Làn sóng trả mặt bằng lan từ Hà Nội đến Sài Gòn

Nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và túi xách thủ công ở Đồng Khởi đóng cửa từ cuối năm 2021 đến nay vẫn chưa có ai thuê – Ảnh An Vui chụp góc đường Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi

Từ Hà Nội đến Sài Gòn, làn sóng trả mặt bằng tại các khu đất “vàng/kim cương” đang lan nhanh chưa từng có. 

Trong hai tuần lễ, từ cuối Tháng Năm 2023 đến nay, có rất nhiều tờ báo trong nước đề cập đến làn sóng trả mặt bằng tại các khu đất “vàng/kim cương” thuộc hai đô thị Hà Nội và Sài Gòn.

Ghi nhận của Lao Động ngày 5 Tháng Sáu cho thấy, trên các tuyến phố Hà Nội như Cầu Giấy, Phạm Văn Đồng, Hàng Bông… nhiều mặt bằng kinh doanh dù đã treo biển cho thuê cả tháng nay nhưng vẫn bỏ trống, vắng bóng khách thuê.

Chủ một mặt bằng trên phố Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết muốn cho thuê mặt bằng kinh doanh tầng 1, diện tích 78m2 với giá 45 triệu đồng/tháng, tiền cọc đóng một tháng, tiền thuê ứng trước ba tháng. Như vậy, khi thuê mặt bằng này, nhà đầu tư sẽ phải đóng trước 180 triệu đồng ($7,660).

Tương tự, một mặt bằng khác trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có giá thuê 70 triệu đồng/tháng, vẫn chưa có ai hỏi thuê, vì nếu ký hợp đồng, họ sẽ phải ứng trước 280 triệu đồng ($11,916), gồm tiền đặt cọc, tiền thuê nhà trong ba tháng.

Một mặt bằng trống trên phố Cầu Giấy, đang được rao cho thuê với giá 45 triệu đồng/tháng – Ảnh: Lao Động

Ông Trần Văn Kiên, chủ một mặt bằng đang treo biển cho thuê trên đường Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ông rất bất ngờ khi nhiều tháng nay không có khách hỏi thuê. Không chỉ riêng gia đình nhà ông Kiên, hàng loạt mặt bằng kinh doanh trên tuyến phố này cũng đóng cửa. Ông Kiên nói: Giá thuê ở đây đang dao động từ 25 – 50 triệu đồng/tuỳ vị trí, diện tích. Trước dịch COVID-19, khu này kinh doanh rất sầm uất nhưng gần đây thì vắng vẻ không tưởng tượng được.

Trên nhiều diễn đàn cho thuê mặt bằng, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội liên tục đăng tin sang nhượng gấp toàn bộ, kể cả nội thất, đồ đạc, chỉ mong lấy lại được hai tháng tiền nhà và một tháng tiền cọc từ người thuê mới.

Lao Động nhận định, giá thuê vẫn liên tục tăng cao, bất chấp thị trường ảm đạm, khiến nhiều mặt bằng trên các tuyến phố trung tâm Hà Nội liên tục bị bỏ trống. Nhiều nhãn hàng, thương hiệu buộc phải dịch chuyển mặt bằng kinh doanh vào trong hẻm, ra ngoại ô, hoặc lên… mạng, để giảm chi phí.

Bà Thái Thị Hồng Nhung, kinh doanh thực phẩm online ở đường Tô Hiệu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho  biết lý do bà chuyển sang bán online vì tiền thuê mặt bằng tăng cao, cộng với tiền đặt cọc lớn trong khi buôn bán ế ẩm.

Ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố lớn của Hà Nội và Sài Gòn đang bỏ trống do giá chào thuê quá cao, ước tính đã tăng thêm 30 – 40% so với 2019 (trước dịch), thậm chí có nơi còn tăng 100%.

Bà Trang Bùi, giám đốc điều hành Cushman & Wakefield, cũng nhận xét, lần đầu tiên sau đại dịch COVID-19, số công ty đóng cửa trong quý I/2023 đã nhiều hơn số công ty mới và tái hoạt động. Cụ thể, số công ty gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 đạt 56,946, giảm 5.4% so cùng kỳ năm 2022, còn số công ty tạm ngưng hoạt động và giải thể lên đến 60,241 đơn vị, tăng 17.4% so cùng kỳ 2022. Diễn biến này đang tạo thêm áp lực lớn cho thị trường văn phòng cho thuê.

Mặt bằng Hà Nội bỏ trống hàng loạt, chủ nhà ngậm ngùi nói khu phố kinh doanh sầm uất giờ vắng vẻ chưa từng thấy – Ảnh: Lao Động

Trong báo cáo về thị trường quý I/2023 của CBRE, đơn vị này ghi nhận các giao dịch thu hẹp mặt bằng thuê và trả mặt bằng với quy mô lớn cũng tăng lên. Điều này dẫn đến tỷ lệ trống văn phòng hạng A và hạng B lần lượt là 6.9% và 9.8%, tăng 0.7% và 1.1% so với quý IV/2022.

Lao Động cũng dẫn báo cáo nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam cho biết, trong quý I/2023, các “đại gia” đầu ngành như Novaland, FLC… thu hẹp quy mô, giảm nhân sự, dẫn đến lượng tiêu thụ văn phòng âm gần 9,000 m2 sàn.

Trong khi đó, báo cáo của JLL Việt Nam cho thấy trong quý I/2023, nguồn cung văn phòng tăng đáng kể. Nếu Hà Nội có thêm 23,000 m2 sàn hạng A ở khu vực trung tâm, thì diện tích văn phòng hạng A tại Sài Gòn hiện đạt trên 308,325m2, tăng thêm 16,200 m2 so với quý trước.

Nguồn cung tăng lên, còn nhu cầu thuê lại sụt giảm, khiến tỷ lệ trống văn phòng khu vực trung tâm tại Sài Gòn tăng lên 5.6%; tỷ lệ trống văn phòng tại Hà Nội là 23.2%, tăng 3.9%.

Chuyên gia của JLL lý giải, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một số khách hàng thuê văn phòng hạng A khu vực trung tâm đã có xu hướng chuyển sang thuê văn phòng trong tòa nhà hạng B, nhà phố thương mại, hoặc giạt ra vùng ven để giảm, tiết kiệm chi phí.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 31 Tháng Năm, con đường sang trọng, sầm uất bậc nhất là đường Đồng Khởi, chỉ dài 630m nhưng đã có hơn 15 hàng, quán đóng cửa, treo bảng cho thuê.

Tương tự, chỉ riêng 2km của con đường Hai Bà Trưng từ chợ Tân Định đến tượng đài Trần Hưng Đạo (quận 1), có không dưới 30 mặt bằng treo bảng cho thuê.

Còn tại đường Lý Tự Trọng, hiện có hơn 20 mặt bằng treo bảng cho thuê, chủ yếu là các mặt bằng được trả từ các thương hiệu thời trang và các doanh nghiệp trong ngành F&B (thực phẩm và thức uống).

Còn tại đường Lê Lợi, số lượng mặt bằng tại tầng trệt đang để trống, treo bảng cho thuê vẫn khoảng 20 mặt bằng, không thay đổi so với khảo sát hồi Tháng Chín 2022, khi con đường này vừa mới tháo rào chắn.

Làn sóng trả mặt bằng cũng lan đến khu vực hồ Con Rùa (quận 1), đường Phạm Ngọc Thạch, Bưu Điện thành phố và khu vực quanh nhà thờ Đức Bà khi cửa hàng phân phối sản phẩm Apple, các tiệm cà phê có thương hiệu như Chuk Chuk, PhinDeli, Saigon Casa, Passion, Cafe Saigon La Poste… cũng đóng cửa.

Tại khu vực nhà thờ Đức Bà, thương hiệu chuyên phân phối các sản phẩm Apple đã thông báo đóng cửa – Ảnh cắt từ video của Thanh Niên

Dữ liệu từ Batdongsan (thuộc tập đoàn PropertyGuru) cho thấy tính đến ngày 31 Tháng Năm, lượng đăng tin cho thuê mặt bằng tại bốn con đường trung tâm Sài Gòn bao gồm Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Lợi đã tăng mạnh trong Tháng Năm. Tại đường Hai Bà Trưng có 122 mặt bằng rao cho thuê, Lý Tự Trọng là 67, Lê Lợi là 31 và Đồng Khởi là 26.

Đáng chú ý, đường Đồng Khởi có lượng tin rao cho thuê tăng gần gấp bốn lần so với thời điểm 2021.

Ông Đinh Minh Tuấn, giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho biết số lượng các mặt bằng đăng tin cho thuê đã tăng hơn 30% so với Tháng Năm 2022, nhưng giá thuê vẫn tăng 9% so với năm ngoái! Ông Tuấn cho rằng đây là thời điểm khắc nghiệt nhất của nhà phố, khi chủ nhà dù ế vẫn tăng giá, còn người đi thuê thì doanh thu không bù nổi các chi phí, lớn nhất là “gánh nặng” mặt bằng, trừ khi chủ mặt bằng chia sẻ khó khăn với người thuê bằng cách… giảm giá.

Tuy nhiên, ông Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, cho rằng rất khó để chủ các mặt bằng giảm giá, chỉ những người vay tiền mua nhà cho thuê mới buộc phải giảm giá, còn người rủng rỉnh sẽ neo giá. Theo ông Khương, các chủ mặt bằng kỳ vọng giá sẽ phục hồi, nếu giảm sẽ khó lên lại nên họ sẽ không hạ giá, thà để trống. Với tình hình hiện tại, ông Khương cho rằng số lượng mặt bằng để trống sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Tuổi Trẻ cũng dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2023, có 88,000 công ty ngưng hoạt động hoặc giải thể,  tăng gần 30% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung mỗi tháng có 17,600 công ty âm thầm rời khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam chưa phục hồi như trước dịch, khách quốc tế đến Việt Nam không đạt mục tiêu. Sau dịch, Việt Nam mở cửa sớm nhất nhưng số khách quốc tế vào Việt Nam lại thấp nhất, so với các nước trong khu vực. Năm 2022, Việt Nam chỉ đón 3.5 triệu khách quốc tế so với mục tiêu 5 triệu khách. Còn năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế và sau 5 tháng, đã đón gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12.6 lần năm 2022, nhưng vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: