Đó là nói thì tương lai còn hiện tại thì trẻ em sắp sửa nhăn trán, chống cằm nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai để cho ý kiến giúp Quốc hội đang bí không biết làm thế nào cho vừa lòng dân, bởi các đại biểu cũng đang nhíu mày nhăn trán nhằm phát biểu một điều gì đó khiến cả nước ngạc nhiên hay cười khỉnh, và ai nấy đều biết các vị ấy đang rất bận, rất nghiêm túc bấm nút, nghiêm túc đến nỗi 100% đều bấm cho chức vụ Chủ tịch nước vừa qua không có lấy một người bấm sang chỗ khác!
Cái Luật đất đai này thiệt tình làm khó nhà nước ta quá mức. Không biết vì lý do gì mà nó cứ được mang ra sửa đi chỉnh lại hoài mà lần nào cũng như lần nấy một điều duy nhất dân chúng kỳ vọng và chờ đợi nhiều nhất là cái câu “sở hữu toàn dân” bị bỏ đi thì nó lại không bao giờ được nhắc tới. Nó nằm ềnh ra đó như thách thức “toàn dân” về cái quyền rất là linh tinh này. Linh tinh vì toàn dân sở hữu thì khác gì chẳng có thằng dân đen nào nắm được một cục đất trong khu vườn nhà mình trong khi “toàn dân” thằng nào cũng chăm bẳm nhìn vào miếng đất bé tí teo đó. Toàn dân ở đây xin được nhấn mạnh là nhà nước, vì nhà nước bao gồm luôn toàn dân rồi chứ có anh dân nào thoát ra cái guồng máy thao túng chữ nghĩa này đâu?
Không phải tự nhiên mà dư luận cuống cuồng lăng mạ cái cha nội đưa ra quyết định kéo trẻ em vào “hội luận” cái Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2023 khi mà ngay cả người lớn cũng choáng ngợp vì sự trùng trùng chữ nghĩa của nó. Nếu rảnh rỗi, thử vào trang thông tin chính phủ mà xem, cái văn bản Dự thảo luật này tổng cộng 86,181 chữ với 16 chương và 236 điều!
Vậy mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai khiến dư luận xôn xao. Ông phó chủ tịch hội khẳng định đã làm đúng quy định pháp luật.
Ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội), cho biết: “Việc lấy ý kiến trẻ em về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến toàn dân. Trẻ em cũng là một công dân và cũng cần được lấy ý kiến”.
Ông Bổn nguyên là Vụ trưởng Vụ pháp chế của Bộ Lao động và Thương binh xã hội nhé! Một người chuyên trách pháp luật như ông lại không hiểu rằng “trẻ em” và “công dân” khác nhau như thế nào. Ông ấy không biết công dân là người trưởng thành, đủ tuổi quy định để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử, còn trẻ em thì chỉ có quyền được bú mớm, được nhà nước bảo vệ bằng những đạo luật riêng về quyền trẻ em và dĩ nhiên không ai được bắt buộc trẻ em phải căng mắt ra “nhìn” các ông diễn thuyết và… ngủ!
Hay ông Bổn đang chơi trò đánh bida, đánh trái này nhưng lại trúng trái kia. Ông muốn đá xéo toàn bộ Đại biểu quốc hội chỉ là những con ngáo ộp chuyên tụm năm tụm ba đưa ra những quy định quái gở mà bỏ bê nguyện vọng của quần chúng nên ông ấy đem trẻ em vào nhắc khéo các vị ấy hay chăng?
Mà cũng phải, dân bỏ tiền ra nuôi các ông các bà để làm gì khi câu chuyện Dự thảo Luật đất đai đã kéo dài biết bao nhiêu năm từ khi Cộng sản “lập quốc” đến giờ mà ý nguyện của toàn dân vẫn không ai đụng đến. Kịch bản một bầy trẻ em ngồi khóc la cười cợt bên cái Dự thảo rất nghiêm trọng của đất nước không phải là một kịch bản quá tuyệt vời hay sao? Ông Hà Đình Bổn đang theo gót chân của Lưu Quang Vũ viết những kịch bản “hết cả hồn” nhưng lại bị quần chúng xua đuổi vậy là ông này xui!
Hay là ý tưởng này ông Bổn nhận được từ Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị cho một hình thức mới trong vai trò tuyên vận và nhồi sọ trẻ em? Nếu một ngày nào đó dư luận hờ hững với những đề nghị mới nhìn thì trẻ con nhưng ngẫm lại kỹ rất là thủ đoạn như cách mà ông Bổn đang giở trò.
Cái thủ đoạn của người nghĩ ra việc này là tạo một con đường mòn để vài năm sau sẽ trở thành đường thật, hiển nhiên và thực tế vì hàng ngàn người đã cùng nhau đi trên con đường đó. Nếu trẻ em bị cưỡng bức tới ngồi họp nhằm lấy ý kiến thì sau này trong sách giáo khoa sẽ viết rằng “Chúng ta dân chủ gấp ngàn lần bọn tư bản vì ngay khi ngồi ghế mẫu giáo chúng ta đã ý thức trách nhiệm công dân bằng cách tham gia góp ý kiến trong những vấn đề trọng đại của đất nước”.
Đừng thấy câu chuyện cho trẻ em góp ý là ngô nghê, nó tiềm ẩn những thứ bất ngờ khó ai nghĩ tới. Nó giống như câu chuyện của ông Võ Văn Thưởng làm “Chủ tiệm nước”, không ai nghĩ tới nhưng lại hồn nhiên xảy ra. Vậy thì ai dám chắc rằng từ đây sẽ không có chuyện kéo trẻ em vào làm những chiếc bung xung chính trị?
Luật Đất đai tại Việt Nam đang là cái ách đè còng lưng toàn dân. Nó là vận mệnh quốc gia đang bị thao túng bởi guồng máy nhằm giữ thật chắc quyền lực nhằm trói buộc người dân. Hiểu rõ nó là những người dân oan, những trí thức đau đáu với quyền tư hữu cũng như những ràng buộc nhằm phát triển đất nước chứ không phải dành riêng cho bất cứ nhóm người nào. Tung ra Dự thảo nhằm sửa đổi luật đất đai là hình thức ru ngủ người nhẹ dạ, hay người không quan tâm, nó không bao giờ là việc làm đứng đắn của Quốc hội như người ta nghĩ.
Có lẽ sửa hoài mà không đổi nên toàn bộ Đại biểu Quốc hội đâm chán nên xúi ông Hà Đình Bổn kéo trẻ em vào vừa vui vừa đá trái bóng sang chân khác không phải là lưỡng toàn sao?