Khi Hà Nội xây cầu: Nơi cần vẫn đợi, nơi chưa cần thì có sẵn, thành nơi chứa rác

Cây cầu Xuân Cẩm-Bắc Phú xây dựng xong từ năm 2020 cho đến nay một bên phía Hà Nội vẫn thiếu đường dẫn lên cầu – Ảnh cắt từ video của Tiền Phong

Cầu Xuân Cẩm – Bắc Phú, bắc qua sông Cầu, nối Hà Nội với Bắc Giang, đã xây dựng xong mặt cầu bê tông từ năm 2020 nhưng đến nay một bên vẫn thiếu đường dẫn lên xuống, trở thành cầu cụt.

Bên thiếu đường dẫn thuộc địa phận huyện Sóc Sơn (Hà Nội), vì vậy người dân hai bên bờ sông vẫn phải dùng đò để đi lại.

Cây cầu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Giang làm chủ đầu tư và thực hiện từ năm 2017, có tổng chiều dài 479.5m, bề rộng mặt cầu 12m, đã được trải thảm bê tông nhựa, sơn vạch kẻ đường và có thành cầu hoàn chỉnh.

Dự án có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng ($4,648,600), lấy từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ngân sách tỉnh Bắc Giang, nối đường vành đai 4 (tỉnh Bắc Giang) với Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên. Mặc dù đã hoàn thành xây dựng hơn ba năm qua nhưng không hiểu lý do vì sao một bên cầu (phía Hà Nội) vẫn thiếu đường dẫn lên xuống, phải dùng rào chắn chặn lại với bảng cấm lên xuống.

Người dân mỏi mòn trông có cầu để không phải đi lại bằng đò nguy hiểm, nhưng quan Hà Nội chưa vội – Ảnh cắt từ video của Tiền Phong

Tiền Phong ngày 21 Tháng Bảy dẫn lời ông Nguyễn Văn Tình ở thôn Cẩm Hà, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, bực bội phát biểu: “Khi bắt đầu xây dựng cầu, chúng tôi ai cũng phấn khởi mong chờ. Từ năm 2020 khi cầu xây xong, chúng tôi thất vọng vì cầu cụt, không có đường dẫn lên. Chúng tôi muốn sang bên kia sông vẫn phải đi đò, hiện đang vào mùa lũ rồi, đi bằng đò rất nguy hiểm, hơn ba năm rồi vẫn chưa có tiến triển gì thêm”.

Hiện nay, bến đò Cẩm Hà cách chân cầu khoảng 400m vẫn tiếp tục hoạt động, mỗi ngày đưa hàng trăm lượt người qua lại sông Cầu. Còn cây cầu thiếu đường dẫn một bên chơ vơ phơi nắng phơi mưa mà chẳng ai xót của, tội người dân, đúng là… “Hà Nội không vội được đâu”!

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Bá Hoàng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn, không giải thích lý do tại sao hơn ba năm qua xây cái đường dẫn mãi vẫn chưa xong, mà chỉ cho biết: “Hiện tại phía đầu cầu Hà Nội đang hoàn thiện mặt bằng để làm đường dẫn, dự kiến Tháng Tám này sẽ cơ bản hoàn thành (?) Hiện tại đang mùa mưa bão nên thi công tiến độ có chậm hơn, cuối năm 2023 sẽ hoàn thành toàn bộ tuyến đường dẫn”(!)

Cầu vòm sắt bắc qua hồ Linh Đàm dưới gầm đường Vành Đai 3 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội xây xong hiếm người qua lại – Ảnh: Tiền Phong

Trong khi cái đường dẫn lên xuống cầu ở huyện Sóc Sơn làm hơn ba năm vẫn chưa xong, khiến người dân phải dùng đò để qua sông, thì ngay tại quận Hoàng Mai, Hà Nội xây dựng một cây cầu vòm sắt bắc qua hồ Linh Đàm (nằm bên dưới gầm đường Vành Đai 3) dành cho xe gắn máy, xe đạp… đi lại thì hoàn toàn thưa vắng, hầu như không ai buồn sử dụng!

Tiền Phong ngày 4 Tháng Bảy 2023 phản ảnh, cây cầu này xây dựng từ năm 2021 và đã hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2022, với mức đầu tư 65 tỷ đồng ($2,746,900) nhưng hiện nay thi thoảng mới có một chiếc xe đạp hoặc xe gắn máy đi qua, một phần mặt cầu đã trở thành nơi chứa rác!

Khi bị báo chí trong nước chất vấn thì ông Đỗ Việt Hải, phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội cho biết, việc xây dựng cây cầu này là để “đi trước đón đầu, phục vụ cho nhu cầu đi lại trong tương lai”(?!) vì khu vực quận Hoàng Mai dự báo sẽ ngày càng đông dân trong thời gian tới (?)

Đầu tư hơn $2,7 triệu để thành nơi chứa rác, đó là cách Hà Nội sử dụng tiền ngân sách – Ảnh: Tiền Phong

Theo người dân tại đây, lý do vắng người qua lại trên cây cầu vòm sắt này vì nếu lên cầu thì hành trình di chuyển xa hơn đường bên ngoài, mặt khác, việc lên xuống cầu không thuận tiện.

Bà Minh, một người dân sinh sống gần cây cầu cho biết: “Từ ngày cầu đưa vào sử dụng, chưa bao giờ tôi thấy đông đúc cả, mật độ lưu thông vắng lắm, cây cầu trở thành điểm lý tưởng cho tôi đi xe đạp tập thể dục hằng ngày”.

Hình ảnh đối lập của hai cây cầu: Nơi cần thì xây dở dang để dân trông mỏi mòn, nơi không cần thì xây trước “để đi tắt, đón đầu tương lai” rồi trở thành nơi chứa rác, cho thấy cách Hà Nội sử dụng ngân sách tùy tiện và hoang phí đến cỡ nào!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: