Lớp Aerobic đặc biệt dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ

Lớp học thể dục theo nhạc miễn phí dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ của huấn luyện viên Quách Mỹ Oanh – Ảnh cắt từ video của Pháp Luật

Từ kinh nghiệm giúp con trai bị tự kỷ, người mẹ – huấn luyện viên Quách Mỹ Oanh, đã tình nguyện tham gia giúp khoảng 30 học viên thiểu năng trí tuệ có được sự vận động thể chất, cải thiện tâm trạng thông qua những bài tập thể dục theo nhạc.

Khai trương từ ngày 13 Tháng Năm 2023 tại Trung tâm huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao thành phố (số 02-04 đường Lê Đại Hành, phường 15, quận 11, Sài Gòn), chương trình tổ chức hằng tuần vào chiều Thứ Bảy, giúp các em thiểu năng trí tuệ tập thể dục theo nhạc hoàn toàn miễn phí.

Đây là dự án kéo dài ba tháng, kết thúc cuối Tháng Tám 2023, dành cho 30 trẻ thiểu năng trí tuệ (bao gồm phổ tự kỷ ASD và hội chứng Down), do ông Nguyễn Văn Quý khởi xướng và điều phối theo chương trình FHI360 Hoa Kỳ, phối hợp cùng Cộng đồng Thể thao khuyết tật Việt Nam.

Chương trình nhận được sự đồng ý tham gia của 30 phụ huynh của trẻ bị thiểu năng trí tuệ, với sự tình nguyện huấn luyện của TS. Lý Đại Nghĩa – một chuyên viên về sinh lý vận động và can thiệp âm ngữ trị liệu, và huấn luyện viên thể dục Aerobic Quách Mỹ Oanh.

Lớp học có mục tiêu giúp trẻ thiểu năng trí tuệ tăng cường thể lực, kỹ năng vận động, tương tác xã hội và giao tiếp – Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao

Trước và sau khi tổ chức những buổi vận động theo nhạc này, chương trình sẽ kiểm tra và thu thập dữ liệu về chỉ số khối cơ thể, các tố chất thể lực (tốc độ, sức mạnh, độ dẻo, sức bền và linh hoạt) và các chỉ số về khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của 30 trẻ thiểu năng trí tuệ.

Mục tiêu của chương trình là giúp trẻ thiểu năng trí tuệ tăng cường thể lực, kỹ năng vận động, tương tác xã hội và giao tiếp. Mỗi buổi học, không chỉ có các em tham gia mà còn khuyến khích các phụ huynh cùng tập luyện. Trong lớp học đặc biệt này, các học viên không phân biệt độ tuổi và không cần phải nhảy đúng động tác, miễn là các em có cảm xúc với âm nhạc và có thể vận động người theo nhạc.

Theo Pháp Luật ngày 11 Tháng Bảy 2023, huấn luyện viên Quách Mỹ Oanh là người mẹ có con trai bị tự kỷ. Bà chia sẻ: “Trong ba tháng đầu khi cho con luyện tập bộ môn Aerobic tuy gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhờ kiên trì, nỗ lực của hai mẹ con đã giúp con giảm được hơn 10kg. Những hành vi bộc phát, căng thẳng của con cũng dần được cải thiện. Tôi nói chuyện thì con nghe và dần hiểu được lời mẹ nói”.

Huấn luyện viên Quách Mỹ Oanh đang hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ các động tác khó cho trẻ thiểu năng trí tuệ – Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao

Bằng kinh nghiệm của mình, bà Oanh mong muốn giúp các em thiểu năng trí tuệ giải tỏa được căng thẳng, có thể lực khỏe và dẻo dai, máu huyết lưu thông thì thần kinh cũng ổn định và giảm bớt các hành vi tiêu cực. Bà Oanh còn kể việc khó nhất trong quá trình luyện tập là các bạn tự kỷ thường gồng cứng cơ, do đó giáo viên phải vừa dạy vừa trò chuyện, khuyến khích để các bạn thả lỏng và hợp tác. Vì thế, lớp học này rất cần sự trợ giúp của phụ huynh để các bạn thích nghi từ từ, mỗi ngày tập một chút, kiên trì mới thành thói quen.

