Sự việc xảy ra tại Trung tâm y tế huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Nạn nhân là bé N. (10 tuổi), con ông Nguyễn Minh Dương (trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). Ngày 23 Tháng Sáu, ông Nguyễn Minh Dương cho biết rằng, con gái ông đã tử vong vào khoảng 2 giờ 55 sáng cùng ngày.
Theo lời ông Dương, từ ngày 5 Tháng Năm, bé N. kêu đau bụng và được gia đình đưa đến Trung tâm y tế huyện Krông Pắk khám và được chẩn đoán bị viêm ruột thừa cấp, phải phẫu thuật. Sau khi được các bác sĩ phẫu thuật, mổ ruột thừa cháu N. đã hôn mê, không tỉnh.
Gia đình chuyển bé đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị nhưng bé vẫn không có dấu hiệu hồi tỉnh. Tiếp đó, ngày 7 Tháng Năm, gia đình chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cấp cứu nhưng N. vẫn tiếp tục mê man. Đến ngày 20 Tháng Sáu, bé N. có biểu hiện sức khỏe xấu nên gia đình xin bệnh viện cho cháu về nhà và cháu đã tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã có quyết định thành lập hội đồng chuyên môn và đang trong quá trình thu thập thông tin để làm rõ vụ việc cháu bé hôn mê sau khi mổ ruột thừa.
Ông Nguyễn Minh Dương cho biết sau khi lo hậu sự xong cho con gái, ông sẽ tiếp tục tìm hiểu và đề nghị các cơ quan chức trách làm rõ nguyên nhân khiến cháu N. hôn mê gần hai tháng sau khi mổ ruột thừa.
Hiện nay ông Dương đã gửi đơn tới các cơ quan chức trách, đề nghị cung cấp hồ sơ bệnh án liên quan đến việc con gái của ông là cháu N.H.T.N bất tỉnh sau khi mổ ruột thừa tại Trung tâm y tế Huyện Krông Pắk.
Bệnh ruột thừa không phải là căn bệnh hiểm nghèo, phẫu thuật cắt ruột thừa không phải là loại phẫu thuật khó. Các bệnh viện cấp huyện đều đủ khả năng thực hiện các ca phẫu thuật loại này. Tuy nhiên không hiểu vì nguyên nhân gì ê kíp bác sỹ phẫu thuật lại thất bại? Đây là một nghi vấn rất lớn.
Ngành y tế Việt Nam hiện nay rất nát. Sau dịch COVID-19, ngành y đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc và thiếu thiết bị y tế trầm trọng. Hơn nữa, nạn bằng giả cũng không tha ngành nào cả, ngành y cũng trong cái chung ấy. Kết luận của cơ quan điều tra thế nào thì cần phải chờ. Khi có kết quả, thì liệu rằng đó là sai lầm cá nhân hay lỗi hệ thống ngành y tế Việt Nam?