Ở Việt Nam, người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu mới được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp này áp dụng từ ngày 1 Tháng Bảy 2021 là 360,000 đồng/người/tháng ($15.3) và sắp tới đây theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ tăng lên 500,000 đồng/người/tháng ($21.2), bên cạnh đó còn có khoản trợ cấp tiền ma chay là 10 triệu đồng/người ($425). Ngoài những điều trên, người từ 80 tuổi trở lên còn được thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (trị giá 805,000 đồng/người/năm, tức $34.2, nếu tự mua ở phường, xã nơi đang cư trú) và khi đi khám chữa bệnh, nếu không tự chọn gói dịch vụ, đa số sẽ được miễn 100%.
Luật người cao tuổi ở Việt Nam quy định người từ 60 tuổi trở lên được xem là người cao tuổi. Tuy nhiên, chỉ có người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu mới có tiền trợ cấp hàng tháng, kèm với thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Khi vào bệnh viện, cũng chỉ có người từ 80 tuổi trở lên mới được ưu tiên khỏi xếp hàng, khỏi chờ đợi. Còn hai nhóm tuổi 60 và 70 dù không có lương hưu thì cứ… tự đi kiếm tiền như người trẻ. Vì thế, ở Sài Gòn, cứ ra đường là gặp người già đi bán vé số, lượm ve chai.
Lao Động ngày 28 Tháng Ba 2023 đã đặt vấn đề “Người ngoài 70 tuổi cũng cần được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”. Bài báo đã dẫn trường hợp của ông T.Q.H (73 tuổi, ngụ Thanh Hoá), từng làm công nhân lâm nghiệp, do hoàn cảnh gia đình, ông H. nghỉ việc khi chưa đến tuổi hưu (nhiều năm trước là 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam) đã nhận “tiền một lần” là hơn 10kg gạo (22 lb) và vài chục ngàn đồng.
Đến thời điểm hiện tại, đồng nghiệp cùng làm với ông H. thuở trước đều có lương hưu từ 2.5 triệu – 3 triệu đồng/tháng ($106-$127), còn vợ chồng ông H. phải sống nhờ tiền con chu cấp. Cuối năm 2022, ông H. bị tai biến mạch máu não phải phẫu thuật, dù thoát chết nhưng ông không còn khỏe. Vì tất cả chi phí sinh hoạt và chi phí khám chữa bệnh đều phụ thuộc vào con cái, ông mong mỏi nhà cầm quyền cấp tiền trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng cho ông. “Được đồng nào hay đồng nấy, ít ra cũng có cái bảo hiểm y tế miễn phí” – ông bộc bạch.
Trường hợp khác không có lương hưu khi về già là ông Đ.T. (66 tuổi, ngụ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ông T. làm nông và làm các nghề tự do như bốc vác, phụ hồ… và nếu làm đều, mỗi tháng ông được trả 4 triệu đồng ($170). Nếu trời mưa, đi làm ít ngày, thu nhập chỉ vỏn vẹn khoảng 1 triệu đồng/tháng ($42), lúc đó ông phải trông chờ vào tiền lương hưu của vợ. Sắp sang ngưỡng 70 với sức khỏe suy giảm, ông T. mong ước sẽ được nhận tiền trợ cấp hưu trí xã hội vào năm 70 tuổi để bảo đảm được mức sống tối thiểu khi về già, đồng thời có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để không lo lắng mỗi khi bị bệnh. Ông lo lắng nói: “Đối với những người không có thu nhập, tuổi lại cao, sức khoẻ suy giảm thì một vài trăm nghìn đồng cũng đáng quý”.
Sức Khỏe Đời Sống ngày 8 Tháng Mười Hai 2022 dẫn lời TS. Phạm Vũ Hoàng, tổng cục phó Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số, bắt đầu từ năm 2011 và sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già vào năm 2038. PGS.TS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh và hiện có khoảng 11 triệu 400 ngàn người cao tuổi (chiếm khoảng 12% dân số và sẽ chiếm 28% vào năm 2050). Trong khi Australia mất 72 năm mới già hóa dân số thì Việt Nam chỉ mất…16 năm!
Trong bài báo, Sức Khỏe và Đời Sống cũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm, đạt 70%; được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025 và đạt 100% năm 2030; người cao tuổi được điều trị các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025 và đạt 90% năm 2030.
Nhìn vào thực tế tự bươn chải của người cao tuổi ở Việt Nam, mới thấy chương trình nói trên…. chỉ là cái “bánh vẽ”.
Trả lời câu hỏi của một độc giả: “Ở xóm tôi có bà cụ năm nay đã 75 tuổi, diện hộ nghèo của xã, hoàn cảnh neo đơn không người chăm sóc. Hàng ngày phải đi hái rau rồi đem ra chợ bán. Cho tôi hỏi hoàn cảnh của bà có được xem xét để hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không? Nếu được thì tôi cần làm hồ sơ gì để giúp đỡ cho bà?”, trang Thư Viện Pháp Luật ngày 21 Tháng Năm 2022 đã tư vấn như sau: Căn cứ Điều 7 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm: 1.Tờ khai của đối tượng theo Mẫu số 1a, 1b, 1c, 1d, 1đ ban hành kèm theo Nghị định này; 2. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng bao gồm: a) Tờ khai hộ gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng theo Mẫu số 2a ban hành kèm theo Nghị định này; b) Tờ khai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo Mẫu số 2b ban hành kèm theo Nghị định này; c) Tờ khai của đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong trường hợp đối tượng không hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định này”.
Nghĩa là người già trên 70 tuổi, không có thân nhân chăm sóc và thuộc diện gia đình nghèo, phải làm đơn mới được hưởng số tiền trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng. Nhìn mớ hồ sơ phải chuẩn bị, người trẻ và khỏe cũng đủ rối não, nói chi người già! Thôi thì, nếu không có ai giúp đỡ làm dùm mớ hồ sơ này thì bà bán rau cứ đợi… đến năm 80 tuổi, mà, đã nghèo thì mấy ai sống đến 80 tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội?