Áo dài “Non sông gấm vóc” có tà áo thân sau dài 178m (7,007 inches), nặng gần 200kg (440lb) của nhà thiết kế Phương Hồ vừa được xác lập kỷ lục “Áo dài có tà dài nhất Việt Nam”.
Kỷ lục này là một trong ba kỷ lục Guinness Việt Nam vừa được xác lập trong khuôn khổ lễ hội đền Hùng và tuần lễ văn hóa – du lịch đất tổ năm 2023 diễn ra từ ngày 20 – 29 Tháng Tư 2023 tại Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Hai kỷ lục khác là cung đường trình diễn dài nhất Việt Nam với hơn 500m (1,640 feet) tại cầu Vàng (tỉnh Phú Thọ) và số lượng người mặc áo dài tham dự sự kiện văn hóa, nghệ thuật đông nhất Việt Nam, gần 4,000 người.
Theo Tuổi Trẻ, ba kỷ lục này góp phần quảng bá du lịch Phú Thọ nói chung, thành phố Việt Trì nói riêng đến đông đảo du khách trong và ngoài nước (?)
Quay trở lại, kỷ lục tà áo dài dài nhất Việt Nam đã được thực hiện như thế nào? Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà thiết kế Phương Hồ cho biết chiếc áo dài “Non sông gấm vóc” có chiều dài tà áo thân sau là 178m, bằng với chiều dài của chiếc cầu Vàng (tỉnh Phú Thọ) khi trình diễn thời trang, nặng gần 200kg, được thực hiện gần hai tháng. Áo gồm phần thân và phần tà áo, trong đó tà áo thân sau được ghép từ 30 mảnh vải (sử dụng hàng trăm mét vải tafta, voan, gấm lụa) vừa vẽ, vừa thêu tay, đính đá, đính pha lê… tạo nên các họa tiết đại diện cho các danh lam thắng cảnh của Việt Nam. Xen kẽ trên thân áo sau là hình ảnh hoa sen được thực hiện bằng chất liệu vải gấm, xếp nổi 3D.
Để vận chuyển cái áo khổng lồ này từ Sài Gòn đến Phú Thọ không dễ dàng, ê kíp thực hiện phải chia nhỏ tà áo dài. Khi hàng đến Phú Thọ, phải thuê máy may và nhân viên nối ráp tà, ủi cho thẳng.
Tội nghiệp cô người mẫu nào phải mặc cái áo dài có trọng lượng gấp ít nhất bốn lần trọng lượng cơ thể của cô ấy, nên nhà thiết kế phải huy động rất nhiều thanh niên thiếu nữ khỏe mạnh nâng tà áo dài sau khi người mẫu lên trình diễn tại cầu Vàng! Nhìn hình ảnh đăng trên Tuổi Trẻ (do nhà thiết kế cung cấp) thì thấy cái vạt áo dài thân sau chỉ được cái là “to khổng lồ”, hoàn toàn che khuất người mặc, họa tiết trên thân áo chỉ là sự gán ghép hình ảnh không hài hòa, giống như thừa vải đem quét nền (đất) thì đúng hơn.
Còn hình cô người mẫu trình diễn áo dài này trên cầu Vàng với cảnh nhiều thanh niên thiếu nữ xếp hàng hai bên nâng vạt áo sau lên trông thật kỳ quặc. Phải nói cái tà áo dài thân sau của Phương Hồ thiết kế là một sự sao chép đuôi áo đầm cưới của cô dâu phương Tây, thường được làm bằng ren nhẹ và mang vẻ bềnh bồng yêu kiều, còn đàng này lại là một tảng vải, kết một đống đá và hạt pha lê nặng đến 440lb!
Tiền Phong dẫn lời đại diện ban tổ chức cho biết thông qua chiếc áo dài “Non sông gấm vóc”, ban tổ chức thể hiện mong muốn hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn các vị vua Hùng (?) và còn mô tả “chiếc áo dài khắc họa vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của dải đất Việt Nam hình chữ S, lấy đền Hùng làm trung tâm kết nối và lan tỏa ra các phía là 30 danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam”.
