Thị trường mua bán tài khoản ChatGPT nhộn nhịp trên mạng xã hội Việt Nam.
Theo thống kê của Google Trends, một tuần qua, từ khóa “ChatGPT”, “OpenAI” nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều tại Việt Nam. Siêu AI này trở thành chủ đề hot trên mạng xã hội Facebook của người Việt trong nước. Trên nhiều trang cá nhân, ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện với ChatGPT xuất hiện với sự giễu cợt, lẫn thán phục. Vì thế, nhiều người mong muốn được “nói chuyện” với siêu AI và tìm cách tạo tài khoản dùng thử.
Vì OpenAI chưa hỗ trợ thị trường Việt Nam nên người dùng phải tìm cách “lách” theo hướng dẫn trên mạng như tải VPN để thay đổi địa chỉ mạng, nạp tiền, thuê số điện thoại ảo… Thao tác phức tạp và khó thành công nên nhiều người tìm tới dịch vụ mở tài khoản ChatGPT. Từ đó, thị trường mua bán tài khoản, cung cấp dịch vụ tạo tài khoản ChatGPT nhanh chóng hình thành và nhộn nhịp trên nhiều nhóm cộng đồng.
Tuy nhiên, giá loạn cào cào, từ 8,000 đồng – 200,000 đồng ($0.34-$8,47), nhưng cũng có người cho sử dụng miễn phí. VnExpress hôm 4 Tháng Hai cho biết dịch vụ mở tài khoản ChatGPT chia làm bốn loại:
Thứ nhất là các tài khoản được tạo sẵn với tên và mật khẩu, được bán với giá 8,000-15,000 đồng ($0.34-$0.64), không đổi được mật khẩu, có nhiều người dùng chung nên thường phải chờ đợi rất lâu;
Thứ hai sử dụng email của bên cung cấp và người dùng có thể chủ động đổi mật khẩu tài khoản, giá thường trên 20,000 đồng ($0.85);
Thứ ba là người dùng sẽ mở tài khoản bằng email của mình, với chi phí từ 30,000 đồng ($1.27) trở lên;
Thứ tư, tài khoản có giá 200,000 đồng ($8,47) có sẵn $18 và người dùng có thể tùy chỉnh để tối ưu hóa các kết quả tìm kiếm, số tiền $18 sẽ được trừ dần vào các lần sử dụng, trung bình OpenAI sẽ tính phí $0.005-$0.02 cho mỗi ký tự trong câu trả lời.
Do việc mua bán tài khoản ChatGPT là tự phát, nên nhiều bài viết trên các báo Việt Nam… đều cảnh báo người dùng có thể bị lừa tiền, khi bên bán dụ người dùng gửi tiền trước nhưng không cung cấp tài khoản hoặc cho tài khoản sai…
Trên thị trường cũng xuất hiện tình trạng bên bán đưa một tài khoản cho nhiều người sử dụng, thậm chí lấy những tài khoản được chia sẻ miễn phí trên các hội nhóm để bán lại với giá cao, việc sử dụng không ổn định, mật khẩu bị thay đổi liên tục. Hoặc người dùng có thể bị dụ cung cấp các thông tin tài khoản email và mật khẩu đang sử dụng, từ đó bị kẻ xấu chiếm đoạt và tấn công sang nhiều tài khoản liên quan khác.
Bài báo mới nhất về vấn đề này trên Zing News tối 7 Tháng Hai cho biết giá dịch vụ tạo tài khoản ChatGPT trên các chợ mạng Việt đã giảm nhanh chóng, nay chỉ còn từ 10,000 – 20,000 đồng ($0.42-$0.85). Zing News dẫn lời Minh T., một người bán tài khoản ChatGPT chia sẻ:
“Vài tuần trước lượng người hỏi mua thì nhiều, lượng người bán vẫn ít nên một tài khoản tạo hộ giá lên tới hơn 100,000 đồng ($4,24). Gần đây thì người ta hỏi mua ít hơn, nhiều người cũng đã thành thạo việc tạo tài khoản nên mức giá mới giảm mạnh như vậy”.
Cũng theo Minh T., nguyên nhân là số người tò mò về ChatGPT đang giảm, việc chia sẻ tài khoản với thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp…. khiến giá mỗi tài khoản ChatGPT tạo hộ nhanh chóng hạ nhiệt.
Quang T., một người bán tài khoản ChatGPT qua kênh ứng dụng nhắn tin, nói với Zing News: Với công sức và thời gian bỏ ra để tạo một tài khoản, 10,000 đồng ($0.42) là mức giá không thể thấp hơn, và vì giá xuống thấp, nên tình trạng lừa đảo lấy tiền mà không cung cấp tài khoản đã giảm rất nhiều.
Chat GPT được công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI xây dựng dựa trên nền tảng mô hình xử lý ngôn ngữ GPT-3, có khả năng đối thoại qua lại và thực hiện “sáng tác” theo yêu cầu người dùng đưa ra. Nhờ khả năng phân tích và hiểu ngôn ngữ con người, siêu AI này đọc hiểu câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau và hồi đáp nhanh chóng với kho thông tin khổng lồ, vì thế ChatGPT nhanh chóng trở thành một hiện tượng công nghệ toàn cầu.
Trả lời VnExpress hôm 4 Tháng Hai 2023, kỹ sư AI Nguyễn Hoàng Bảo Đại – người thứ ba ở Việt Nam được Google công nhận là Google Developer Expert (GDE) trong lĩnh vực Machine Learning – nhận định:
ChatGPT gây “sốt” ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vì đây là lần hiếm hoi công chúng được tiếp cận với một mô hình trí tuệ nhân tạo lớn. ChatGPT không dừng ở khả năng tán gẫu thông thường như các chatbot truyền thống mà còn có thể tìm kiếm, xử lý nhanh thông tin, trả lời theo ngữ cảnh. Khả năng tiếp nối câu chuyện trong đoạn hội thoại và giao diện dễ dùng với đa số người dùng phổ thông cũng khiến siêu AI này nhanh chóng gây được tiếng vang.
Dữ liệu từ Similar Web cho thấy sau hai tháng ra mắt, ChatGPT của OpenAI đã đạt 100 triệu người dùng. Trong khi đó theo thống kê của Sensor Tower, TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, còn Instagram mất tới 2.5 năm, Google Translate là 6.5 năm.
Cũng trong sáng 7 Tháng Hai, trong cuộc họp báo đầu năm, Bí thư TP. HCM Nguyễn Văn Nên đã nhắc nhiều đến ChatGPT và cho rằng siêu AI này sẽ tác động tích cực và tiêu cực đến báo chí Việt, nhắc nhở các nhà báo trong nước: “Người làm báo cần phải nhanh hơn để chuyển tải thông tin, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng không có gì thay thế được chính là quan điểm cá nhân, ý thức chính trị và tính chuyên nghiệp của người làm báo để hoàn thành sứ mệnh của mình”.
“Ý thức chính trị” có lẽ là điều ChatGPT không thể hiểu nổi!
____________