Buổi học đầu tiên ở lớp học đặc biệt này là khó nhất đối với huấn luyện viên Quách Mỹ Oanh, vì học trò mỗi người một kiểu theo bản năng, không thích nghi được, chạy lung tung, không nghe hiệu lệnh từ cô giáo. Buổi học thứ hai rồi thứ ba, lớp học trở nên trật tự hơn, vì các em thiểu năng trí tuệ rất thích nhạc, nghe nhạc rồi nhìn cô là bị cuốn theo, lớp học trở nên nhộn nhịp, rất vui.

Trong các buổi học, ngoài luyện tập Aerobic, bà Oanh còn tập cho học viên những bài múa cơ bản để khi có cơ hội các bạn sẽ tham gia biểu diễn, chẳng hạn như bài múa “Trăng Tròn” cho tết trung thu sắp tới.

Bà bộc bạch: “Dạy Aerobic đối với tôi vừa là niềm vui vừa là động lực sống. Khi thấy các bạn nghe nhạc rồi nhảy theo tôi, tuy là điều bình thường nhưng tôi vô cùng hạnh phúc. Thấy các bạn ngày một vui vẻ, tiến triển tốt, tới lớp đều đặn là tôi biết đang đi đúng hướng”.

Trẻ vui, phụ huynh vui và huấn luyện viên thấy mình đang làm việc ý nghĩa nên cũng vui – Ảnh cắt từ video của Pháp Luật

Đưa con đến lớp sớm, bà Lê Thị Ngọc Phượng (ngụ quận 10, Sài Gòn), có con gái 29 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, trải lòng với Pháp Luật: “Vào đây con có thêm nhiều bạn bè nên rất thích, cứ đến chiều Thứ Bảy là tự giác mặc quần áo vào đi học. Sau thời gian học, thấy con linh hoạt, hòa đồng hơn nên gia đình rất vui”.

Suốt buổi học, bà Phượng luôn đứng bên cạnh tập cùng con, để khi về nhà bà ôn lại cho con. Cả hai mẹ con bà cùng vui với tiếng nhạc và người mẹ cũng cảm thấy khỏe hơn khi nhìn thấy con gái vui vẻ.

Có con trai 25 tuổi “chậm lớn”, người cha Nguyễn An Bình (ngụ quận 3, Sài Gòn) dù tuổi đã cao, động tác không còn linh hoạt nhưng vẫn say sưa tập luyện cùng con. Thỉnh thoảng, ông lại quay sang nựng má con. Ông tâm sự: “Trước đây khi cho con học chung với những bạn bình thường, tôi hơi e ngại vì sợ bị kỳ thị, phân biệt nhưng khi đến đây, ai cũng như nhau, mọi người rất hòa đồng, cùng chia sẻ kinh nghiệm. Không chỉ riêng các cháu mà phụ huynh cũng rất vui”.

Ông bảo lớp học giúp con ông chuyển biến tích cực cả thể chất lẫn tinh thần, giúp ông thêm động lực chở con đến lớp và cùng tập với con.

Không dễ bắt đầu một lớp học thể dục theo nhạc cho trẻ thiểu năng trí tuệ nếu không có tình thương, sự thấu hiểu và lòng kiên trì – Ảnh cắt từ video của Pháp Luật

Không chỉ phụ huynh ở quận trung tâm mới đưa con đến lớp học đặc biệt này mà có cả phụ huynh từ những vùng ngoại ô như huyện Bình Chánh, TP.Thủ Đức… cũng không nề hà nắng mưa chở con đến lớp. Nhìn thấy nỗ lực đó, bà Oanh ấp ủ sau khi chương trình kết thúc sẽ kết nối với những huấn luyện viên Aerobic ở những quận huyện khác để mở những lớp học miễn phí cho học viên thiểu năng trí tuệ.

Pháp Luật cũng dẫn lời thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên cho biết: Bài tập Aerobic là một trong các hoạt động trị liệu hỗ trợ nhiều mặt cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ hay trẻ có các rối loạn phát triển nói chung, tìm được sự thăng bằng cảm xúc và biết tập trung sự chú ý…

Đặc biệt, trong khi học, trẻ có cơ hội tương tác và giao tiếp xã hội, luyện tập được kỹ năng bắt chước, phát triển ngôn ngữ, còn kỹ năng hợp tác xã hội và tham gia đội nhóm được thích ứng từng chút một.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: