“Quan trọng nhất là phải có tình yêu với trẻ, vì không có tình yêu với trẻ thì không làm được gì hết”.
Đó là lời tự sự của bà Đỗ Thúy Nga (81 tuổi), Giám đốc Trung tâm Hy Vọng ở quận Ba Đình, Hà Nội, về công việc nuôi dạy những đứa trẻ có vấn đề về thần kinh.
Video của VietnamNet ngày 28 Tháng Hai 2023 kể về bà giáo U90 và hành trình gieo hy vọng cho những đứa trẻ bị tự kỷ (autism), hội chứng down (DS), động kinh và bại não thể nhẹ… là một câu chuyện đẹp về giáo dục. Bà Nga tâm sự: “Tôi thành lập Trung tâm năm 2002, mang tên Hy Vọng, để nuôi hy vọng cho mình và cho những đứa trẻ. Khi hoạt động trong ngành giáo dục, tôi thấy nhiều đứa trẻ “ngồi nhầm chỗ”, ngồi trong lớp mà tinh thần ở chỗ khác, không học được gì cả, những đứa trẻ ấy cần có nơi chăm sóc và dạy dỗ đặc biệt”.
Trung tâm của bà tiếp nhận 8 dạng bệnh của trẻ, nhiều nhất trẻ tự kỷ, vì Trung tâm hướng đến việc can thiệp sớm tình trạng trẻ bị tự kỷ. Theo bà Nga, không có đứa trẻ nào giống nhau, ngay bệnh tự kỷ cũng có nhiều loại, mỗi trẻ phải có một phương pháp giáo dục khác nhau. Giáo viên ở Trung tâm phải kiên trì, nhẫn nại và quan trọng nhất là phải có tình yêu với trẻ, vì không có tình yêu với trẻ thì không làm được công việc này.
Vì tuyên bố làm vì đam mê, không kinh doanh trên trẻ có tật, Trung tâm Hy Vọng của bà Nga thu học phí vừa sức với gia đình đứa trẻ, cốt để họ có động lực đưa con đi học đều đặn và trẻ có cơ hội vượt qua ngưỡng bệnh của mình để trưởng thành. Trẻ theo học tại trung tâm có nhiều bé con nhà nghèo nên bà chỉ thu tiền ăn, tiền sinh hoạt, còn lại miễn học phí. Những trường hợp khác, học phí chỗ bà cũng thấp so với những trường học tư nhân tương tự khác.
Một phụ huynh có con gửi chỗ Trung tâm của bà Nga bộc bạch: Con tôi bị chậm nói, gia đình không có chuyên môn dạy trẻ. Cháu học ở đây được ba tháng và tiến bộ nhiều so với ở nhà, giao tiếp xã hội và vệ sinh cá nhân hàng ngày tốt hơn lúc còn ở nhà. Vì thế, dù nhà xa, ngày nào tôi cũng đưa con tới đây học, chỉ hy vọng một ngày nào đó con mình cũng bằng bạn bằng bè.
Bà Nga trải lòng: “Điều quý nhất là hạnh phúc của trẻ và hạnh phúc của gia đình. Khi nhìn thấy trẻ tiến bộ, từ chỗ không biết nói đến nói được; từ chỗ không biết mặc quần áo nay biết mặc, biết tự phục vụ bản thân, gia đình “trút gánh nặng”, thì tôi cũng thấy “trút gánh nặng”. Thương nhất là khi ánh mắt trẻ biết nhìn thẳng vào mắt mình, trẻ cười với mình, đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất, dù là nhỏ nhoi”.
Bà giải thích: Trẻ tự kỷ thường có ánh nhìn lơ đãng, không bao giờ nhìn vào mắt người đối diện, vì thế đến một ngày mắt trẻ nhìn thẳng vào mắt cô và cùng nói chuyện với cô, đó đã là thành công.
Người đàn bà cao niên này thay vì cho phép mình được nghỉ ngơi, vì động lực muốn giúp đỡ những đứa trẻ khuyết tật về tinh thần đã tự nhủ với bản thân “không được phép nản, không cho phép mình nản, nản là thất bại”, để còn thuyết phục các giáo viên khác.
Sau 21 năm hoạt động, Trung tâm Hy Vọng của bà Nga đã nhận dạy hơn 300 đứa trẻ có vấn đề về thần kinh và thường xuyên có từ 50-70 đứa trẻ đang theo học ở đây, với đội ngũ giáo viên 15 người gắn bó lâu năm cùng bà Nga. Kết quả sau khi học ở Trung tâm, có hơn 100 đứa trẻ tự kỷ đã hòa nhập với cộng đồng, một số khác trưởng thành học hết lớp 5 về văn hoá đã làm công nhân, bảo vệ, lễ tân khách sạn.
Tuổi Trẻ Thủ Đô ngày 20 Tháng Mười 2022 cũng kể về bà Đỗ Thúy Nga, cho biết bà vốn là bác sĩ nhi khoa, sau 10 năm làm việc ở bệnh viện nhi đã về công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, rồi làm cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, Hà Nội. Trong thời gian làm ở đây, bà Nga được giao phụ trách khối cấp 1, 2 và thường đi kiểm tra, dự giờ những tiết học của nhiều trường. Và ở vai trò này, bà bị ám ảnh bởi ở lớp nào, giờ học nào bà tham dự, đều có những em bé được “chăm sóc” kỹ, ngồi ở cuối lớp. Các em thường có cô giáo hoặc một ai đó ngồi cạnh, ôm chặt để giữ trật tự. Có em còn bị buộc một sợi dây vải vào cổ chân và nối với chân bàn để không chạy nhảy. Khi đến lớp lớn hơn kiểm tra, bà lại thấy có những em học lớp 4, lớp 5 nhưng có vẻ lơ ngơ trước những câu hỏi về kiến thức đã học.
