Khi báo Tây “chém gió” về giáo dục Việt Nam

Giáo dục Việt Nam “so good” nhưng chưa bao giờ cơn sốt tìm đường du học cao như lúc này, trong đó có con cái đám quan chức cộng sản cấp cao (ảnh: DoanhnhanPlus.vn)

Ngày 29 tháng Sáu, tờ The Economist có một bài viết không đề tên tác giả mang tựa “Why are Vietnam’s schools so good?”. Cái tiêu đề và những lời khen ngợi có cánh của bài báo ngay lập tức được truyền thông, báo chí trong nước đăng lại với niềm hân hoan ngạo nghễ khi được một tờ báo xứ “tư bản giẫy chết” nói tốt. Trong khi đó, người dân lại được dịp cười khì. Chẳng người bình thường nào ở Việt Nam có thể đủ tự tin mà phán giáo dục Việt Nam là “OK” và hệ thống trường lớp ở Việt Nam tạo ra những sản phẩm giáo dục “so good”.

Có thể nói bài viết của The Economist phạm những lỗi sai cơ bản trong báo chí khi đưa ra kết luận mập mờ, dựa trên căn cứ thiếu thuyết phục mà như giáo sư Mạc Văn Trang trả lời RFA rằng đó là một bài báo “hời hợt”. Bài báo The Economist xuất hiện ngay thời điểm xảy ra sự kiện hàng chục ngàn phụ huynh trong 33,000 em học sinh trượt phổ thông công lập ở Hà Nội phải thức dậy từ giữa đêm để xếp hàng nộp hồ sơ xin vào hệ thống trường dân lập. Họ đứng ngồi vật vã dưới cái nắng mùa hè đổ lửa hơn 40 độ, kiệt sức và nhẫn nhục tới kinh ngạc. Có người bị móc túi trong lúc chen lấn, mất tới hơn 50 triệu. Những lời ta thán về cuộc trần ai đi xin nhập học lớp 10 cho con nghe mà rùng mình.

Mới đây thôi, báo chí còn đưa tin hàng ngàn phụ huynh cũng xếp hàng từ sớm tinh mơ để xin học cho con vào lớp Một. Thật không thể tin nổi ở giữa thủ đô, nơi mà hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông được đầu tư lớn nhất trong các tỉnh thành vẫn diễn ra cảnh như thể ở thời mông muội bao cấp. Quang cảnh khủng khiếp này tự nó đã cho thấy những vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam, về sự quá tải ở hạ tầng cơ sở, cách thức phân biệt đối xử trường công, trường tư và phân loại học sinh…, chưa kể muôn vàn bất cập khác.

Quay trở lại bài báo của tờ The Economist, lời khen ngợi có cánh của bài báo dành cho giáo dục Việt Nam bởi “thành tích xuất sắc trong các bài đánh giá quốc tế về đọc hiểu, toán và khoa học. Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới, xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với học sinh Malaysia, Thái Lan mà còn so với những học sinh Anh và Canada – những nước giàu hơn Việt Nam sáu lần.”

Bài báo cũng “tiết lộ”: “Một bí quyết thành công của giáo dục Việt Nam nằm trong lớp học: Trẻ em học nhiều hơn ở trường, đặc biệt trong những năm đầu tiên. Trong một nghiên cứu vào năm 2020, giáo sư Abhijeet Singh của Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển) phát hiện hiệu quả cao hơn của hệ thống giáo dục Việt Nam bằng cách xem xét dữ liệu từ các bài kiểm tra giống nhau của học sinh ở Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam…”

Phần còn lại của bài báo đề cập thêm một căn cứ đánh giá khác là khả năng đọc hiểu của học sinh Việt Nam sau năm năm đầu đi học cao hơn so với các nước đang phát triển khác như Ấn Độ, Indonesia, Peru, Bangladesh, Nigeria… Theo bài báo, dựa trên thành tích điểm số những bài kiểm tra về khả năng giải toán, đọc hiểu và khoa học, đặc biệt ở nhóm tuổi 5 đến 8 tuổi, thì chất lượng giáo dục Việt Nam là “so good”.

Việc đánh giá nền giáo dục một quốc gia mà dựa trên kết quả khảo sát điểm số thì thật sự có vấn đề – xét về phương pháp, nếu không muốn nói là hồ đồ. Không rõ tác giả bài báo cũng như ông Abhijeet Singh thực hiện cuộc khảo sát các nhóm đối tượng nào, thời gian, địa lý, qui mô khảo sát ra sao. Việc viện dẫn chung chung và đưa ra kết luận dưới dạng một câu hỏi “Why are Vietnam’s schools so good?” đã gây ra những cách hiểu sai về nội dung bài viết. Thực trạng không chỉ không phải như bài viết miêu tả mà còn trái ngược và thậm chí tệ hại hơn vạn lần.

Đến trẻ con cũng biết rằng giáo dục Việt Nam, thay vì tập trung phát triển thể chất, được vui chơi, học văn hóa ứng xử, kỹ năng sinh tồn, trải nghiệm thực tế về văn hóa… thì học sinh Việt Nam bị nhồi nhét đủ thứ kiến thức và đồng thời còn bị nhồi sọ chính trị. Những chuyện tiêu cực trong giáo dục Việt Nam nếu kể ra thì cần phải đến nhiều tập sách chất đầy cả một góc thư viện.

Đến trẻ con cũng biết rằng học sinh Việt Nam thiếu kỹ năng sống và thiếu tự chủ độc lập và sự tự tin. Và ai cũng biết rằng học đường Việt Nam là một môi trường bát nháo, nơi học sinh không đạt được điểm số như giáo viên chủ nhiệm mong muốn thì giáo viên bộ môn phải tìm cách nâng điểm để đạt đủ chỉ tiêu giỏi, tiên tiến; nơi sân trường trở thành thị trường mua bán bằng cấp; nơi người ta đút lót để được ngồi ghế hiệu trưởng; nơi học trò có thể đánh thầy… “cho chừa”; nơi triết lý giáo dục nhân bản được thay bằng triết học Marx-Lenin…

Chán ngán lắm! Nói đến giáo dục Việt Nam chỉ biết thở dài. Những người có trách nhiệm và có lương tâm đã lên tiếng nhiều rồi. Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ. Trong một bài báo trên tờ Giaoduc.net, có đoạn:

“Theo GS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA): “Số giáo sư, TS chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước gần 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng số lượng của một trường ĐH ở Thái Lan”.

Thống kê của Bộ KH-CN và các chuyên gia cho thấy trong 5 năm (2006 – 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 bằng sáng chế.”

Những ý kiến như Phạm Bích San không phải ít nhưng rồi như đàn gảy tai trâu. Mà “tai” của Bộ Giáo dục Việt Nam hiện tại không phải là “tai trâu”. Nó đã biến thành tai sắt – một thứ sắt được rèn bằng kim loại đúc từ độ trơ lỳ của đảng cai trị, đục mãi vẫn trơ trơ không thủng. Thế cho nên, với đa số người bình thường không bị thần kinh ở Việt Nam, những bài viết kiểu như “Why are Vietnam’s schools so good?” hoặc “Is Vietnam the Next Asian’s Miracle?” chỉ là một thứ chém gió linh tinh của những người chưa sống ở Việt Nam đủ lâu để nếm đủ mùi chua chát của một nền giáo dục mục ruỗng hoặc một xã hội đang nhung nhúc cử nhân thất nghiệp và đầy những tiến sĩ dỏm mà hầu hết chưa bao giờ có bất kỳ công trình nào đóng góp cho kinh tế quốc dân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: