đơn vị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người nhà cùng làm việc với người đứng đầu hoặc cấp phó cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Bộ Chính trị cũng quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án và Viện Kiểm sát Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
Nghe ra thì các qui định tổ chức cán bộ của đảng rất chặt chẽ, với những yêu cầu rất cao. Tiêu chuẩn của cán bộ cấp ủy bây giờ phải có bằng tiến sĩ, có cao cấp lý luận, đạo đức cách mạng, thành tích nổi bật… Thế nhưng thực tế thì ai cũng thấy như thế nào rồi.
Ông Nguyễn Phú Trọng, dù dành toàn bộ ba nhiệm kỳ tổng bí thư chỉ để tập trung công tác tổ chức nhân sự và “đốt lò”, nhưng cán bộ từ trung ương tới địa phương do Ban tổ chức trung ương bổ nhiệm và quản lý lại dính vào những đại án tham nhũng chấn động cả nước và những vụ vi phạm “đạo đức cách mạng”, chẳng hạn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hoặc Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh trong đại án Việt Á.
Quy định 114-QĐ/TW mới không biết sẽ áp dụng cho con cháu của “đồng chí” nào? Nhìn từ trên xuống dưới, hiếm có vị trí nào không phải là con ông cháu cha, là “hồng phúc dân tộc”. Trên thực tế, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị Việt Nam bây giờ không chỉ đơn thuần ưu tiên COCC (con ông cháu cha) mà còn phải theo cơ chế “đấu thầu”.
Nên có thể thấy rõ, Qui định 114-QĐ/TW không có ý nghĩa và cơ sở thực thi. Rồi thì người dân lại tiếp tục ngao ngán nhìn, nghe, xem cung cách, lời nói và quyết sách của bộ máy cai trị. Liệu có thế lực “phản động” nào có thể làm xấu mặt quốc thể và kéo lùi sự phát triển quốc gia hơn những kẻ “hồng phúc dân tộc” này?