Quan sát nhiều hơn, bà Nga cho rằng những em bé đó không bình thường về tâm sinh lý, hành vi, nên bà đề đạt lập một lớp học riêng cho các em.
Trước khi về hưu (năm 1998), bà đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho phép mở một lớp học đặc biệt cho các bé này, cử những cô giáo tâm huyết nhất, một cô kèm 5-6 em… Lớp học kéo dài được khoảng một học kỳ rồi tan rã.
Năm 1998, khi về hưu, bà Nga mượn mảnh đất (khoảng 60m2) của cô con gái tại ngõ 290 Kim Mã (quận Ba Đình), để xây dựng một căn nhà 4 tầng làm trung tâm chăm sóc và dạy trẻ khuyết tật. Trước đó, bà có lời mời về làm bác sĩ tại bệnh viện Việt – Pháp lúc đó mới thành lập (Tháng Chín 1997) với mức lương ba triệu đồng/tháng (trị giá lúc đó $270), gấp 5 lần lương hưu của bà khi ấy. Thế nhưng, hình ảnh những em bé ngây ngô, ngơ ngác, không phản ứng với giao tiếp… cứ ám ảnh bà, nên bà quyết định từ chối lời mời, âm thầm xây dựng kế hoạch về Trung tâm Hy Vọng.
Ngôi trường của bà Nga không chỉ rèn kỹ năng mà còn dạy học văn hóa. Mỗi trẻ là một chương trình riêng, mỗi trẻ là một kế hoạch học tập riêng. Vào đầu năm học, các cô nhận trẻ sẽ xây dựng chương trình riêng cho bé và trao đổi với cha mẹ em. Sau đó, bà Nga duyệt lại và thống nhất với các cô để thực hiện. Mỗi trẻ ở trung tâm đều có sổ theo dõi sức khỏe và kế hoạch giáo dục riêng. Mọi diễn biến về sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ đều được giáo viên và bác sĩ của trung tâm theo dõi, điều chỉnh kịp thời. Được nuôi dạy đúng cách, trẻ đến đây được học kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mỗi chữ cái, mỗi phép tính đơn giản, có trẻ phải học cả tuần; một bài thơ, có em phải học nhiều tuần mới thuộc. Đang ngoan ngoãn, có trẻ bất ngờ la hét, lên cơn giật, nôn trớ, phá phách… Vì thế, các cô giáo ở đây phải “kiên trì, thấu hiểu và chia sẻ”.
Bà Nga chia sẻ với Tuổi Trẻ Thủ Đô: “Nuôi 10 trẻ bình thường không vất vả bằng một trẻ khuyết tật. Những hành vi của trẻ làm các bậc cha mẹ lo lắng, đau đầu, như: Đập đầu, cào cấu, đập phá… Những trẻ như vậy rất cần môi trường để chơi, vỗ về trẻ. Có gia đình dành cho trẻ một phòng trống nhưng nhiều gia đình không có điều kiện. Nhiều bà, nhiều cô giữ trẻ cũng nói: “Tôi cố gắng hết sức nhưng cháu cắn bầm giập hết cả tay, chân tôi rồi”. Vì thế, kiên trì là yêu cầu đầu tiên với các giáo viên ở trung tâm này. Họ không chỉ cần bằng cấp về sư phạm mà phải có tấm lòng yêu trẻ, yêu như chính con mình đẻ ra”.
Dân Việt ngày 30 Tháng Mười 2022 kể những ngày đầu thành lập bà phải tự bỏ vốn thuê một căn nhà mái tranh rộng 20m2 để làm lớp học cho 10 đứa trẻ có vấn đề thần kinh. Một tổ chức nhân đạo của Hoa Kỳ trong một lần đến thăm lớp học của bà đã bày tỏ mong muốn trợ giúp một phần kinh phí giúp bà có nơi khang trang để dạy dỗ trẻ. Từ sự giúp đỡ này, bà đã mượn đất của con gái để xây dựng một căn nhà 4 tầng làm Trung tâm Hy Vọng.
Cho đến nay, trung tâm tiếp nhận nhiều trẻ không chỉ ở Hà Nội mà còn đến từ các tỉnh, thành khác.
Hiện tại bà Nga quản lý chung trung tâm, nghiên cứu soạn tài liệu giáo án bởi đây là giáo án đặc biệt, cần dựa trên cá nhân mỗi đứa trẻ. Mỗi trẻ có hồ sơ riêng, có phiếu đánh giá hàng tháng gồm 5 mặt: Vận động thô, vận động tinh, cảm xúc, cá nhân xã hội, ngôn ngữ. Các mặt cần can thiệp bà xây dựng chương trình riêng và làm biểu đồ theo dõi.
Tuổi cao nhưng hàng ngày bà Nga vẫn leo bộ lên xuống 4 tầng trong nhà, mệt thì nghỉ, khoẻ mới làm, nhưng ngày nào bà cũng dành 30 phút để tập Yoga để có sự dẻo dai, minh mẫn. Bên cạnh đó, bà còn đọc sách, rèn luyện thêm tiếng Pháp, tiếng Anh để trí não luôn vận động.
Một lão niên sống vui, sống khỏe nhờ có tình yêu trẻ em làm động lực.