“Ra đi” mang nhiều nghĩa trong tiếng Việt. Có sự ra đi vĩnh viễn như của ông Nguyễn Phú Trọng, cái chết khép lại một chương sử nhiều tranh cãi, mở ra những cánh cửa mà nhiều người thầm kín chờ đợi. Lại có sự ra đi tìm về sự tĩnh lặng, như của Thích Minh Tuệ, một hành trình buông bỏ những ham muốn vật chất, tìm về đất Phật, nhưng để lại một dấu hỏi lớn trong lòng những người chứng kiến và nỗi lo sợ từ chính quyền. Và cũng có sự ra đi xuất phát từ ước mơ và thất vọng, như của Chu Ngọc Quang Vinh, một lời tuyên bố về sự thật và con đường tìm đến một tương lai khác, nơi không có sự đấu tố và áp bức.
“Ra đi” trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, không chỉ là một hành động di chuyển, mà còn là một biểu hiện của khát vọng tự do, sự bất lực, và cả những hệ lụy của một xã hội đầy bất công.
Dấu chân ly trần của Thích Minh Tuệ
Thích Minh Tuệ, người con của đất Việt, không phải là nhà sư duy nhất gây khó khăn cho chính quyền, nhưng lại là người khiến họ lúng túng nhất. Không có giáo trình nào dạy họ cách đối phó với một người như ông. Ông không thuộc bất kỳ giáo hội độc lập nào, khác với các nhà sư như Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ hay Thích Nhất Hạnh. Thích Minh Tuệ đơn độc trên con đường tu tập, không kêu gọi ai đồng hành. Điều này triệt tiêu mối lo sợ lớn nhất của chính quyền: sự hình thành tổ chức.
Nguồn gốc của Thích Minh Tuệ cũng không liên quan đến miền Nam, ông là người Hà Tĩnh, không có bất kỳ mối liên hệ nào với chế độ cũ hay người tị nạn. Ông thậm chí từng là quân nhân, viên chức nhà nước, một người “trong số họ.”
Bản thân Thích Minh Tuệ không phải là vấn đề, mà chính là sự ngưỡng mộ của công chúng dành cho ông. Sự xuất hiện của một người từ bỏ mọi ham muốn vật chất, sống một cuộc đời giản dị và thanh tịnh, đã tạo ra một làn sóng ngưỡng mộ sâu rộng, bắt nguồn từ việc ông đã hoàn toàn buông bỏ những dục vọng tầm thường. Ông không cần chùa chiền, cúng dường, “livestream câu view,” cu4ngc hẳng cần bằng cấp hay xá lợi. Chỉ cần một chút nước và một bữa cơm chay mỗi ngày, ông đã chạm đến trái tim của nhiều người. Chính sự giản dị và thanh khiết đó đã tạo ra một đám đông người mến mộ mà chính quyền không hề mong muốn. Bởi lẽ, bất kỳ chính quyền nào theo chủ nghĩa tôn thờ Lê-nin cũng đều lo sợ trước những đám đông không do họ kiểm soát.
Từ khi xuất hiện vào đầu năm, sau đợt trấn áp và kiểm soát hành trình “khất thực” tu tập vô hại, đến cuối năm, Thích Minh Tuệ phải rời quê hương, đi qua ngả Lào để đến với đất Phật ở Ấn Độ. Lý do thực sự cho sự ra đi của ông vẫn còn là một ẩn số khi cuộc bộ hành của ông luôn có sự xuất hiện của Đoàn Văn Báu, một công an chìm, đi theo để giám sát. Người ta chỉ biết rằng, có một con người tự do và lương thiện phải rời bỏ quê hương, mang theo một khúc ca buông bỏ không lời. Sự ra đi của ông không chỉ là sự mất mát của Phật giáo, mà còn là một câu hỏi lớn vang vọng về tự do và quyền con người, một vết hằn sâu trong tâm trí những người đã từng dõi theo và ngưỡng mộ ông, một nỗi đau âm ỉ trong lòng những người khao khát một xã hội công bằng.
Thích Chân Quang – sự ra đi nhục nhã của tha hoá giới tu hành
Cũng “ra đi” nhưng sự ra đi của Thích Chân Quang là một nỗi nhục nhã. Ông bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng trong vòng hai năm vì những phát ngôn bị coi là trái giáo luật. Với một nhà sư nổi tiếng nhờ những bài giảng gây tranh cãi lan truyền trên mạng, việc bị cấm khẩu là một hình phạt nặng nề nhất. Nhưng “nghiệp” của ông còn nặng hơn thế. Cơ quan chức năng tuyên bố bằng cấp ba của ông là giả, và do đó các bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ của ông cũng không còn giá trị.
Thích Chân Quang đại diện của sự tha hóa trong giới tu hành, nhưng từng đạt đến đỉnh cao danh vọng. Danh vọng đó không chỉ được trao bởi giáo hội quốc doanh, mà còn do cơ chế quản lý giáo dục nhiều lỗ hổng và sự sùng bái mù quáng của hàng ngàn phật tử. Trong số những phật tử đó, có hàng chục giáo sư, tiến sĩ ngành luật, những người đã góp phần xác lập vị thế của Thích Chân Quang trong giới học thuật.
Thích Chân Quang được hưởng một không gian sinh hoạt tôn giáo “chính thống” và rộng mở, và trở thành một trong những người thành công nhất trong việc lợi dụng không gian đó để mưu lợi cá nhân. Việc mưu lợi của ông không chỉ giới hạn trong không gian nhà chùa mà còn lan sang không gian nhà nước. Khi đó, tư lợi của ông trở thành vấn đề công. Sự sụp đổ của ông là một sự sụp đổ của một hệ thống dung dưỡng và tiếp tay cho sự tha hóa.
Nguyễn Phú Trọng ra đi, kẻ khóc người cười
Sự ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng, một cái chết khép lại một chương sử đầy tranh cãi, đã khuấy động những cảm xúc trái chiều trong lòng những người con mang dòng máu Lạc Hồng. Có những giọt nước mắt tiếc thương, những lời ca tụng vang vọng từ kẻ đau buồn, nhưng cũng không ít nụ cười khuất lấp, một sự giải tỏa thầm kín từ người mừng thầm. Sau những ngày quốc tang rình rang, từ đời thực đến cõi mạng, cái tên Nguyễn Phú Trọng dần trôi vào quên lãng. Cái chết của ông, tựa như một cơn mưa rào sau những ngày nắng hạn, đã mở ra những cánh cửa mà bao người âm thầm chờ đợi từ lâu.
Là tổng bí thư duy nhất nắm quyền tới ba nhiệm kỳ sau thời Lê Duẩn, ông đã tự tay tạo ra những ngoại lệ chưa từng có, trở thành một nhà độc tài cá nhân với tầm ảnh hưởng áp đảo. Có thể ông Trọng không vướng vòng lao lý vì tham nhũng tiền bạc, nhưng chắc chắn ông là người tham nhũng quyền lực bậc nhất trong lịch sử đảng CSVN. Tự xưng là “người gác đền” tư tưởng cho đảng, ông không ngần ngại xé bỏ những điều lệ đã định, để nắm quyền đến nhiệm kỳ thứ ba. “Người cộng sản cuối cùng,” như ông tự nhận, đã đứng trên cả đảng cho đến hơi thở cuối cùng.
Nếu như cái chết của Tổng Bí Thư Lê Duẩn vào năm 1986 cởi trói cho đảng tiến hành công cuộc đổi mới, thì cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng tựa như một lần cởi trói thứ hai, mở ra cơ hội cho những cải cách mới. Liệu những cải cách đó có thành hiện thực hay không vẫn còn là một ẩn số.
Tô Lâm – sự ra đi với nỗi lo âu và chán nản về vận mệnh đất nước
Trong lịch sử gần một trăm năm của đảng CSVN chưa từng có một người đứng đầu nào xuất thân từ lực lượng an ninh hay công an… cho đến khi Tô Lâm trở thành tổng bí thư vào ngày 3 tháng 8 năm 2024. Là con nhà nòi, Tô Lâm đã được đặt lên bệ phóng để đi xa hơn rất nhiều so với người cha Tô Quyền, vốn chỉ làm đến chức cục trưởng Cục Trại Giam của Bộ Công An. Tốt nghiệp trường Đại học An Ninh Nhân Dân năm 1979, Tô Lâm dành gần như toàn bộ sự nghiệp công an của mình trong ngành an ninh, chuyên trách bảo vệ chế độ. Con đường thăng tiến của ông cất cánh vào năm 2016 khi ông trở thành bộ trưởng công an, và là thanh gươm đắc lực trong công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, cho tới tận khi ông Trọng qua đời vào ngày 19 tháng 7 năm 2024.
Tô Lâm đã thể hiện sự đắc lực đến mức tên ông được réo lên như một trong những nhân vật chính bị cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin (Đức) vào năm 2017. Cơ quan điều tra Slovakia từng ban trát truy tố ông vào cuối Tháng Ba năm nay, nhưng rồi lại hủy vào cuối Tháng Năm, ít ngày sau khi ông được bầu làm chủ tịch nước vào ngày 22 tháng 5. Sau sự ra đi của ông Trọng, ông Lâm trở thành người chiến thắng cuối cùng trong cơn tao loạn ở Ba Đình, nhưng cũng phải “ra đi” khỏi chiếc ghế chủ tịch nước, nhường cho Đại Tướng Quân Đội Lương Cường, tái xác lập thế “tứ trụ” truyền thống của đảng.
Mặc dù vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn thừa hưởng chiếc áo quá rộng sau 12 năm ông Trọng liên tục xé rào tạo tiền lệ mới. Giờ đây, ông Lâm có thể đường hoàng công du nước ngoài mà vẫn được đối xử như một nguyên thủ quốc gia, đang tranh thủ từng ngày để tạo dấu ấn riêng của mình. Trong khi vẫn sử dụng văn mẫu “đường lối của đảng” và “kế thừa” di sản của ôngTrọng trong các bài phát biểu, ông Lâm cũng không ngần ngại hô hào tiến vào “kỷ nguyên mới” và quyết liệt tiến hành công cuộc “tinh gọn.” Nếu thành công, ông Lâm sẽ là người đầu tiên làm được cái việc “dời non lấp biển” này.
Sự “ra đi” khi mất chiếc ghế chủ tịch nước của ông Lâm đã phá vỡ thế thống trị “độc tôn” mà ông Trọng tạo ra, nhưng lại khiến cho người dân cảm thấy chán nản và lo âu về niềm hy vọng đổi thay của vận mệnh quê hương khi sự chuyên quyền và đàn áp tiếp tục được thúc đẩy.
Huy Đức – sự ra đi của tự do ngôn luận dòng chính
Nhà báo Huy Đức bị bắt là một sự kiện bất ngờ, khiến không gian thảo luận chính trị ở Việt Nam mất đi một trong những tiếng nói có trọng lượng và chất lượng nhất. Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, là một người thuộc về dòng chính khi toàn bộ sự nghiệp làm báo của ông gắn liền với những tờ báo chính thống. Ông cũng chưa từng có bất kỳ sự cộng tác nào với báo nước ngoài hay báo độc lập.
Trong lịch sử Việt Nam sau năm 1975, Huy Đức đã ghi dấu ấn sâu đậm. Ông là một trong những nhà báo tài năng hàng đầu, từng làm việc ở những tờ báo có tầm ảnh hưởng lớn nhất như Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp thị trong nhiều thập niên. Ông cũng là một trong những blogger/Facebooker được đọc nhiều nhất từ những năm 2000 với bút danh Osin.
Chỉ có hai điều ông làm, vượt ra ngoài khuôn khổ chính thống: xuất bản hai tập của cuốn sách mang tính bước ngoặt “Bên thắng cuộc” ở Mỹ vào năm 2012, một tác phẩm không thể bỏ qua đối với bất kỳ ai muốn hiểu lịch sử hiện đại Việt Nam, và viết những bài phân tích sắc sảo trên blog/Facebook cá nhân. Huy Đức cẩn trọng đến mức không cho ai có cơ hội cáo buộc ông là người “có tổ chức” và “nhận tiền nước ngoài” – cách mà chính quyền thường gán cho các nhà báo độc lập như Phạm Đoan Trang, hay Phạm Chí Dũng. Nếu có điều gì khiến dư luận đồn đoán, thì chỉ là những tin đồn về việc ông thuộc về phe phái nào đó trong đảng, mặc dù những lời đồn đó chưa bao giờ được chứng minh.
Cái án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đang treo lơ lửng trên đầu Huy Đức, một sự trớ trêu. Bởi lẽ, nếu Việt Nam thực sự có tự do dân chủ để mà lợi dụng, thì người ta phải cảm ơn những người như Huy Đức, những người đã góp phần tạo nên không gian tự do đó bằng chính tiếng nói và ngòi bút của mình. Việc ông bị bắt giữ là một đòn giáng mạnh vào tự do ngôn luận và sự đa dạng của các tiếng nói trong xã hội Việt Nam.
Vụ án Trương Mỹ Lan – bóng tối quyền lực và dấu hỏi không lời đáp
Vụ án Trương Mỹ Lan, SCB, Vạn Thịnh Phát – một câu chuyện mà có lẽ thường dân sẽ không bao giờ thấu tỏ, dù đã đi qua phiên phúc thẩm và kết thúc bằng bản án tử hình. Chỉ riêng việc hình dung con số sai phạm khổng lồ lên tới 415,000 tỷ đồng, tương đương khoảng $16 tỷ đã là một thách thức quá lớn với bất kỳ người Việt nào, có lẽ chỉ có tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới có thể so sánh, thậm chí vượt trội. Khoản tiền mà bà Lan phải bồi thường cho SCB còn là một con số phi thực hơn nữa: 677,000 tỷ đồng, tức khoảng $27 tỷ. Với 440 mã tài sản chưa được định giá trong tổng số hơn 1,000 mã tài sản của bà Lan, không ai có thể xác định được tổng tài sản thực sự mà bà đang đứng tên sở hữu là bao nhiêu. Và làm thế nào bà có thể chuyển $4.5 tỷ, dịch chuyển $16 tỷ qua lại qua biên giới trong suốt nhiều năm trời? Ở một đất nước mà tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm chỉ hơn $400 tỷ, đây là điều không thể tin được, giống như con voi chui lọt lỗ kim.
Vụ án Trương Mỹ Lan vẫn là một dấu chấm hỏi lớn trong một hệ thống pháp luật đầy bất công và bí ẩn.
Ra đi không ngoảnh lại: số phận bi thương của Y Quynh Bđăp và những người ly hương
Mỗi năm, có hàng trăm, hàng ngàn người Việt chọn con đường ly hương. Họ là những người bị bức hại, tìm cách ra đi bằng nhiều con đường khác nhau, dù hợp pháp hay bất hợp pháp, nhưng trong tâm khảm luôn mang một nỗi niềm: sẽ không có ngày trở về. Cho đến khi trát dẫn độ gõ cửa, một sự thật tàn nhẫn ập đến.
Y Quynh Bđăp là một trong những người như vậy. Là một người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên, ông trải qua không ít lần vào tù ra tội chỉ vì những sinh hoạt tôn giáo và những lời nói thật của mình. Y Quynh Bđăp là một ví dụ điển hình cho sự đàn áp của chính quyền nhắm vào các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc thiểu số. Đi tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018, có lẽ Y Quynh Bđăp chưa từng nghĩ sẽ có ngày phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về nước để chịu bản án 10 năm tù vì tội khủng bố, liên quan đến sự kiện xả súng ở Đắk Lắk năm 2023. Yêu cầu dẫn độ của Việt Nam đã được tòa án sơ thẩm ở Bangkok chấp thuận, nay chỉ còn chờ phán quyết từ tòa phúc thẩm, một sự mong manh giữa tự do và ngục tù.
Vụ tấn công hai trụ sở ủy ban xã ở Đắk Lắk năm 2023 vẫn còn là một bức màn uẩn khúc chưa có lời giải, đặc biệt là về động cơ gây án. Yêu cầu dẫn độ Y Quynh Bđăp không khác gì sử dụng dùi cui và thuốc súng để giải quyết xung đột, một phương pháp tàn nhẫn và thiển cận và quen thuộc của những kẻ thống trị độc tài.
Giác mơ ra đi của Chu Ngọc Quang Vinh
“Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân, nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài,” Chu Ngọc Quang Vinh, cậu học trò dám nói lên những suy tư và ước mơ thầm kín của nhiều người, đã trở thành nạn nhân của một cuộc đấu tố không thương tiếc.
Văn hóa đấu tố những người như Quang Vinh không phải là ngẫu nhiên. Mọi thứ đều có quy luật tác động, kể cả sự vận động của miệng lưỡi. Đằng sau phong trào đấu tố Quang Vinh và cả trường Fulbright, là một cơ chế trừng phạt và khen thưởng được thiết kế chỉ để bảo vệ tính chính danh của chế độ. Ai xúc phạm chế độ thì phải chịu trừng phạt, ai bảo vệ chế độ thì được ban thưởng. Ngay cả khi các lực lượng dư luận viên không ra tay, những công dân (hay thần dân) dưới chế độ xã hội chủ nghĩa cũng tự thấy có nhu cầu đấu tố. Phần thưởng cho những “hồng vệ binh” tự nguyện này không nhất thiết phải là bằng khen của Mặt Trận Tổ Quốc, mà có thể chỉ đơn giản là chiếc áo đỏ – biểu tượng cho lòng trung thành (dù có thể giả tạo) – có tác dụng bảo vệ họ khỏi mọi nghi ngờ về “bản lĩnh chính trị.” Trong một xã hội nhị nguyên “theo hoặc chống,” chiếc áo đỏ ấy có giá trị như một lá bùa hộ mệnh. Chu Ngọc Quang Vinh thực ra chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của cấu trúc quyền lực này. Đó là lý do vì sao người Việt Nam sẽ còn tiếp tục mơ “giấc mơ Mỹ,” và tiếp tục ra đi, không chút do dự.