Long An: Tình người trong mái ấm Đức Ái, nơi nuôi nấng những cụ già neo đơn

Đức cha Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, đến giảng phúc âm tại mái ấm Đức Ái do bà Kính, một tín hữu đạo Công giáo thành lập – Ảnh: Mái ấm Đức Ái

Có một cựu giáo viên đã dùng tiền của mình xây nhà nuôi nấng những cụ già neo đơn. Bà đã mất vì bệnh ung thư và hiện mái ấm Đức Ái do bà thành lập vẫn được những người bạn và cộng đoàn Công giáo duy trì theo tâm nguyện của bà.

Thanh Niên ngày 22 Tháng Ba 2023 đã kể về tấm lòng nhân ái của một nhóm thiện nguyện trẻ Sài Gòn tại mái ấm Đức Ái. Phóng viên Thanh Niên đã cùng với nhóm thiện nguyện này đi bằng xe gắn máy đến mái ấm Đức Ái (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), cách trung tâm Sài Gòn gần 40km (24.8 miles) để thăm 20 cụ già neo đơn đang sống ở đây. Ngày vui của các cụ là đón những “đứa cháu con người dưng” đến thăm.

Trưởng nhóm tình nguyện là Bùi Tấn Minh cho biết nhóm của họ vài năm nay chọn mái ấm này để làm công việc thiện nguyện như trao quà, nấu bữa trưa đãi các cụ, và quý nhất là chia nhau ra cùng ngồi trò chuyện và chăm sóc các cụ. Khẩu hiệu của nhóm là “Trao yêu thương, nhận nụ cười”.

Đường xa, mỗi xe gắn máy đều chở thêm một người, với những túi quà gồm cháo gói, sữa, dầu gió, cồn xoa bóp, thuốc sát trùng, thuốc bổ, tã giấy. Và giống như mọi lần khác, khi đến mái ấm họ sẽ chia nhau ra, người đi chợ, người ở nhà… để nấu bữa trưa đặc biệt cho các cụ. Thực đơn hôm nay là mì sợi với nước lèo được nấu từ xương, thịt, rau củ….“Tổng đạo diễn” món mì là thạc sĩ ngành kinh tế quốc tế Trần Thị Thanh Ngân, còn “chủ nhiệm” nồi nước lèo là chàng kỹ sư điện máy Nguyễn Văn Tuấn.

Giữa trưa, những tô mì nóng hổi được dọn lên bàn trong nhà ăn. Những cụ già quây quần bên nhau thưởng thức ngon lành món ăn đặc biệt hơn thường ngày và ai cũng ăn hết tô đầy, có cụ ăn được hai tô.

Xong bữa trưa, các cụ và nhóm tình nguyện viên ngồi trò chuyện. Có những cụ già thường ngày nằm mãi trên giường vì sức khỏe kém, nhưng mỗi khi nhóm của Bùi Tấn Minh đến thì như được tiếp thêm sức khỏe, cụ nào cũng lọ mọ ngồi dậy để nói chuyện với những “đứa cháu con người dưng”.

Buổi chiều khi nhóm thiện nguyện ra về, nhiều cụ ráng ra gần cổng tiễn với lời dặn dò mong sớm gặp lại các cháu.

Đoạn cuối của bài viết, Thanh Niên cho biết những người đang chăm sóc các cụ tại mái ấm như cô Sáu, cô Mai, bác Hạnh đều hoạt động tình nguyện, không có lương, vì họ theo đạo Công giáo. Cô Sáu nói: “Lương của chúng tôi là do Chúa trả”. Chi phí duy trì mái ấm đều là tiền đóng góp từ cộng đoàn Công giáo, trong đó có cả tiền túi của những người phục vụ.

