Sự kiện hai video clip lan truyền trong giới sinh viên, với nội dung được mô tả là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp tập thể từ trường huấn luyên quân sự, sau khi bị hệ thống truyền thông của nhà nước và cả phía nhà trường mở chiến dịch dập tắt, nay lại tiếp tục dấy lên các câu hỏi.
Trong sự kiện đêm 11 Tháng Giêng, khi các sinh viên trường HUFLIT chuyền tay nhau hai đoạn video, tố cáo vụ bê bối ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQP&AN), trường Quân sự Quân khu 7, quân đội và truyền thông, kết hợp với cả trường ban giám hiệu trường HUFLIT đã nhanh chóng mở họp báo và phủ nhận sự việc. Tuy nhiên ngay tại buổi họp báo ngày 12 Tháng Giêng, sự chắp vá và không đồng nhất nội dung diễn đạt lại càng làm cho công chúng tin rằng mức độ của vụ bê bối là như thế nào thì chưa rõ, nhưng chắc chắn là phải có.
Cụ thể, hai nữ sinh xuất hiện xác nhận tại họp báo là chủ nhân của hai đoạn video, trong khi Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, người phát ngôn của quân khu 7 thì khẳng định chỉ có một đoạn video mà thôi. “Clip có hình khiêng người đi là hoàn toàn không xảy ra, đây là clip xuyên tạc, không có thật”, ông đại tá cũng không giải thích về bản video thứ hai đó, với nội dung xảy ra cùng thời điểm. Cuộc họp báo đã kết thúc nhanh – chủ yếu là giành quyền tuyên bố – đến mức nhiều phóng viên của các báo đã ngỡ ngàng vì không kịp đặt câu hỏi.
Có lẽ vì tính bất nhất và lộ vụng về trong trình bày, hệ thống các trang web, nên sau đó, trên các diễn đàn của các tuyên truyền viên nhà nước đồng loạt đưa tin giải thích thêm về các âm thanh khóc la, và quát nạt trong video khiến người xem “hiểu lầm là vụ cưỡng hiếp”, là do các thế lực phản động chỉnh sửa và lồng ghép và chống phá chế độ và đang chuẩn bị đưa vào khởi tố. Tuy nhiên, việc định danh cụ thể ai hay từ đâu đã lồng ghép thì phía Trung tâm GDQP&AN không nói.
Điều kỳ lạ, khi đe dọa khởi tố những người đưa tin, công an cũng khẳng định người tạo ra sự kiện này là Bùi Văn Thuận. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Thuận, một thầy giáo bất đồng chính kiến ở Thanh Hóa, đã bị công an bắt giữ với điều 117 từ tháng Tám 2021. Tin tức của phía công an đưa tên và ảnh của ông Bùi Văn Thuận rất lập lờ, như kiểu đã giải quyết xong sự việc.
Đây cũng là chuyện yếu kém nghiệp vụ của ngành công an điều tra trong vụ án ông Bùi Văn Thuận. Khi kết tội ông Thuận ở phiên tòa ngày 19 Tháng Mười Một 2022, công an chỉ dựa vào trang Facebook có tên và ảnh của ông Thuận, và khẳng định nội dung trong đó cho thấy ông Thuận chống chế độ và tuyên bố đã kiểm soát trang này. Thế nhưng ngay tại phiên tòa, ông Thuận khẳng định ông không liên quan và yêu cầu trình chiếu trang Facebook này tại tòa, vì lúc đó trên trang có những bài giễu cợt ngành công an và tòa án Thanh Hóa kém cỏi, khi cho biết chủ nhân thật của trang Facebook vẫn đang ung dung ngoài vòng pháp luật.
Nhiều người bạn của bà Nhung, vợ ông Thuận đã nhắn tin, kêu gọi bà khởi kiện các nơi đưa tin cáo buộc vụ tạo ra bê bối ở trường quân khu 7 là từ chồng mình – kể cả hiệu trưởng trường đại học HUFLIT – vì ông này nói với sinh viên, cũng có ý đổ vấy cho ông Thuận “thế lực phản động” về âm mưu kích động gây hoang mang.
Sự kiện đáng nói gần nhất, là sau khi đã phủ nhận tất cả những chi tiết đầy uẩn khúc trong lần họp báo mà không có câu trả lời chi tiết rõ ràng, công an và quân đội đã lại phối hợp với một công ty ở Việt Nam, giả mạo hãng phát hành phim ViacomCBS Inc của Mỹ để báo cáo bản quyền, xóa mọi video được nữ sinh T. của trường HUFLIT tự mình quay trên điện thoại, để không thể post được ở Việt Nam. Thậm chí, những người đăng lại tin này, cũng bị lực lượng tuyên truyền viên báo cáo vi phạm với Facebook.
Một nhóm sinh viên cho biết, họ đang liên lạc với Viacom CBS Inc để làm rõ về vụ chiếm đoạt bản quyền video và sinh viên Việt Nam quay được ở Trung tâm GDQP&AN, mục đích là làm rõ có điều mờ ám nào trong sự kiện này không.