Một sự gán ghép ý nghĩa cho cái tà áo khổng lồ, nhìn giống như mảnh vải thừa trên thân thể người mẫu, vì chắc chắn là nếu không có hai hàng người xếp hàng nâng tà áo thì cô người mẫu mặc chiếc áo này không thể bước đi nổi!
Việc sáng chế ra tà áo dài thân sau khổng lồ thế này để có kỷ lục, chẳng qua cũng giống như… cái bánh chưng khổng lồ, tô mì Quảng khổng lồ, cái nón lá kết bằng hoa loa kèn khổng lồ… Hơn 10 năm nay, Việt Nam chưa bao giờ biết mệt khi tìm cách xác lập các loại kỷ lục vớ vẩn “to nhất, dài nhất, khủng nhất”.
Thế mà lạ kỳ thay, truyền thông trong nước không hề có ý kiến gì với loại kỷ lục “Áo dài có tà dài nhất Việt Nam” này. Chỉ cần đặt câu hỏi: “Làm cái áo dài có tà áo thân sau dài nhất để làm gì? Ai dám mặc? Ai có thể bước đi với cái áo dị dạng như thế?” là đủ thấy sự vô nghĩa của cái kỷ lục này.
Cũng không có tờ báo nào đặt câu hỏi là kỷ lục này do ai trao, quy trình xét duyệt để trao kỷ lục được lập ra như thế nào? Chỉ biết là “Việc gửi hồ sơ xin xác nhận kỷ lục Guinness Việt Nam được UBND thành phố Việt Trì phối hợp với một đơn vị thực hiện. UBND thành phố Việt Trì cung cấp thông tin cần thiết và việc gửi hồ sơ là công ty chịu trách nhiệm”, đại diện ban tổ chức thông tin cho Tiền Phong. Công ty nào chịu trách nhiệm thì tờ báo không nói rõ.
Trước sự lùm xùm của các kỷ lục quái lạ ở Việt Nam, Dân Việt ngày 15 Tháng Bảy 2016 đã phỏng vấn ông Lê Trần Trường An, Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings). Ông An cho biết thế giới có ba tổ chức kỷ lục thế giới với đường lối hoạt động riêng. Đầu tiên là Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới có trụ sở tại Anh, đã thành lập được gần 60 năm và chủ yếu xác lập các kỷ lục mang tính chất phi thường, kỳ lạ, tổ chức này uy tín nhất; thứ hai là Hiệp hội Kỷ lục Thế giới, được các tài phiệt Trung Quốc thành lập tại Hồng Kông năm 2008 để xác lập các kỷ lục cho người Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới, sau mới mở rộng hơn cho các quốc gia khác; thứ ba là Liên minh Kỷ lục Thế giới đặt trụ sở tại Ấn Độ và mới đây vừa có thêm trụ sở tại Hoa Kỳ, do 11 tổ chức kỷ lục tại các quốc gia hợp lực thành lập ba năm trước (tức năm 2013), trong đó có Việt Nam mà đại diện là Vietkings.
Nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thích kỷ lục ở Việt Nam, sau 13 năm thành lập, Vietkings đã xác lập hơn 1,800 kỷ lục, trong đó có khoảng 700 kỷ lục gia, còn lại là kỷ lục của doanh nghiệp! Đối với những kỷ lục mang tính chất cá nhân, từ thiện xã hội, phục vụ cộng đồng thì không phải đóng phí; nhưng các kỷ lục mang tính chất quảng cáo, đánh dấu cho một thương hiệu nào đó thì phải đóng phí, và chi phí thì rất vô chừng!
Thế là đã rõ. Có tiền là có kỷ lục (và kỷ lục chỉ do các công ty Việt Nam cấp), và vì nghĩ ra cái gì đó “to nhất”, “dài nhất”, “khổng lồ nhất” dễ hơn “độc đáo nhất”, “sáng tạo nhất”, “hữu ích nhất”, nên ở Việt Nam mới lắm thứ kỷ lục quái dị.