Chỉ còn hơn một tuần nữa đến Tết Nguyên đán, tại các con đường Hồ Sen, Lê Hồng Phong, thị trấn Núi Đèo,… (TP Hải Phòng), các thương lái bắt đầu mang những “sản phẩm” Tết ra trưng bày chật các vỉa hè. Trong đó, những cành đào rừng thu hút người xem bởi sự hoang dại, rêu mốc và thế tự nhiên.
Đào rừng chủ yếu là các thương lái tự tay chọn, mua gom từ các tỉnh Sơn La, Mộc Châu, Sapa,… rồi vận chuyển xuống Hải Phòng. Là tiểu thương có kinh nghiệm buôn đào rừng từ nhiều năm nay, ông Đào Xuân Thủy chia sẻ: “Tôi cũng mới chỉ bày bán khoảng 4, 5 hôm nay nhưng cũng có khá đông người hỏi mua. Để có những cành đào đẹp theo đúng ý, tôi lên Mộc Châu từ mùng 6 tháng Chạp (âm lịch) để thu mua rồi thuê xe chở về. Mỗi chuyến xe chở được khoảng hơn 100 cành đào, có giá khoảng 16 – 20 triệu đồng/xe.
Về tới Hải Phòng, sau khi tuyển lựa lại, mỗi cành đào rừng thường có giá bán hơn 1 triệu đồng trở lên, nhiều cành có giá từ 10 – 40 triệu đồng/cành.
Một chủ sạp đào trên đường Hồ Sen cho biết: “Những cành đào đẹp nhận được rất nhiều sự chú ý của người mua, như cành đào này tôi rao bán với giá 20 triệu, được nhiều khách hàng quan tâm hỏi mua nhưng tôi chưa muốn bán”.
Giới thương lái chọn Hải Phòng làm nơi xuống đào bán Tết vì theo họ, dân Hải Phòng thích đào rừng hơn dân các nơi khác, nên thị trường đào rừng sôi động hơn, giá bán cũng cao hơn. Tuy nhiên, do mấy ngày nay mưa nhiều nên khách đến chọn đào vẫn chưa đông.
Chị Mai Trang – người chơi đào rừng nhiều năm – kể: “Mấy năm nay rồi, cứ khu vực Hồ Sen bày đào là tôi đến mua. Tôi thích đào rừng bởi thế tự do và màu hoa của nó. Vì tôi xác định sẽ chơi và mua đào rừng nên năm nào tôi cũng đi mua sớm, về bày trí ở nhà cho có không khí Tết nữa”.
Tại Thanh Hóa, ngoài nhiều loại hoa Tết được bày bán, những gốc đào “đại thụ” với nhiều thế đẹp cũng được mời chào. Đào đưa về TP. Thanh Hóa đa dạng các chủng loại, giá cả cũng khác nhau, có những gốc có giá khoảng 10 triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng. Cũng có nhiều gốc đào được nhà vườn chào giá tới gần 100 triệu đồng.
Theo các nhà vườn, đào cổ thụ thường được người dân mua hoặc thuê về chơi Tết rất sớm, vì loại này thường được trưng ở cơ quan, công sở, các doanh nghiệp hoặc nhà vườn.
Ở Hà Nội, giá đào vườn xem ra đắt hơn đào rừng Hải Phòng. Anh Nguyễn Tuấn, chủ kinh doanh đào (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên chăm sóc thế đào cũng tốt hơn. Đào gốc nhỏ có giá từ 2-3 triệu đồng; đào thế gốc to có giá từ vài triệu đến vài chục triệu tùy theo thế cây, gốc cây được nuôi dưỡng lâu giá sẽ đắt hơn gốc cây non”.
Đặc biệt, tại chợ hoa Tết trước sân vận động Mỹ Đình, một gốc đào cổ thụ 100 năm tuổi được vận chuyển từ Lai Châu về chào bán với giá 368 triệu đồng.
Chủ nhân gốc đào cổ thụ này cho biết trước khi mang xuống Hà Nội bày bán, cây đào là của một gia đình người dân tộc ở Lai Châu. Khi nhận, cây đào này chỉ còn phần gốc nên phải ghép cành mới để cây có dáng, thế như mong muốn.
Người chủ đầy đào cổ thụ này cũng tiết lộ đây thực sự là một cây đào quý, nếu từ giờ đến 23 Tháng Chạp (tức 14 Tháng Giêng) không có người mua, gốc đào này sẽ được bán đấu giá, số tiền thu được sẽ dành một phần để làm từ thiện.