Một cụ bà ở mái ấm Đức Ái tấm tắc khen mì nấu ngon với “đứa cháu người dưng” từ Sài Gòn xuống thăm – Ảnh: Thanh Niên

Báo Long An ngày 10 Tháng Ba 2021, viết về mái ấm Đức Ái cũng nhận định đây là gia đình của các cụ già neo đơn vì thấm đậm tình người, chan chứa yêu thương giữa họ với nhau và giữa họ với những người tình nguyện chăm sóc. Thời gian này mái ấm có tất cả 22 cụ. Các cụ còn khỏe sẽ phụ giúp dọn dẹp vệ sinh, nấu ăn và chăm sóc các cụ già yếu hơn. Ông Phan Văn Hạnh, đại diện mái ấm Đức Ái cho biết: “Mái ấm do tôi và chị Lê Thị Kính thành lập cách đây 11 năm. Ban đầu chỉ là căn nhà sàn nhỏ nhận nuôi ba cụ già tật nguyền. Sau đó, nhiều cụ già có hoàn cảnh khó khăn biết đến mái ấm và xin vào nương tựa. Hiện nay, mái ấm cưu mang 22 cụ già neo đơn từ 62-96 tuổi, hầu hết các cụ đều rất yếu, sinh hoạt cá nhân đều cần người khác giúp đỡ”.

Vì bà Kính đã qua đời, ông Hạnh và những tình nguyện viên ở mái ấm vẫn viết tiếp câu chuyện thấm đậm tình người. Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, phụ trách hoạt động của mái ấm, trải lòng: “Ban đầu, tôi dự định đến đây nấu ăn cho các cụ già hai tuần rồi về. Vậy mà đến nay, tôi gắn bó với mái ấm hơn 4 năm. Ở đây, tôi không chỉ nấu ăn mà còn giúp các cụ việc vệ sinh cá nhân và xem đây như mái nhà thứ hai của mình”.

Chính trái tim nhân ái của ông Hạnh, bà Kính, bà Mai đã kết nối được nhiều nhà hảo tâm đến đóng góp vật chất chăm lo cho các cụ tại mái ấm. Hiện nay, mái ấm được xây dựng trong khuôn viên gần 3,000m2, trong đó gồm 8 phòng ngủ, 1 nhà bếp, 1 phòng y tế, 1 phòng khách. Mái ấm không chỉ có nhiều cây xanh thoáng mát mà còn rất sạch sẽ.

Không chỉ chăm sóc các cụ đầy đủ về vật chất, mái ấm còn quan tâm đến đời sống tinh thần cho các cụ. Bà Nguyễn Thị Phi Long (quê Sài Gòn) bộc bạch: “Tôi vào mái ấm được hơn 9 năm. Ở đây, ban đại diện mái ấm chăm sóc chẳng khác nào người thân trong gia đình. Giờ đây, tôi xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình”. Ông Lương Văn Sâm (quê Bình Dương) nói: “Không có mái ấm này chắc tôi chết lâu rồi. Lúc chưa vào mái ấm, tôi bệnh không có tiền chữa trị, thậm chí cả ngày không có gì để ăn. Giờ vào đây, tôi được chăm sóc chu đáo lắm”.

Bà Lê Thị Kính (đứng) đang chia các phần cơm cho các cụ trong mái ấm Đức Ái – Tháng Chín 2017, lúc bà đang trị bệnh ung thư – Ảnh: Pháp Luật

Trước đó, Pháp Luật ngày 5 Tháng Chín 2017 kể về bà giáo Lê Thị Kính ở phường 4, quận 8, Sài Gòn. Bà là cựu giáo viên tại trường cấp 2 Hồng Bàng, quận 5, ấp ủ ý định xây nhà cho các cụ già neo đơn từ ngày còn đi dạy. Bà để ý có nhiều cụ sống lang thang không nơi nương tựa ở ngoài đường. Năm 1996, bà đã bán căn hộ trong chung cư ở quận 10, lấy tiền mua đất ở phường 4, quận 8 xây căn nhà trệt đón các cụ về ở cùng. Điều kiện bà đón các cụ là tuổi trên 65 tuổi, không người thân, không nơi nương tựa và không mắc bệnh truyền nhiễm.

Mái ấm ban đầu chỉ có hai cụ bà khuyết tật và một cụ ông. Sau đó tin lan truyền, các cụ khác tìm đến bà Kính. Khi căn nhà ở quận 8 sắp bị giải tỏa, bà Kính đã tìm cách mở thêm cơ sở ở Long An với tên gọi “Mái ấm Đức Ái”.  Với tình thương thực sự, bà Kính có thể nhớ năm sinh, kể chi tiết về hoàn cảnh, tình trạng bệnh tật của các cụ.

Nhắc đến mình, bà Kính chỉ nói do không còn người thân, gia đình, vì thế bà muốn chăm lo cho các cụ như cha mẹ và sống với họ như một gia đình. Vì đang điều trị bệnh ung thư vú, bà Kính lo lắng cho tương lai của các cụ.  Bà Kính cũng cho hay mái ấm duy trì được đến ngày hôm nay là nhờ vào sự chung tay, giúp sức của nhiều người, từ bạn bè, đồng nghiệp đến các nhà hảo tâm.

Pháp Luật cũng dẫn lời bà Nguyễn Thị Lý Ngân, Phó chủ tịch Ủy ban xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nhận xét: Cơ sở chăm sóc người già của bà Lê Thị Kính đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn nên năm 2015, huyện Đức Hòa đã cấp phép hoạt động. Nói chung việc làm của bà Kính rất đáng quý. Xã luôn tạo mọi điều kiện để cơ sở hoạt động.

Trên trang web của SFC Charity (không ghi thời gian) giới thiệu về mái ấm Đức Ái Long An như sau: Người phụ trách mái ấm là bà Lê Thị Kính, 68 tuổi, cựu giáo viên và là tín hữu Công giáo. Bà Kính chia sẻ về lý do thành lập : “Ngày xưa, tôi cứ lo làm việc nên đã không chăm sóc mẹ mình được tốt. Sau khi mẹ qua đời, tôi rất hối tiếc. Làm những việc này, cũng là cách để tôi nhớ và tạ lỗi cùng mẹ”. Vì thương các cụ như cha mẹ mình, bà thiết kế mái ấm có một khoảng sân rộng rãi để các cụ tắm nắng mỗi sáng, có một vườn hoa nhỏ và đàn chim bồ câu bay sà xuống mỗi lần được các cụ rải thóc cho ăn. Hầu hết các cụ ở mái ấm là người Công giáo nên bên trong mái ấm có bàn thờ Thánh Camillo – vị Thánh đã cống hiến cuộc đời mình để chăm sóc cho người nghèo và bệnh tật.

Một ngày của mái ấm bắt đầu lúc 5 giờ sáng. Cụ nào còn khỏe sẽ tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân; cụ nào bị liệt sẽ có người giúp tắm rửa, giúp thay quần áo… 6 giờ 30, mọi người tập trung đọc kinh sáng tại nhà nguyện khoảng nửa tiếng rồi cùng nhau ăn sáng. Sau đó, các cụ được tự do sinh hoạt riêng, có cụ quét hành lang, quét phòng, quét sân, lau nhà nguyện… dù chẳng ai bắt buộc.

11 giờ trưa, mọi người họp nhau tại nhà ăn dùng cơm trưa và nghỉ ngơi đến 2 giờ 30. Đúng 3 giờ chiều là khoảng thời gian đọc kinh, sau đó là bữa xế lúc thì bánh ít, lúc thì bánh bông lan, bánh flan, kèm thêm thức uống là bột dinh dưỡng hoặc sữa đậu nành. Sau bữa xế là giờ dạo chơi, đợi bữa cơm chiều. Trước khi ngủ, họ sẽ đọc kinh tối.

Thay vì được quây quần bên con cháu trong căn nhà nhỏ ấm áp thì các cụ ở đây cũng không cô độc vì đã có những con người vì niềm tin vào Chúa đã không ngần ngại bỏ tiền bạc, bỏ thời gian để chăm sóc những con người không máu mủ, không ruột thịt bằng tất cả tấm lòng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: